Sunday, January 24, 2010

Không mặt trời - P.6


Sans Soleil (1985) - Chris Marker - P.6
Tuổi trẻ cuối tuần nào cũng tụ tập tại Shinjuku biết mười mươi rằng họ không ở trên một bệ phóng vào cuộc sống thực, rằng chính họ là một cuộc sống, để mà ăn ngay lập tức như là những quả lý chua. Ấy là một bí mật rất đơn giản, người già cố ngụy trang nó, người trẻ không biết tới nó. Bé gái mười tuổi đã quẳng cô bạn học mình từ 13 tầng cao xuống sau khi trói tay bạn lại, bởi vì bạn đã nói xấu lớp mình, và còn chưa kịp hiểu ra điều ấy. Các bậc cha mẹ - những vị yêu cầu mở rộng đường dây điện thoại đặc biệt báo trước những vụ tự sát trẻ vị thành niên phát hiện ra hơi muộn rằng họ đã giấu diếm chuyện này quá kỹ. Rock là một ngôn ngữ quốc tế lan truyền đi bí mật này. Một ngôn ngữ khác dành riêng cho Tokyo…
Đối với những Takenodo, hai mươi là tuổi về vườn. Chúng là những đứa bé Sao Hỏa. Mình đến xem chúng nhảy các chủ nhật ở công viên Yoyogi. Chúng tìm cách gây sự chú ý, mà chúng không có vẻ chú ý là người ta đang chú ý tới chúng. Chúng đang ở trong thời gian song hành, một bức tường kính bể cá vô hình ngăn chúng với đám đông chúng đang hút tới, và mình có thể bỏ cả chiều ngắm nghía cô takenoko bé đang học, hẳn là lần đầu tiên trong đời, những phong tục của hành tinh nó.
Mặt khác, chúng có những tín hiệu nhận dạng riêng, chúng nghe theo những tiếng huýt còi, Mafia ốp chúng, và trừ một nhóm toàn là con gái ra, bao giờ cũng là một cậu con trai điều khiển.
Một hôm, anh viết cho tôi: “Mô tả về một giấc mơ… Càng ngày những giấc mơ của mình càng có kiểu bài trí giống với những những khu thương mại ở Tokyo, những cửa hàng dưới lòng đất trải dài chúng ra và song song với thành phố. Một gương mặt hiện ra, biến đi, một dấu vết tìm thấy, lạc mất, mọi văn hóa dân gian của những giấc mơ ở đúng chỗ của chúng đến mức mà hôm sau khi tỉnh dậy, mình nhận ra chính mình đang tìm kiếm trong mê cung tầng ngầm sự hiện diện giấu kín của đêm trước. Mình bắt đầu băn khoăn nếu những giấc mơ ấy thật là của mình, hoặc nếu chúng là một phần của tổng thể, một giấc mơ tổng hợp khổng lồ về cái mà trong đó toàn thành phố có thể là màn ảnh lớn. Có thể chỉ nhấc bất cứ máy điện thoại nào nằm xung quanh lên để nghe một giọng thân quen, hay một tiếng tim đập, như đoạn cuối của “Những người khách đêm” – hay ví dụ như của nàng Sei Shonagon chẳng hạn cũng đủ. Các cửa hàng đều dẫn tới những ga tàu, cùng những công ty sở hữu các khu thương mại và đường sắt cũng mang tên họ, Keio, Odakyu, những cái tên cửa ô. Con tàu toàn những người ngủ tập hợp các mảnh của giấc mơ, tạo ra một bộ phim duy nhất, bộ phim tuyệt đối. Những tấm vé từ máy bán tự động trở thành những tấm vé vào.”
Anh nói với tôi về ánh sáng tháng giêng trên những bậc cầu thang nhà ga. Anh nói với tôi rằng thành phố này phải được giải mã như một bản nhạc. Người ta có thể bị lạc trong những đám đông hòa tấu và tích tụ những chi tiết, và việc đó mang lại hình ảnh rẻ rúng về Tokyo: quá đông dân, hoang tưởng tự đại, phi nhân tính. Anh tin là đã thấy nhiều những lớp tinh tế hơn, những nhịp điệu, những gương mặt bắt gặp thoáng qua – như những nhạc cụ rõ ràng và khác nhau. Có đôi khi sự so sánh mang tính nhạc này trùng hợp với thực tế ở một điểm rất đơn giản: cầu thang Sony ở Ginza chính nó là một nhạc cụ, mỗi bậc là một nốt nhạc. Tất cả những cái đó hợp lại với nhau như là các giọng của một đoạn fugue có phần phức tạp, nhưng cũng đủ để níu giữ một giọng và không buông: ví dụ như những màn hình tivi chẳng hạn, tự chúng chúng vẽ ra một hành trình mà đôi khi tự khép lại trong những búi không lường trước được. Đó là mùa Sumo, và những nhà nghiệp dư đến xem các trận đấu trong những showroom rất sang ở Ginza chính là những kẻ nghèo nhất Tokyo, nghèo đến độ không có TV mà xem… Anh thấy họ đến, những linh hồn chết của Namida-bashi, anh đã uống saké với họ trong một buổi bình minh nắng lên, vậy là đã bao mùa qua rồi?
To be continued...

Wednesday, January 20, 2010

Không mặt trời - lịch sử cũng chỉ có vị đắng với những ai trông đợi nó được bọc đường


Sans Soleil (1985) - Chris Marker - P.5
Anh viết cho tôi rằng những thước phim về Guinea-Bissau cần phải được kèm thêm âm nhạc của đảo Cape Verde. Đó có thể là đóng góp của chúng ta cho nền thống nhất mà Amilcar Cabral vẫn hằng mơ.
Vì sao một đất nước nhỏ đến thế - và nghèo đến thế - lại hấp dẫn thế giới? Họ làm điều họ có thể, họ giành tự do lại cho mình, họ đánh đuổi những người Bồ Đào Nha. Họ gây sốc cho quân đội Bồ Đào Nha sâu sắc tới mức nổi lên thành một phong trào lật đổ chế độ độc tài, và khiến người ta trong một lúc tin vào một cuộc cách mạng mới ở châu Âu.
Ai nhớ được tất cả những chuyện đó? Lịch sử quăng những cái trai rỗng của mình ra ngoài cửa sổ.
Sáng nay mình ở trên bến cảng Pidjiguiti, nơi mọi chuyện bắt đầu năm 1959, khi những nạn nhân đầu tiên của cuộc đấu tranh bị giết. Có lẽ nhận ra châu Phi trong sương mù xám xịt thế này cũng khó như nhận ra cuộc đấu tranh trong hoạt động có phần uể oải của những người kiếm kế sinh nhai dọc bãi biển nhiệt đới vậy.
Tin đồn rằng mọi nhà cầm quyền của các nước thế giới thứ ba đều phát ngôn cùng một câu vào buổi sáng sau ngày độc lập rằng: “Bây giờ những vấn đề thực sự mới bắt đầu.”
Cabral chưa bao giờ có cơ hội được nói câu ấy: ông bị ám sát trước. Nhưng các vấn đề đã bắt đầu, tiếp diễn và bây giờ vẫn tiếp tục. Những vấn đề không mấy gây hứng thú cho chủ nghĩa lãng mạn cách mạng: làm việc, sản xuất, phân phối, vượt qua sự kiệt quệ, những cám dỗ quyền lực và đặc quyền thời hậu chiến.
Ờ thì… cuối cùng rồi lịch sử cũng chỉ có vị đắng với những ai trông đợi nó được bọc đường.
Vấn đề cá nhân của mình cụ thể hơn: làm sao để quay những người phụ nữ Bissau? Hiển nhiên, tính năng kỳ diệu của mắt đã chống lại mình ở điểm này. Chính trong những khu chợ Bissau và Cape Verde mình có thể nhìn thẳng vào họ bình đẳng lần nữa. và những đường nét nối tiếp này rất gần với nghi thức quyến rũ: mình thấy nàng, nàng đã thấy mình, nàng biết là mình thấy nàng, nàng liếc nhìn mình, nhưng chỉ có một góc nơi vẫn có khả năng như thể là ánh mắt ấy không dành cho mình, và cuối cùng, ánh mắt thực, thẳng băng, kéo dài tới 1/24 giây, độ dài của một khuôn hình.
Mọi phụ nữ đều có sẵn trong mình khả năng bất diệt.
Và nhiệm vụ của đàn ông luôn là làm cho họ nhận ra điều đó càng muộn càng tốt. Đàn ông châu Phi cũng giỏi trong nhiệm vụ này như những đàn ông nơi khác. Nhưng sau khi nhìn thật gần phụ nữ châu Phi, mình có lẽ không nên đặt cược vào đàn ông ở đây thì hơn.
Anh kể cho tôi câu chuyện về con chó Hachiko. Một con chó đợi ông chủ hàng ngày ở bến tàu. Ông chủ chết, con chó không biết điều ấy, và nó cứ đợi suốt cả cuộc đời. Mọi người cảm động và mang cho nó thức ăn. Sau khi nó chết, một bức tượng được dựng tuyên dương nó, sushi và bánh gạo vẫn được đặt trước mặt để linh hồn trung thành của Hachiko sẽ không bao giờ bị đói.
Tokyo đầy ắp những huyền thoại bé xinh kiểu này, và những con vật gợi nhiều suy nghĩ. Con sư tử Mitsukoshi đứng gác trước biên giới của cái đã từng là triều đại của ông Okada – một nhà sưu tập tranh của Pháp vĩ đại, người đã thuê lâu đài Versailles để kỷ niệm một trăm năm những khu mua sắm của ông. Ở đó tôi đã thấy, trong những khu bán máy tính, những người Nhật trẻ tập luyện trí não như những người Athen ở Palaistra. Họ có một cuộc chiến để thắng. Sách lịch sử trong tương lai sẽ có thể đặt trận hỗn chiến cùng trình độ với chiến trận Salamis và Agincourt, nhưng sẵn sàng tuyên dương đối thủ không may bằng cách bỏ lại các bãi chiến trường khác cho hắn: thời trang nam giới mùa này được đặt theo biểu trưng của John Kennedy.”
Như một cụ rùa đá đặt ở góc một cánh đồng, hàng ngày anh thấy ông Akao – chủ tịch của đảng Yêu nước Nhật – hét như sấm từ trên đỉnh đài đi động phản đối mưu toan của chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Anh viết cho tôi: những chiếc xe của đảng cực hữu với cờ quạt và loa phóng thanh là một phần của toàn cảnh Tokyo – ông Akao là điểm lấy nét trong đó. Mình nghĩ ông này sẽ có bức tượng riêng giống như con chó Hachiko, ở ngã tư này từ nơi ông ấy khởi hành chỉ đi và tiên đoán trên những chiến trường. Vào những năm 60 ông đã ở Narita. Đó là Roissy ở Larzac, những người nông dân chiến đấu chống lại việc đặt sân bay trên đất của họ, và ông Akao cáo buộc bàn tay Moscow đằng sau mọi thứ chuyển động…
Yurakucho là không gian chính trị của Tokyo. Ngày xưa mình đã thấy một nhà sư cầu nguyện cho hòa bình ở Việt Nam tại đây. Hôm nay những nhà hoạt động cánh hữu trẻ biểu tình chống lại việc người Nga thôn tín các đảo phía Bắc. Đôi khi họ trả lời rằng các quan hệ thương mại của Nhật Bản với những kẻ thôn tín đáng tởm từ phương Bắc còn một nghìn lần tốt hơn là với đồng minh Mỹ kẻ luôn kêu gào về xâm lược kinh tế. Ôi, không có gì là đơn giản cả.
Vỉa hè phía bên kia là chỗ của cánh Tả. Nhà lãnh đạo đảng Công giáo Triều Tiên đối lập Kim Dae Jung – bị gestapo Hàn Quốc bắt cóc ở Tokyo năm 73 – đang bị đe dọa án tử hình. Một nhóm đã bắt đầu tuyệt thực. Vài quân nhân trẻ đang cố thu thập chữ ký ủng hộ.
Mình trở về Narita nhân ngày sinh của một trong những nạn nhân của cuộc đấu tranh. Một cuộc tuần hành không thực. Mình có cảm tưởng đang đóng phim Brigadoon, tỉnh dậy mười năm sau giữa cùng những diễn viên ấy với cùng những con tôm hùm xanh cảnh sát, cùng những thiếu niên đội mũ bảo hiểm, cùng những dải băng với cùng những khẩu hiệu: Phản đối sân bay. Chỉ có một thứ được thêm vào: sân bay, một cách chính xác. Nhưng với một đường băng duy nhất và dây thép gai xiết chặt, trông nó giống như bị vây hãm hơn là chiến thắng.
Người bạn mình Hayao Yamaneko đã tìm ra một giải pháp: nếu những hình ảnh của hiện tại không thay đổi thì phải thay đổi những hình ảnh của quá khứ.
Anh cho tôi xem các vụ đụng độ những năm sáu mươi bằng bàn tổng hợp: anh nói những thước phim ít sai khác hơn – với lòng tin của kẻ cuồng tín – so với cái bạn xem trên truyền hình. Ít nhất chúng cho thấy chính bản thân như chúng vốn thế: những hình ảnh, không phải loại cầm tay và dạng nén của một thực tế vốn dĩ bất khả tiếp cận.
Hayao gọi thế giới cỗ máy của anh là “Zone”, một cách tỏ lòng ngưỡng mộ dành cho Tarkovsky.
Narita mang về cho mình một mảnh hoàn chỉnh, như một tấm ảnh toàn ký bị vỡ, về thế hệ những năm sáu mươi. Nếu yêu không ảo tưởng vẫn là yêu, thì có thể nói rằng mình yêu nó. Thế hệ ấy vẫn thường xuyên làm mình nổi giận, bởi mình đã không đồng tình với xã hội không tưởng của nó về việc hợp nhất trong một cuộc đấu tranh chung những người chống cái nghèo và những người chống sự thịnh vượng. Nhưng nó gào lên phản ứng từ trong gan ruột, cái đã điều chỉnh tốt hơn những tiếng nói không còn biết phải nói thế nào, hoặc không còn dám thốt lên.
Mình gặp những người nông dân ở đó, những người đã tìm thấy mình giữa cuộc đấu tranh. Nó thất bại, rất cụ thể. Trong lúc ấy, tất cả những gì họ có được trong việc hiểu biết thế giới, trong việc hiểu biết chính mình, chính là cái cuộc đấu tranh không thể mang lại cho họ.
Với những sinh viên thì có những người kết thúc bằng tàn sát lẫn nhau trên núi nhân danh sự thuần khiết cách mạng, và những người đã từng học khá kỹ chủ nghĩa tư bản để chống lại nó để rồi hôm nay họ trao cho nó những nhân viên cừ nhất. Cũng như mọi nơi khác, Phong trào đã có những thằng hề và những kẻ bon chen – trong đó gồm cả - bởi thực sự có – những kẻ ngoi lên từ cuộc tuẫn đạo – nhưng nó đã mang lại những người nói giống như Che Guevara rằng họ “run lên vì phẫn nộ mỗi khi xảy ra một điều bất công trên đời”. Họ muốn đưa ra một ý nghĩa chính trị cho lòng cao thượng của họ, và lòng cao thượng của họ sẽ sống lâu hơn chính trị của họ. Đấy là vì sao mà mình sẽ không bao giờ để ai nói rằng hai mươi không phải là tuổi đẹp nhất trên đời.

Sunday, January 10, 2010

Không mặt trời - "...điều còn lại chỉ là một vết thương... thoát xác."


Sans soleil (1985) - Chris Marker - P.4
Năm đó, một gương mặt mới xuất hiện giữa những gương mặt tuyệt vời tô điểm cho phố phường Tokyo: gương mặt Giáo hoàng. Những báu vật chưa khi nào rời khỏi Vatican đã được trưng bày trên tầng bảy khu mua sắm Sogo.
Anh viết cho tôi: tính tò mò dĩ nhiên, và vẻ mơ hồ của gián điệp công nghiệp trong mắt – Mình tưởng tượng họ mang ra trong khoảng thời gian 2 năm một bản sao hiệu quả và đỡ đắt hơn của Thiên chúa giáo – nhưng ở đó cũng có cả sức quyến rũ liên quan tới thánh thần, ngay cả khi là của ai đó khác.
Thế thì khi nào triển lãm tầng thứ 3 của cảng Macy về biểu trưng thiêng của Nhật Bản như thế có thể thấy được ở Josen-kai trên đảo Hokkaido? Đầu tiên người ta cười vào cái mớ hỗn hợp gồm bảo tàng, nhà thờ và một sexshop. Ỏ Nhật Bản như mọi khi, người ta ngưỡng mộ việc những bức tường giữa các lĩnh vực rất mỏng manh đến nỗi trong cùng một hơi thở có thể ngắm nghía một bức tượng, mua một con búp bê thổi lên được và dâng cho vị chúa phồn thực những lễ vật nhỏ vẫn luôn đi kèm theo các biểu hiện của người. Những biểu hiện thẳng thắn có thể khiến các thủ đoạn truyền hình trở nên không thể hiểu nổi, nếu nó không đồng thời nói rằng một giới tính chỉ hiển hiện với điều kiện tách rời khỏi một cơ thể.
Người ta có thể muốn tin vào một thế giới trước khi sụp đổ: bất khả tiếp cận những cái phức tạp của một Thanh giáo bị cái bóng giả áp lên do sự chiếm đóng của quân Mỹ.Nơi mọi người tụ tập cười đùa quanh cái đài tế lễ, người phụ nữ chạm vào nó bằng một cử chỉ thân thiện chia sẻ cùng một sự ngây thơ vũ trụ.
Phần hai của bảo tàng – với những đôi thú nhồi – có thể sẽ là thiên đường trên mặt đất mà chúng ta vẫn thường hay mơ. Không chắc lắm… ngây thơ thú vật có thể là một mưu mẹo để đi vòng qua kiểm duyệt, nhưng có lẽ cũng là tấm gương của một sự bất khả hòa giải. Và ngay cả khi thiếu đi tội lỗi nguyên thủy thiên đường trên mặt đất này vẫn có thể là một thiên đường đánh mất. Trong cái tuyệt vời óng mượt của những con thú dịu dàng ở Josen-kai mình đọc thấy vết rạn nứt căn bản của xã hội Nhật Bản, vết rạn nứt chia rẽ đàn ông với đàn bà. Trong đời có vẻ nó chỉ bộc lộ qua hai cách: tàn sát bạo lực, hoặc một nỗi phiền muộn thận trọng – giống như của nàng Sei Shonagon - mà người Nhật biểu hiện bằng duy nhất một từ không thể dịch được. Vậy là điều đẩy con người xuống mức quái thú – cái mà những đức cha của nhà thờ vẫn tấn công – giờ biến thành thách thức của những con quái thú đối với tính cảm động của sự vật, đối với nỗi phiền muộn có màu sắc mà mình có thể tả cho bạn qua vài dòng của Samura Koichi: Ai bảo thời gian hàn gắn mọi vết thương? Có lẽ nên nói rằng thời gian hàn gắn tất cả trừ những vết thương. Với thời gian, nỗi đau chia cắt mất đi những giới hạn thật. Với thời gian, cơ thể được khát khao sẽ biết mất dần, và nếu cơ thể khát khao đã thôi tồn tại cho cơ thể kia, thì điều còn lại chỉ là một vết thương… thoát xác.”
Anh viết cho tôi rằng bí mật của Nhật Bản – cái mà Lévi-Strauss đã gọi là tính cảm động của sự vật – ngụ ý sức mạnh chia sẻ với sự vật, thâm nhập vào chúng, biến thành chúng một chốc lát. Điều bình thường là đến lượt chúng chúng cũng sẽ giống chúng ta: tan rữa và bất tử.
Anh viết cho tôi: thuyết vật linh là một khái niệm quen thuộc ở châu Phi, ít được áp dụng hơn ở Nhật Bản. Thế chúng ta sẽ phải gọi là gì niềm tin phát tán mà theo nó mỗi mảnh của sáng tạo có một bản sao vô hình riêng? Khi người ta xây một nhà máy hay một toà nhà chọc trời, họ bắt đầu bằng một lễ tế làm khuây khỏa vị thần sở hữu mảnh đất. Có lễ tế cho những bụi cây, cho các đỉnh cột, và thậm chí cả cho những cái đinh gỉ sét nữa. Có một lễ vào ngày 25 tháng 9 để yên nghỉ linh hồn của những con búp bê hỏng. Những búp bê này được chất lên nhau trong đền Kiyomitsu thờ thần Kannon – vị thần của lòng trắc ẩn, đức Quan Âm của chúng ta – và được đốt trước công chúng.
Mình trông vào những người tham gia. Mình nghĩ những người đã tiễn biệt các phi công kamikaze cũng có vẻ mặt như thế.
To be continued

Saturday, January 9, 2010

Càng xem TV Nhật Bản... bạn càng cảm thấy nó đang xem bạn

Sans Soleil (1985) - Chris Marker - P.3
Anh tả cho tôi về cuộc hội ngộ ở Tokyo: như là con mèo đã trở về nhà sau kỳ nghỉ trong chiếc giỏ ngay lập tức bắt đầu thám thính lại những nơi thân quen. Anh chạy ngay tới xem mọi thứ có còn ở nơi chốn cũ: con cú Ginza, đầu máy xe lửa Shimbashi, đền thờ cáo trên nóc khu mua sắm Mitsukoshi, nơi anh thấy đông nghịt các cô bé và các ca sỹ nhạc rock. Anh nghe kể rằng bây giờ tới lượt các cô bé tạo ra hoặc không tạo ra các ngôi sao; các nhà sản xuất run sợ trước các cô. Anh nghe kể rằng một phụ nữ bị biến dạng tháo mặt nạ ra trước những người qua lại và cào họ nếu họ không thấy cô đẹp.

Mọi thứ đều hấp dẫn anh. Anh là người không bao giờ quan tâm Dodgers có thắng giải toàn quốc không hay Daily Double trả lời ra sao khi được hỏi sôi nổi rằng Chiyonofuji đã làm thế nào trong giải đấu sumo mới đây. Anh hỏi tin tức về gia đình hoàng tộc, về thái tử, về ông chùm xã hội đen già nhất Tokyo thường xuyên xuất hiện trên TV để dậy về lòng tốt cho trẻ em. Những niềm vui đơn giản này anh chẳng khi nào cảm nhận được: trở về với một đất nước, một ngôi nhà, một gia đình. Nhưng mười hai triệu dân cư vô danh có thể tiếp sức cho anh.
Anh viết: Tokyo là thành phố đan chéo bởi những con tàu, bị buộc vào nhau bằng dây điện, nàng phơi bày các tĩnh mạch mình. Họ nói rằng truyền hình làm dân chúng nàng thất học, còn mình thì mình chưa thấy nhiều người đọc trên phố đến thế bao giờ. Có khi họ chỉ đọc mỗi trên phố thôi, hay có khi là họ - những người da vàng này - chỉ vờ vịt đọc. Mình hay hẹn mọi người ở Kinokuniya, một hiệu sách rất to ở Shinjuku. Thiên tài đồ họa cho phép người Nhật phát minh ra Cinemascope 10 thế kỷ trước điện ảnh hiện đại có đền bù chút ít cho số phận hẩm hiu của những nữ anh hùng hay nạn nhân trong cột truyện tranh trên báo của các tác giả vô tâm và của cắt xén kiểm duyệt. Đôi khi họ đào thoát, và bạn lại thấy họ trên các bức tường. Toàn thành phố là một cột truyện tranh. Đó là Hành tinh Manga. Làm sao một người có thể không nhận ra nổi nghệ thuật điêu khắc đã đi từ Ba-rốc nhựa hóa tới trung tâm Stalin? Và những bộ mặt khổng lồ mắt trĩu nặng lên những người đọc truyện tranh, tranh to hơn cả người, kích thích những người thích ảnh khiêu dâm.
Đêm xuống đô thị náo nhiệt vỡ thành những ngôi làng với những khu nghĩa trang riêng núp dưới bóng những ngân hàng, với những bến đỗ và miếu mạo riêng. Mỗi quận của Tokyo một lần nữa lại trở thành thị trấn nhỏ sạch sẽ độc đáo, làm tổ giữa những tòa nhà chọc trời.
Một quán nhỏ ở Shinjuku nhắc anh nhớ tới cây sáo Ấn Độ mà âm thanh chỉ có duy nhất người chơi sáo nghe được mà thôi. Anh có lẽ đã khóc nếu đó nằm trong một phim của Godard hay một vở kịch của Shakespeare, :”Nhạc này biết đặt vào đâu?”
Sau đó anh kể cho tôi là đã ăn tại một nhà hàng ở Nishi-nippori nơi anh Yamada thể hiện môn nghệ thuật “nấu ăn hành động”. Anh nói rằng khi quan sát thật kỹ các thao tác của anh Yamada và cách anh trộn các thành phần, người ta có thể nghiền ngẫm rất bổ ích về những ý tưởng cơ bản chung cho hội họa, triết học, và karate. Anh cho rằng anh Yamada sở hữu trong tác phong khiêm tốn bản chất của kiểu cách, và do vậy mà anh có thể tùy ý sử dụng chiếc cọ vô hình để viết lên ngày đầu tiên ở Tokyo này chữ “Hết.”
Mình bỏ cả ngày ngồi trước TV – cái hộp ký ức. Mình đã ở Nara với những con hươu thần. Mình đã chụp ảnh mà không biết là vào thế kỷ 15 Basho đã viết: “Cây liễu thấy hình ảnh con diệc… lộn ngược.” Quảng cáo trên truyền hình trở thành một thể loại thơ haiku cho mắt, đã quen với sự tàn bạo phương tây trong lĩnh vực này; sự không hiểu hiển nhiên càng thăng thêm thích thú. Trong một giây phút ảo giác nhẹ mình có cảm tưởng như đang nói tiếng Nhật, nhưng đó chỉ là một chương trình văn hóa trên kênh NHK nói về Gérard de Nerval.
8:40, ở Cambodia. Từ Jean-Jaques Rousseau tới Khmer Đỏ: sự ngẫu nhiên hay chiều hướng lịch sử?
Trong Apocalypse Now, Brando nói vài câu mang tính kết luận và không liên quan: “Nỗi khiếp sợ có mặt và có tên… cần phải làm bạn với nỗi sợ.” Để đuổi nỗi sợ có mặt và có tên đi, bạn phải cho nó một bộ mặt và một cái tên khác. Phim kinh dị Nhật có vẻ đẹp hấp dẫn của vài thây ma. Đôi khi người ta bị hút hồn bởi tàn nhẫn quá mức. Người ta tìm kiếm nguồn gốc trong sự gần gũi với đớn đau của người châu Á, đến mức đòi hỏi ngay cả nỗi đau cũng phải lộng lẫy.
Rồi tới sự báo oán: những loài quỷ dữ được lôi ra, Natsume Masako hồi sinh; vẻ đẹp tuyệt đối cũng có mặt và có tên.
Nhưng càng xem truyền hình Nhật Bản… bạn càng cảm thấy nó đang xem bạn. Mặc dù bản tin truyền hình chứng minh rằng tính năng kỳ diệu của mắt là ở trung tâm mọi thứ. Đây là thời kỳ bầu cử: những ứng cử viên thắng cử giấu đi con mắt trắng của Daruma – linh vật may rủi – trong khi những kẻ thua – buồn nhưng kiêu hãnh – mang đi Daruma –một-mắt của họ.
Hình ảnh khó nhận ra nhất là về châu Âu. Mình xem những thước phim chưa được ghép âm thanh. Mình mất tới 6 tháng để làm về Ba Lan.
Trong khi đó, mình không gặp khó khăn gì với các trận động đất địa phương. Nhưng mình phải nói rằng cơn chấn động đêm qua đã giúp mình nắm được một vấn đề.
Thi ca được sinh ra từ sự bất an: những người Do Thái lang thang, những người Nhật chấn động; bởi sống trên một dải nơi tự nhiên thích đùa cợt luôn sẵn sàng rút ra từ bên dưới họ sống với thói quen di chuyển trong một thế giới của bề ngoài: mong manh, phù du, không chắc chắn, của những chuyến tàu bay từ hành tinh này sang hành tinh khác, của samurai đánh nhau trong một quá khứ không thể thay đổi. Cái đó gọi là “tính nhất thời của của sự vật.”

Mình đã đi trọn hành trình, tới tận những buổi biểu diễn đêm được gọi là cho người lớn. Cùng thứ đạo đức giả như trong những cột tranh truyện, nhưng đó là thứ đạo đức giả được mã hóa. Kiểm duyệt không phải là chuyện cắt xẻo chương trình, mà chính là chương trình. Mật mã là thông điệp. Nó chỉ ra sự tuyệt đối bằng cách giấu đi. Đó là điều mà các tôn giáo vẫn từng làm.


To be continued...