Wednesday, November 28, 2012

Nhiều chuyện

1. Mi đang dịch dở Marcovaldo (Italo Calvino) cho vui, thì mi phát hiện ra nhiều vị đã dịch cho vui lắm rồi. Nào là từ tiếng Anh, rồi từ cả nguyên gốc tiếng Ý. Mi chỉ có quyển tiếng Pháp trong tay. Mi thấy các bản dịch ấy chưa chỉnh lắm, nên mi muốn tự làm lấy một bản, tự sướng, nhưng đến tự sướng mi cũng lười. Thì thôi, chờ cơn vậy.

2. Hôm qua mi đọc Invisible của Paul Auster. Đọc đến chương hai, đoạn chuyển cách tiếp cận, đổi ngôi người kể chuyện sang một ngôi mới, mi ngỡ ngàng. Không phải bởi tính mới, tính phát hiện gây thích thú đến thế, mà bởi thứ trật tự truyền thống giữa người kể chuyện và người nghe/đọc bị đảo ngược, gây hiệu ứng thật lạ lùng lên mi. Mi tưởng như mi là người đang xỏ đôi giày trải nghiệm từng giây phút, từng cảm xúc của đối tượng được nói tới, trong trường hợp này, lại chính là người kể. Và mi đang thử dùng lại nó ở đây, xem cái hiệu ứng ấy tác động lên người kể, bây giờ lại chính là mi, như thế nào. Mi như đang đối diện với chính mi mà kể lể, mà xưng tội, mà trách móc, mà xỉ vả, mà thương hại. Mi cho mi cái nhìn không quá lãnh cảm, không phải là về một kẻ thứ 3 lạ hoắc nào trong cuộc đối thoại 2 người. Mi cho mi cái nhìn khách quan từ ngoài vào, không quá gần như một người tự thuật chuyện của mình và xưng "Tôi" từ đầu chí cuối. Mi ngả mũ lần nữa trước Paul Auster. Ông chưa khi nào khiến mi thất vọng.

Chỉ có điều, tiếng Việt quá linh động. Người ta có thể "tự" xưng bằng ngôi thứ nhất (tôi, ta, em, anh, mình...) mà cũng có thể "tự" xưng bằng ngôi thứ hai (bạn, anh, em, mình...) Việc dùng chung này dẫn tới sự thiếu rạch ròi trong xưng hô, trong dịch thuật cũng có gây khó khăn nhưng không phải là không có cách giải quyết. Nhưng trong Invisible, You and I càng rạch ròi, thì hiệu ứng của việc kể về bản thân mà lại viết ở ngôi thứ hai, YOU, mới thật mạnh mẽ. Để viết những dòng này, mi chật vật tìm từ xưng hô ở ngôi thứ hai nào ít nhập nhằng nhất. Mi thử bắt đầu bằng "Bạn". Mi nhận ra có nhiều người đã dùng như ngôi thứ nhất, với hàm ý thân thiện hơn so với mi cần. người ta có thể nói "Bạn đi ăn phở bây giờ. A muốn đi cùng không?" "Mày" thì không thể nhầm sang ngôi nào khác, nhưng lại hàm ý ghét bỏ, và hơi tục. Mi đôi khi cũng có ghét bỏ chính mi, nhưng lúc này mi không có ý ấy.
Ngay cả với "mi", mi cũng không hài lòng mấy, nhưng nó gần với thứ mi cần hơn cả.

Mi đau đầu không tìm ra nổi cách diễn đạt nào dễ hiểu hơn cảm nhận này. Mi nghĩ có lẽ nên viết tiếp về nó sau thì hơn.

3. Mi định viết về Cơ hội của Chúa. Nhưng có lẽ không cần. Nhiều người nói hộ mi rồi. Mi thích cái humor của ông Hà (mà mi nhầm là của ông Thiệp)
Về Hoàng: Có lẽ nhân vật Hoàng không phải được viết ra để cho người đọc thích, dù là nhân vật chính mấy đi nữa. Nhưng Hoàng điển hình lắm. Theo nhiều kiểu. Mi cũng có biết một Hoàng như thế, theo một góc độ nào đó, ở cái cách cố kệch cỡm để trêu đời. Vì đời cũng toàn là kệch cỡm cả đấy thôi.
Mà... không biết ông Thiệp bán bản quyền tác phẩm có đắt không nhỉ? :))

PS: Mi sửa lại phần (3) vì nhờ NL mà mi biết mi thích Cơ hội của Chúa của ông Hà và mi thấy Tuổi hai mươi yêu dấu của ông Thiệp đuối quá. Mi cũng chịu không biết vì sao đi đổ quyển kia cho ông này :)) Mi thật mơ hồ về văn học đương đại Việt Nam. 

Monday, November 19, 2012

Trại tị nạn

Chủ nhật, ngày 18 tháng 11.

Hôm nay được bạn làm ở tổ chức OPU (Tổ chức cứu trợ tị nạn Séc) cho đi thăm ké một trại cách Praha độ hơn 1 tiếng. (Kể từ ngày được học lái xe 4 bánh, con người ta thường có xu hướng tính đường xa bằng thời gian ngồi dzìn dzìn trong ấy).
Bọn mình mang cho họ một chồng báo tiếng Việt. Bạn mình mang hạt cườm, bộ dụng cụ làm vòng vèo, tranh tô màu, với lại cả màu nữa.
Bọn mình tới nơi tầm đầu giờ chiều. Chỗ ấy chắc phải xa cái làng gần nhất đến cả chục cây số. Qua cổng một, rồi cổng hai quẹt thẻ từ, rồi đi mãi vào trong, thấy một tòa nhà chắc 5 tầng, chơ vơ tựa vào rừng. Rừng cây. Rừng hàng rào. Rừng dây thép gai.
Đi vào rồi lại qua một sân rồi mới đến một khu nhà thấp. Bọn mình vào một phòng chơi bóng. Bạn mình bắt tay ngay vào treo lưới để chuẩn bị chơi bóng chuyền. Nó thạo như đã làm cả chục lần rồi.
Ờ, lần đầu trong đời chơi bóng chuyền. Người thì lùn một mẩu, cố mãi không tới 1m6. Nhìn cái lưới treo lên mà vãi mồ hôi.
Mấy phút sau, một đoàn khoảng 10 người toàn nam là nam hồ hởi vào, chào hỏi bạn mình thân thiết. Phải đến hơn nửa là người Việt. Mình không biết tổng cộng có bao nhiêu người Việt ở đây. Có vẻ cũng đông nhưng vẫn không bằng Ukraina thì phải. Bọn mình mang cho họ báo cũ, báo bà ngoại nhờ mang từ tận Việt Nam sang mỗi lần có ai về, bà đọc xong, cất cẩn thận ra một chỗ riêng, cho những dịp như thế này. Có tờ chắc cũ độ vài tuần, có tờ cũ đến cả một, hai tháng. Giá bọn mình có báo mới hơn. Mà có khác gì không, với những người sống ở đây cả nửa năm, cả một năm, cả mấy năm, chỉ chờ với đợi?
Mỗi đội sáu người. Cứ bên nào 25 điểm trước thì thắng, rồi đổi sân. Hiệp đầu mình chẳng sờ được vào bóng quả nào. Bóng đến còn né chứ. Hiệp 2 sờ được vào 3 lần thì làm hỏng cả ba. Hiệp 3, bị đến lượt giao bóng. Sợ làm hỏng quá, cứ đứng đực ra mặt đỏ dừ. Cả hai đội ta và đội bạn đều vỗ tay cổ vũ, chỉ cách làm sao đứng từ ngoài vạch mà qua được cái lưới cao gần 2 mét rưỡi. Tổ sư. Thế nào mà đánh được. Đội thắng quả ấy, thế là giao liên tục 2 lần đều qua. Hiệp 4, thậm chí còn ghi 1 bàn. Vâng, 1 lần duy nhất đỡ nổi 1 quả, không chạy, không trượt, lại còn ghi bàn. 1 lần duy nhất trong đời.
Trong nhóm họ có một anh người Thái xưng chú với mình, nói tiếng Việt nhoay nhoáy. Chú mới ở trong đó có 2 tháng. Hình như ai ở trong trại ít lâu rồi cũng nói được ít nhiều tiếng Việt. Thế mới hay. Chứ tiếng Séc thì nói làm gì.
Đang ngất ngây đà thắng thì hết giờ. Hết 1 tiếng, đoàn ấy lại đi hàng một về một dãy nhà ngay gần đó. Dãy riêng cho nam giới thì phải.

Sau một hồi lắt léo. Bọn mình bây giờ tới chỗ xâu vòng và tô màu, hình như bên nhà nữ. Dưới tầng hầm có một phòng rộng, cũ và buồn, nhưng ấm. 2 đứa, một đứa con gái người Nga/Ukraina 6 tuổi tên là Nata, một thằng ku Trung Quốc mặt tròn xoe mắt híp như Mông Cổ, bé tí láu lỉnh, tự nhận là đã lên 8. 1 phụ nữ lớn tuổi tóc hoe đỏ, và một phụ nữ trẻ, vẻ Trung Á có thể  Bắc Á, mang theo một bé con còn chưa thôi nôi, cả 2 người lớn đều có nụ cười ủ dột. Đến mức mình không dám nhìn họ trực diện lâu quá 2 giây. Họ ngồi lặng lẽ xâu hạt, cũng chẳng nói chuyện với nhau. May mà cả cái đội xâu hạt quốc tế, cả người thăm lẫn người được thăm, 2 Séc, 2 Việt, 2 có-lẽ-là-Ukraina, 1 Trung Quốc, 1 Nga/Ukraina ấy, nhờ thằng cu Trung Quốc mà đâm ra có tiếng nói tiếng cười. Thằng cu mắt híp hỏi mình bằng tiếng Việt cô có phải Việt Nam không. Rồi nó nói tiếng Séc líu lo, gọi mày râu duy nhất trong đoàn là Captain. Da nó ngăm ngăm, hai cái má nó hồng như hai qủa đào chín, nó tô ngay một con ong to đùng màu hồng chứ. Con bé Nata lúc đầu mặt cúi gằm gằm, về sau cũng cười nắc nẻ. Đôi mắt nó cái lúc nó quay lại cười bẽn lẽn lần cuối trước khi bị bắt lên gác lúc hết giờ. Ôi chao là đôi mắt.

Mình ký ngay một cái giấy khỉ gió gì đấy để mỗi tháng lại quay lại đó một lần.
Tháng sau sẽ ngay trước Giáng sinh ít ngày.
Lúc ấy có khi đã được cầm vô-lăng vù vù, vù vù rồi ấy chứ.

Wednesday, November 14, 2012

Những kẻ buôn sức khỏe

Cuối cùng phim tài liệu ngắn về Bảo hiểm y tế cho người nước ngoài của chúng tôi cũng được chính thức ra mắt khán giả mạng.

Phim là một phần của chiến dịch đấu tranh cho người đếb từ nước thứ 3 ở CH Séc được mua bảo hiểm y tế công cộng.

Thiệt tình, chỉ vì mục đích đó nên phim buộc phải làm theo hướng thoảng mùi propaganda, nhưng tôi tự hào cho là chúng tôi đã làm hết sức nghiêm túc, mặc dù còn có những sai sót về kỹ thuật, để tạo ra một thứ "xem được".

Vấn đề phim động tới chẳng làm được gì cho người Việt Nam ở Việt Nam, nhưng tôi mong một ngày nó thay đổi được phần nào hoàn cảnh của người Việt không có thẻ xanh sống ở Séc.

Người ta hứa sẽ chiếu phim này tại Văn phòng Chính phủ (Séc, tất nhiên).
Tôi mong là vấn đề phim đặt ra được các vị khán giả VIP ấy xem xét nghiêm túc.

Nhưng trước hết, họ phải xem cái đã. Fingers crossed!!

Chọn phụ đề tiếng Việt/tiếng Anh trong phần Captions. Xin hãy xem phim ở độ phân giải cao nhất!!

Cảm ơn nhiều! :)


Saturday, November 3, 2012

1Q84 - Notes

Thật là khó để mà bắt tay vào viết về 1Q84 ngay sau khi đọc xong. Nhưng ít ra là có thể viết vài dòng cảm nhận tức thời. Để có cái mà so với 1 tuần sau, 1 tháng sau, hay 1 năm sau, chẳng hạn.

- Đọc hết tập 1 sốt ruột chờ Nhã Nam ra tiếp không nổi, bèn đọc bằng tiếng Anh tập 2. Đọc hết Book 1&2 ớ ra là còn có cả Quyển 3 nữa. Ừ thì 1 năm phải đủ 4 mùa chứ lị. Đọc hết Quyển 3 thì mình thấy mình phục mình thật, phù phù, cuối cùng thì cũng xong rồi.
Tóm lại là gì?  Quá dài.
Giá mà bác Mu cô đọng lại, có khi 2 tập là xong. Nhiều lúc đã chớm có cảm giác ngán, đặc biệt là do tần số lặp lại quá cao của cùng 1 tứ. Không chỉ lặp tứ, mà lặp mọi thứ về cái tứ ấy, như thể tuân theo luật quảng cáo/tẩy não: cái gì beng vào đầu đến 7 lần rồi thì khó mà quên được. Ô kê, việc lặp của bác Mu rõ ràng có chủ ý, nhưng đôi khi cảm giác bác sợ mình ngu nên nhắc dùm là chi tiết này có ẩn ý gì đây, chi tiết kia không được bỏ qua đâu nhé. Vụ 2 mặt trăng hẳn là điển hình.

- Đọc xong rồi thì không rõ là do bản dịch tiếng Anh hay gì, mà mình thấy hình như bác Mu chưa bao giờ sến đến vậy. Bác là một trong các tác giả yêu thích nhất mà mình đọc gần như không bỏ sót, có đến vài quyển nằm trong số các tác phẩm thích nhất của mình, bởi vì bác từng viết thú vị, khơi gợi, lãng mạn mà KHÔNG sến. Cái đấy khó lắm, vì biết mắm muối cảm xúc thế nào mới là vừa đủ?
2 (hay thực ra là 1?) tiểu thuyết của bác gợi hứng và ám ảnh và làm mình không thôi nghĩ ngợi (gần đây) nhất là Cuộc săn cừu hoang và Nhảy nhảy nhảy. Thật là "cool" quá đi. Thật là có nhiều khoảng lặng bí ẩn để ta tự cho phép góp trí tưởng tượng của ta vào, ta tự nguyện trút bỏ cảnh giác để mà hít thở không khí trong câu chuyện và hồi hộp dõi theo số phận các nhân vật. Trong suốt hành trình từ trang 1 đến trang cuối họ ăn ngủ, đi lại, phản ứng và đưa ra quyết định như thể họ là ai đó đang tồn tại đâu đó ở nước Nhật kaj kỳ kia.
Nhưng 1Q84 để lộ dấu bàn tay sắp đặt của tác giả trong một vài chi tiết, khiến nó "sến" hơn mức cần thiết. Một sát thủ không cần phải sến cho người đọc thương cảm hay thấu hiểu đủ để quan tâm tới số phận và đọc đến cuối truyện.

- Có 1 điểm mình cho là một trong những điểm sáng của 1Q84, nhưng có nên spoil không ta? Một trong những nhân vật chính được xử lý rất thông minh ở phần 3. (Supposed-to-be) Bad guy bỗng dưng lấy được lòng độc giả một cách rất tự nhiên rồi gặp một kết thúc lạnh lùng nhưng không thể logic hơn được nữa.

- Điều đặc biệt hơn cả, là không khí truyện, nhất là phần 3, đặc sệt mùi The New York Trilogy của Paul Auster. Mình quá yêu cuốn này nên không thể không thích những nét tương đồng tìm thấy trong 1Q84. Điểm khác biệt có lẽ là, 1Q84 ở đâu đó trong dòng mình tạm gọi là Trinh thám-hiện thực-huyền ảo (hẳn các bác nghiên cứu phải đặt tên cho dòng văn học này rồi chứ?!), NY Trilogy cũng mang vỏ trinh thám nhưng có tính hiện sinh nhiều hơn, và cũng vì thế mình thích hơn. Không thỏa hiệp. Không happy-ending. Thậm chí không-ending luôn. Cuộc săn cừu hoang và Nhảy nhảy nhảy quyết liệt hơn theo hướng này, vì thế mà nó ám ảnh. Mình tin là mình sẽ quên 1Q84 nhanh hơn nhiều so với các cuốn các của bác Mu. Sự đọc đôi khi có chỗ gần với masochism lắm ấy, không đau thì không thích.
Có quá nhiều điều muốn nói về phần 3 này, nhưng mà  spoiler là không ngoan.

- 1984 có liên quan rất nhiều ở đây, vì đó là cảm hứng chính của 1Q84 mà. Nhưng quan trọng nhất chắc vẫn là: Big brother is watching you, và từ đó 1Q84 đẩy lên thành "free will" này nọ.

Tạm kết luận: 1Q84 cũng đáng đọc nhưng mình đáng lẽ không nên kỳ vọng quá cao.
1984 có tầm ảnh hưởng thật lớn, cũng phải thôi.

- Cảm nhận nông cạn mới được đến thế, nhưng cũng đã là dài cho 1 mục ghi chú.

Tượng bỏ đi ở Luxembourg

PS: quên mất: Mình đặc biệt rất yêu bác Mu khi biết bác thích Dvořák và Janáček :D :x