Sans Soleil (1985) - Chris Marker - P.6
Tuổi trẻ cuối tuần nào cũng tụ tập tại Shinjuku biết mười mươi rằng họ không ở trên một bệ phóng vào cuộc sống thực, rằng chính họ là một cuộc sống, để mà ăn ngay lập tức như là những quả lý chua. Ấy là một bí mật rất đơn giản, người già cố ngụy trang nó, người trẻ không biết tới nó. Bé gái mười tuổi đã quẳng cô bạn học mình từ 13 tầng cao xuống sau khi trói tay bạn lại, bởi vì bạn đã nói xấu lớp mình, và còn chưa kịp hiểu ra điều ấy. Các bậc cha mẹ - những vị yêu cầu mở rộng đường dây điện thoại đặc biệt báo trước những vụ tự sát trẻ vị thành niên phát hiện ra hơi muộn rằng họ đã giấu diếm chuyện này quá kỹ. Rock là một ngôn ngữ quốc tế lan truyền đi bí mật này. Một ngôn ngữ khác dành riêng cho Tokyo…
Đối với những Takenodo, hai mươi là tuổi về vườn. Chúng là những đứa bé Sao Hỏa. Mình đến xem chúng nhảy các chủ nhật ở công viên Yoyogi. Chúng tìm cách gây sự chú ý, mà chúng không có vẻ chú ý là người ta đang chú ý tới chúng. Chúng đang ở trong thời gian song hành, một bức tường kính bể cá vô hình ngăn chúng với đám đông chúng đang hút tới, và mình có thể bỏ cả chiều ngắm nghía cô takenoko bé đang học, hẳn là lần đầu tiên trong đời, những phong tục của hành tinh nó.
Mặt khác, chúng có những tín hiệu nhận dạng riêng, chúng nghe theo những tiếng huýt còi, Mafia ốp chúng, và trừ một nhóm toàn là con gái ra, bao giờ cũng là một cậu con trai điều khiển.
Một hôm, anh viết cho tôi: “Mô tả về một giấc mơ… Càng ngày những giấc mơ của mình càng có kiểu bài trí giống với những những khu thương mại ở Tokyo, những cửa hàng dưới lòng đất trải dài chúng ra và song song với thành phố. Một gương mặt hiện ra, biến đi, một dấu vết tìm thấy, lạc mất, mọi văn hóa dân gian của những giấc mơ ở đúng chỗ của chúng đến mức mà hôm sau khi tỉnh dậy, mình nhận ra chính mình đang tìm kiếm trong mê cung tầng ngầm sự hiện diện giấu kín của đêm trước. Mình bắt đầu băn khoăn nếu những giấc mơ ấy thật là của mình, hoặc nếu chúng là một phần của tổng thể, một giấc mơ tổng hợp khổng lồ về cái mà trong đó toàn thành phố có thể là màn ảnh lớn. Có thể chỉ nhấc bất cứ máy điện thoại nào nằm xung quanh lên để nghe một giọng thân quen, hay một tiếng tim đập, như đoạn cuối của “Những người khách đêm” – hay ví dụ như của nàng Sei Shonagon chẳng hạn cũng đủ. Các cửa hàng đều dẫn tới những ga tàu, cùng những công ty sở hữu các khu thương mại và đường sắt cũng mang tên họ, Keio, Odakyu, những cái tên cửa ô. Con tàu toàn những người ngủ tập hợp các mảnh của giấc mơ, tạo ra một bộ phim duy nhất, bộ phim tuyệt đối. Những tấm vé từ máy bán tự động trở thành những tấm vé vào.”
Anh nói với tôi về ánh sáng tháng giêng trên những bậc cầu thang nhà ga. Anh nói với tôi rằng thành phố này phải được giải mã như một bản nhạc. Người ta có thể bị lạc trong những đám đông hòa tấu và tích tụ những chi tiết, và việc đó mang lại hình ảnh rẻ rúng về Tokyo: quá đông dân, hoang tưởng tự đại, phi nhân tính. Anh tin là đã thấy nhiều những lớp tinh tế hơn, những nhịp điệu, những gương mặt bắt gặp thoáng qua – như những nhạc cụ rõ ràng và khác nhau. Có đôi khi sự so sánh mang tính nhạc này trùng hợp với thực tế ở một điểm rất đơn giản: cầu thang Sony ở Ginza chính nó là một nhạc cụ, mỗi bậc là một nốt nhạc. Tất cả những cái đó hợp lại với nhau như là các giọng của một đoạn fugue có phần phức tạp, nhưng cũng đủ để níu giữ một giọng và không buông: ví dụ như những màn hình tivi chẳng hạn, tự chúng chúng vẽ ra một hành trình mà đôi khi tự khép lại trong những búi không lường trước được. Đó là mùa Sumo, và những nhà nghiệp dư đến xem các trận đấu trong những showroom rất sang ở Ginza chính là những kẻ nghèo nhất Tokyo, nghèo đến độ không có TV mà xem… Anh thấy họ đến, những linh hồn chết của Namida-bashi, anh đã uống saké với họ trong một buổi bình minh nắng lên, vậy là đã bao mùa qua rồi?
To be continued...
Paris có gì lạ không bạn ngoài chuyện gần đây không có mặt trời? ;)
ReplyDeletethích lắm. Tiếp tục nhé bạn. :)
ReplyDelete