Friday, May 15, 2009

4 câu hỏi triết học làm …đau não :))


David Bain

lecturer in philosophy at the University of Glasgow

 

Nhân một ngày gọi là ngày Triết học Thế giới của UNESCO (15 tháng 11 năm 2008 thì phải) – David Bain bèn gọi đó là cơ hội để săm soi chiêm nghiệm về sự rất chi tồn tại của bản thể (là mình) và về cái màn hình máy tính trước mặt (mình) liệu có tồn tại hay không.

Mọi người thường kỳ vọng trăm thứ bà rằng từ các triết gia. Một số nghĩ chúng tôi thông thái. Họ gặp tôi là tim tôi chùng xuống khi mà tôi biết tim họ cũng chùng tầm như vầy. Những người khác thì cho rằng chúng tôi phải có một nguồn dồi dào dự trữ những cách ngôn lúc nào cũng sẵn tuôn ra ví dụ như Yêu nghĩa là không bao giờ phải nói anh/em xin lỗi (cái mà chẳng có đồng nghiệp nào của tôi gật gù tán thành sất).

Những người này quá ư thất vọng khi gặp tôi, đặc biệt là khi tôi bảo là cái cốc vẫn được cả những kẻ lạc quan lẫn bi quan yêu thích luôn đầy một nửa và vơi một nửa.

Những người khác nữa thì trông đợi ở chúng tôi không phải sự thông minh mà sự điên, hoặc ít nhất là những niềm tin kỳ dị. Và chỗ này thì phải nói là một số triết gia thực sự cũng đã tỏ ra như vậy. Thales tin là mọi thứ được làm bằng nước, ví dụ thế, hay là Pythagoras thì không bao giờ ăn đậu đỗ vì ông tin là chúng có linh hồn.

David Lewis, triết gia xuất thân Princeton đã có lần nói: “Các triết gia thường lẽo đẽo theo đến chỗ nào có lý luận dẫn đường, quá thường xuyên họ bị dẫn tới những học thuyết không thể phân biệt được với mất trí tuyệt đối.”

Nhưng phải đề phòng. Cũng vẫn là David Lewis đó tin rằng với mỗi con đường trong những con đường mà đáng lẽ chuyện này chuyện kia phải diễn ra nhưng lại không diễn ra, có một thế giới mà trong đó mọi thứ phải như thế, ví dụ một thế giới nơi bản sao của bạn hôm nay đang ở bên vị chúa tể hay nữ thần tình dục đỉnh nhất trên toàn thế giới chẳng hạn. Và hoàn toàn có thể nghĩ rằng ít nhất nửa kia ấy cũng đang được vui vầy, cho dù những người bị choáng ngợp trước trí tuệ cao ngất trời của bác Lewis vẫn thường thấy những cái trò thế giới khác này nọ rất chi khó nuốt.

Không phải triết gia nào cũng tỏ rõ quan điểm kiểu trống giong cờ mở, nhưng có một lý do tử tế giải thích vì sao mọi người liên hệ chủ đề này với nhiều cách nhìn gây kinh ngạc. Triết học nghĩa là đứng lại phía sau và nghĩ – dữ dội và nghiêm khắc – về các khía cạnh của cuộc sống vừa bình thường vừa cơ bản của chúng ta.

Và khi bề mặt bị bới lên, cái bạn tìm thấy bên dưới thật là lạ thường – hoặc, đúng hơn là – khó một cách lạ thường để làm nó tốt, rõ và có nghĩa. Nằm thượt chờ đợi ở đó chính là các lý luận dẫn đường, nếu không phải là tới mất trí tuyệt đối thì sẽ tới những viên đạn mà chúng ta ghê tởm cắn vào (sự thực buộc phải chấp nhận)[1].

Vậy thì, nhân cái ngày Triết học thế giới này, đây là vài lý luận rất gây bực mình cho bạn động não:

 

1. CHÚNG TA CÓ NÊN GIẾT NGƯỜI KHỎE MẠNH ĐỂ LẤY NỘI TẠNG?

Giả sử Bill là một anh khỏe mạnh, không gia đình mà cũng chẳng có ai yêu. Có thể nào giết anh này không thương tiếc để lấy nội tạng đi cứu 5 người khác, một người cần tim, một người cần thận, cứ như thế như thế? Nếu không, thì tại sao không? Hãy xem xét một trường hợp khác: bạn và 6 người khác bị bắt cóc, và thằng bắt cóc bằng cách nào đó thuyết phục rằng nếu bạn bắn chết tươi một người trong số 5 người kia, thì hắn sẽ để 5 người còn lại tự do, còn nếu bạn không làm thì hắn sẽ bắt cả 6. (Đằng nào thì hắn cũng vẫn thả bạn.)

Nếu trong trường hợp này, bạn phải giết một để cứu 5, thì cái trường hợp nội tạng trên kia tại sao không được? Nếu trong vụ này bạn có tí dằn vặt nôn ọe thì lại xem xét một vụ nữa: bạn ở trong buồng lái của cái xe điện đang chạy và thấy 5 người khác bị trói trên đường ray phía trước. Bạn có thể chọn rẽ cái xe điện sang nhánh đường bên trái, nơi chỉ có 1 người bị trói thôi. Thể nào mà bạn chẳng rẽ trái để giết một cứu 5.

Thế tại sao lại không giết Bill?


2. BẠN CÒN LÀ NGƯỜI ĐÃ BẮT ĐẦU ĐỌC CÁI BÀI NÀY KHÔNG?

Hãy xem một bức ảnh của ai đó mà bạn nghĩ là bạn 8 năm về trước. Cái gì đã làm người này trở thành bạn bây giờ? Bạn có thể nói người đó là tổ hợp của cùng những tế bào bạn có bây giờ. Nhưng hầu hết các tế bào của bạn đều được thay thế 7 năm một lần. Bạn có thể cự lại bạn là một cơ thể sống, một con người, và rằng là các cơ thể sống vẫn cứ sống với vụ thay các tế bào – cái cây sồi này vẫn là cái cây sồi con mà tôi trồng năm ngoái đấy thây.

Nhưng bạn có thật sự hoàn toàn là một con người (human being) không? Nếu phẫu thuật đổi não Bush với não bạn, với cái ngoại hình Bush ấy, kẻ đang hồi phục sau phẫu thuật trong Nhà Trắng, có thể là bạn. Vậy thì có thể nói rằng bạn là một bộ não người thôi, có phải là một con người quái đâu.

Nhưng thế sao lại là não mà không phải là lá lách? Có thể bởi vì não hỗ trợ trạng thái trí óc bạn, ví dụ như niềm hy vọng, nỗi sợ hãi, các niềm tin, các giá trị, và trí nhớ. Nhưng có vẻ như thực ra là những trạng thái trí óc ấy mới đáng kể, chứ không phải là bộ não hỗ trợ gì gì ấy. Thế là quan điểm bây giờ là vụ phẫu thuật không cần phải cấy não bạn vào sọ Bush, mà đơn thuần scan rồi làm vệ sinh rồi in những trạng thái của nó vào não Bush đã lau rửa sạch sẽ, cái kẻ giống Bush đang hồi phục trong Nhà Trắng có thể lần nữa lại vẫn là bạn. Nhưng quan điểm này lại đối mặt với một vấn đề: sẽ thế nào nếu não bạn được in thành 2 bản lận trên 2 bộ não đã dọn sạch : một của Bush và một của Gordon Brown?

Bạn sẽ trong Nhà Trắng hay là ở Phố Downing? Chẳng có gì làm cơ sở cho một lựa chọn nào khôn ngoan. Rõ là một người làm sao mà ở 2 chỗ cùng lúc được.

Cuối cùng thì chẳng có cố gắng nào nối dài sự tồn tại của bạn vô tận có thể thành hiện thực. Bạn không phải là cái kẻ đã bắt đầu đọc cái bài này đâu. 


3. THỰC SỰ LÀ ĐANG CÓ MỘT CÁI MÀN HÌNH VI TÍNH NGAY TRƯỚC MẶT BẠN KHÔNG?

Cái gì làm bạn tin là có một cái màn hình vi tính ở trước mặt bạn? Cứ cho là bạn nhìn thấy, hay có vẻ thế. Nhưng các giác quan của chúng ta vẫn thường hay chỉ dẫn nhầm lẫn lắm. Một cái que thẳng nhúng một nửa vào trong nước trông như cong, 2 đoạn thẳng cùng độ dài nhìn như là dài ngắn khác nhau.

Nhưng cái này bạn có thể bảo là không chỉ ra được các giác quan không phải là không cung cấp những dữ liệu tốt để cảm nhận thế giới. Theo phép loại suy, ngay cả một cái phong vũ biểu không hoàn hảo cũng có thể cho bạn lý do để tin rằng trời sắp mưa.

Trước khi tin vào cái phong vũ biểu ấy, đằng nào bạn chẳng độc lập kiểm tra bằng cách đi ra ngoài xem trời có định mưa không khi cái phong vũ biểu nó bảo rằng sắp. Bạn bắt đầu tin cái phong vũ biểu đúng đến 99%. Từ đó, chắc chắn, các chỉ dẫn trên đó có thể đáng để tin rằng trời sắp mưa.

Có thể thế, nhưng phép loại suy thất bại. Bởi vì bạn không thể độc lập kiểm tra các giác quan của mình. Bạn không thể nhảy ùm ra ngoài kinh nghiệm từ các giác quan để kiểm tra xem chúng có nói chung là đáng tin hay không. Vậy là các giác quan không cho bạn lý do để tin cái màn hình máy tính đang ở trước mặt bạn.

 

4. CÓ ĐÚNG LÀ BẠN ĐÃ CHỌN ĐỌC CÁI BÀI NÀY KHÔNG?

Giả sử rằng bác Fred[2] tồn tại ngay sau vụ Big Bang. Bác có trí thông minh và trí nhớ không giới hạn, và biết mọi quy quật khoa học vận hành vũ trụ và tất cả các đặc tính của mọi yếu tố tồn tại sau đó.

Được trang bị như vậy, hàng tỷ năm trước, bác đã có thể giải quyết được những thực tế về vị trí và trạng thái của mọi yếu tố đang tồn tại hôm nay.

Và một khi cái thực tế đó đã được mặc định, thì cả cái thực tế là bạn đang đọc cái bài này cũng thế thôi. Không ai chối là bạn chọn đọc bài này. Nhưng lựa chọn của bạn là có nguyên nhân cả (một vài sự kiện xảy ra trong não bạn chẳng hạn), những nguyên nhân này đến lượt nó cũng lại có nguyên nhân, và cứ thế cứ thế ngược về đến tận Big Bang. Thế nghĩa là việc bạn đọc bài này là được bác Fred phán trước từ lâu lẩu lầu lâu trước khi bạn tồn tại. Một khi bạn đã tới đây, nghĩa là đã quá muộn để có thể thay đổi được gì.

Mà, tất nhiên, bác Fred không thực sự tồn tại, vậy thực ra bác chẳng phán từng việc của bạn. Nhưng vấn đề là: có thể có một bác Fred lắm chứ. Bạn sẽ phản đối rằng vật lý hiện đại cho ta thấy có một lượng sự bất định cơ bản nào đó trong vũ trụ, và cái này làm rối những lời phán của bác Fred. Nhưng có chắc không? Hãy để ý là trong cuộc sống thường nhật, chính xác là khi người ta làm gì đó không đoán trước được, chúng ta sẽ có đôi khi hỏi rằng họ có hành động thoải mái và có trách nhiệm hay không.

Vậy là sự tự nguyện bắt đầu trông không tương thích với phán quyết nhân quả lẫn sự bất định. Thế là không ai trong chúng ta làm gì thoải mái và có trách nhiệm cả.

 

KẾT LUẬN

Để tôi làm rõ điều này: vấn đề là tuyệt đối không phải bạn cũng chẳng phải tôi phải cắn những viên đạn này. Một vài triết gia lại thích thú đạn dược, nhưng ít người chấp nhận được những cái kết luận trên và rất nhiều người sẽ không đồng tình cái nào cả.

Nhưng vấn đề, khi bạn vứt một trong những kết luận đó đi, ấy là phải chẩn đoán phân tích chỗ nào cái lý luận nó bắt đầu sai.

Công việc này trong triết học gắn bó xoắn xuýt với mặt tổng hợp của chủ đề đang nói tới, với những giá trị đầy đủ đúng mực, chính xác và sáng tỏ về những khía cạnh chính trong sự tồn tại của chúng ta: sự tự nguyện, đạo đức, công lý, cái đẹp, ý thức, tri thức, sự thật, ý nghĩa, và nhiều nhiều nữa.

Điều này hiếm khi cho phép chúng ta đặt mọi thứ trở lại đúng nơi ta tìm thấy chúng. Có một vài điều ngạc nhiên, một vài viên đạn đã bị cắn; đôi khi vấn đề chỉ đơn giản là quyết định chọn viên nào. Nhưng ngay cả khi những khái niệm chung nhất của chúng ta sống sót với ít nhiều sứt mẻ thì hiểu biết cũng đã sâu sắc thêm. Như là TS Elliot có lần đã viết:

“…đoạn kết của chuyến thám hiểm,

sẽ là tới được xuất phát điểm,

và biết đến nơi ấy lần đầu tiên.”

 

 



[1] Bullets that we’re loathe to bite.

Bite the bullet: to make yourself do something or accept something difficult or unpleasant

Usage notes: When army doctors performed painful operations without drugs, they gave patients a bullet to put between their teeth. Có cả loại bullet chuyên dụng để cắn, có hẳn vị bạc hà.

Trong triết học bite the bullet nghĩa là taking a position with difficult consequences.

[2]  Fred Hoyle là tên cái bác astronomer có công bịa ra từ “Big Bang”

5 comments:

  1. Đứng trên quan điểm Phật giáo có thể trả lời được 4 câu hỏi trên. Tin không tùy người :D

    ReplyDelete
  2. Việc đi tìm câu trả lời cho từng câu hỏi có lẽ không quan trọng bằng việc chịu thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, và chấp nhận người khác có point of view không giống mình. Và mấy câu thơ của TS Elliot dùng để kết bài đã nói được nhiều hơn cả:

    "…the end of our exploring,
    Will be to arrive where we started,
    And know the place for the first time."

    ReplyDelete
  3. Mình hiểu ý bạn. Chính vì đọc bài này mà mình nghĩ ngay tới MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH. Điều quan trọng kg phải là đã làm gì, điều đó thiện hay ác, nên hay không nên mà chính là ta đã nghĩ gì...
    Cũng xin phép bạn chép bài viết này về blog mình... :)

    ReplyDelete
  4. Vầng, xin cứ tự nhiên. Bài này đăng trên BBC UK Online Magazine
    Four philosophical questions to make your brain hurt
    http://news.bbc.co.uk/2/hi/uk_news/magazine/7739493.stm

    ReplyDelete
  5. Em Minh đây, lười wa, vẫn chưa chuyển nhà :D
    Nếu nói về độ triết học và đau đầu thì cái chuyện "chó" ở entry trước của chị còn ác liệt hơn 4 câu này. Vấn đề đặt ra là logic khả biến của bản thể luận và nhận thức luận, vầng, cái này các bác triết học cãi nhau suốt
    Mà sao chị để cái nền đen tối thế

    ReplyDelete