Sans Soleil (1985) - Chris Marker - P.5
Anh viết cho tôi rằng những thước phim về Guinea-Bissau cần phải được kèm thêm âm nhạc của đảo Cape Verde. Đó có thể là đóng góp của chúng ta cho nền thống nhất mà Amilcar Cabral vẫn hằng mơ.
Vì sao một đất nước nhỏ đến thế - và nghèo đến thế - lại hấp dẫn thế giới? Họ làm điều họ có thể, họ giành tự do lại cho mình, họ đánh đuổi những người Bồ Đào Nha. Họ gây sốc cho quân đội Bồ Đào Nha sâu sắc tới mức nổi lên thành một phong trào lật đổ chế độ độc tài, và khiến người ta trong một lúc tin vào một cuộc cách mạng mới ở châu Âu.
Ai nhớ được tất cả những chuyện đó? Lịch sử quăng những cái trai rỗng của mình ra ngoài cửa sổ.
Sáng nay mình ở trên bến cảng Pidjiguiti, nơi mọi chuyện bắt đầu năm 1959, khi những nạn nhân đầu tiên của cuộc đấu tranh bị giết. Có lẽ nhận ra châu Phi trong sương mù xám xịt thế này cũng khó như nhận ra cuộc đấu tranh trong hoạt động có phần uể oải của những người kiếm kế sinh nhai dọc bãi biển nhiệt đới vậy.
Tin đồn rằng mọi nhà cầm quyền của các nước thế giới thứ ba đều phát ngôn cùng một câu vào buổi sáng sau ngày độc lập rằng: “Bây giờ những vấn đề thực sự mới bắt đầu.”
Cabral chưa bao giờ có cơ hội được nói câu ấy: ông bị ám sát trước. Nhưng các vấn đề đã bắt đầu, tiếp diễn và bây giờ vẫn tiếp tục. Những vấn đề không mấy gây hứng thú cho chủ nghĩa lãng mạn cách mạng: làm việc, sản xuất, phân phối, vượt qua sự kiệt quệ, những cám dỗ quyền lực và đặc quyền thời hậu chiến.
Ờ thì… cuối cùng rồi lịch sử cũng chỉ có vị đắng với những ai trông đợi nó được bọc đường.
Vấn đề cá nhân của mình cụ thể hơn: làm sao để quay những người phụ nữ Bissau? Hiển nhiên, tính năng kỳ diệu của mắt đã chống lại mình ở điểm này. Chính trong những khu chợ Bissau và Cape Verde mình có thể nhìn thẳng vào họ bình đẳng lần nữa. và những đường nét nối tiếp này rất gần với nghi thức quyến rũ: mình thấy nàng, nàng đã thấy mình, nàng biết là mình thấy nàng, nàng liếc nhìn mình, nhưng chỉ có một góc nơi vẫn có khả năng như thể là ánh mắt ấy không dành cho mình, và cuối cùng, ánh mắt thực, thẳng băng, kéo dài tới 1/24 giây, độ dài của một khuôn hình.
Mọi phụ nữ đều có sẵn trong mình khả năng bất diệt.
Và nhiệm vụ của đàn ông luôn là làm cho họ nhận ra điều đó càng muộn càng tốt. Đàn ông châu Phi cũng giỏi trong nhiệm vụ này như những đàn ông nơi khác. Nhưng sau khi nhìn thật gần phụ nữ châu Phi, mình có lẽ không nên đặt cược vào đàn ông ở đây thì hơn.
Anh kể cho tôi câu chuyện về con chó Hachiko. Một con chó đợi ông chủ hàng ngày ở bến tàu. Ông chủ chết, con chó không biết điều ấy, và nó cứ đợi suốt cả cuộc đời. Mọi người cảm động và mang cho nó thức ăn. Sau khi nó chết, một bức tượng được dựng tuyên dương nó, sushi và bánh gạo vẫn được đặt trước mặt để linh hồn trung thành của Hachiko sẽ không bao giờ bị đói.
Tokyo đầy ắp những huyền thoại bé xinh kiểu này, và những con vật gợi nhiều suy nghĩ. Con sư tử Mitsukoshi đứng gác trước biên giới của cái đã từng là triều đại của ông Okada – một nhà sưu tập tranh của Pháp vĩ đại, người đã thuê lâu đài Versailles để kỷ niệm một trăm năm những khu mua sắm của ông. Ở đó tôi đã thấy, trong những khu bán máy tính, những người Nhật trẻ tập luyện trí não như những người Athen ở Palaistra. Họ có một cuộc chiến để thắng. Sách lịch sử trong tương lai sẽ có thể đặt trận hỗn chiến cùng trình độ với chiến trận Salamis và Agincourt, nhưng sẵn sàng tuyên dương đối thủ không may bằng cách bỏ lại các bãi chiến trường khác cho hắn: thời trang nam giới mùa này được đặt theo biểu trưng của John Kennedy.”
Như một cụ rùa đá đặt ở góc một cánh đồng, hàng ngày anh thấy ông Akao – chủ tịch của đảng Yêu nước Nhật – hét như sấm từ trên đỉnh đài đi động phản đối mưu toan của chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Anh viết cho tôi: những chiếc xe của đảng cực hữu với cờ quạt và loa phóng thanh là một phần của toàn cảnh Tokyo – ông Akao là điểm lấy nét trong đó. Mình nghĩ ông này sẽ có bức tượng riêng giống như con chó Hachiko, ở ngã tư này từ nơi ông ấy khởi hành chỉ đi và tiên đoán trên những chiến trường. Vào những năm 60 ông đã ở Narita. Đó là Roissy ở Larzac, những người nông dân chiến đấu chống lại việc đặt sân bay trên đất của họ, và ông Akao cáo buộc bàn tay Moscow đằng sau mọi thứ chuyển động…
Yurakucho là không gian chính trị của Tokyo. Ngày xưa mình đã thấy một nhà sư cầu nguyện cho hòa bình ở Việt Nam tại đây. Hôm nay những nhà hoạt động cánh hữu trẻ biểu tình chống lại việc người Nga thôn tín các đảo phía Bắc. Đôi khi họ trả lời rằng các quan hệ thương mại của Nhật Bản với những kẻ thôn tín đáng tởm từ phương Bắc còn một nghìn lần tốt hơn là với đồng minh Mỹ kẻ luôn kêu gào về xâm lược kinh tế. Ôi, không có gì là đơn giản cả.
Vỉa hè phía bên kia là chỗ của cánh Tả. Nhà lãnh đạo đảng Công giáo Triều Tiên đối lập Kim Dae Jung – bị gestapo Hàn Quốc bắt cóc ở Tokyo năm 73 – đang bị đe dọa án tử hình. Một nhóm đã bắt đầu tuyệt thực. Vài quân nhân trẻ đang cố thu thập chữ ký ủng hộ.
Mình trở về Narita nhân ngày sinh của một trong những nạn nhân của cuộc đấu tranh. Một cuộc tuần hành không thực. Mình có cảm tưởng đang đóng phim Brigadoon, tỉnh dậy mười năm sau giữa cùng những diễn viên ấy với cùng những con tôm hùm xanh cảnh sát, cùng những thiếu niên đội mũ bảo hiểm, cùng những dải băng với cùng những khẩu hiệu: Phản đối sân bay. Chỉ có một thứ được thêm vào: sân bay, một cách chính xác. Nhưng với một đường băng duy nhất và dây thép gai xiết chặt, trông nó giống như bị vây hãm hơn là chiến thắng.
Người bạn mình Hayao Yamaneko đã tìm ra một giải pháp: nếu những hình ảnh của hiện tại không thay đổi thì phải thay đổi những hình ảnh của quá khứ.
Anh cho tôi xem các vụ đụng độ những năm sáu mươi bằng bàn tổng hợp: anh nói những thước phim ít sai khác hơn – với lòng tin của kẻ cuồng tín – so với cái bạn xem trên truyền hình. Ít nhất chúng cho thấy chính bản thân như chúng vốn thế: những hình ảnh, không phải loại cầm tay và dạng nén của một thực tế vốn dĩ bất khả tiếp cận.
Hayao gọi thế giới cỗ máy của anh là “Zone”, một cách tỏ lòng ngưỡng mộ dành cho Tarkovsky.
Narita mang về cho mình một mảnh hoàn chỉnh, như một tấm ảnh toàn ký bị vỡ, về thế hệ những năm sáu mươi. Nếu yêu không ảo tưởng vẫn là yêu, thì có thể nói rằng mình yêu nó. Thế hệ ấy vẫn thường xuyên làm mình nổi giận, bởi mình đã không đồng tình với xã hội không tưởng của nó về việc hợp nhất trong một cuộc đấu tranh chung những người chống cái nghèo và những người chống sự thịnh vượng. Nhưng nó gào lên phản ứng từ trong gan ruột, cái đã điều chỉnh tốt hơn những tiếng nói không còn biết phải nói thế nào, hoặc không còn dám thốt lên.
Mình gặp những người nông dân ở đó, những người đã tìm thấy mình giữa cuộc đấu tranh. Nó thất bại, rất cụ thể. Trong lúc ấy, tất cả những gì họ có được trong việc hiểu biết thế giới, trong việc hiểu biết chính mình, chính là cái cuộc đấu tranh không thể mang lại cho họ.
Với những sinh viên thì có những người kết thúc bằng tàn sát lẫn nhau trên núi nhân danh sự thuần khiết cách mạng, và những người đã từng học khá kỹ chủ nghĩa tư bản để chống lại nó để rồi hôm nay họ trao cho nó những nhân viên cừ nhất. Cũng như mọi nơi khác, Phong trào đã có những thằng hề và những kẻ bon chen – trong đó gồm cả - bởi thực sự có – những kẻ ngoi lên từ cuộc tuẫn đạo – nhưng nó đã mang lại những người nói giống như Che Guevara rằng họ “run lên vì phẫn nộ mỗi khi xảy ra một điều bất công trên đời”. Họ muốn đưa ra một ý nghĩa chính trị cho lòng cao thượng của họ, và lòng cao thượng của họ sẽ sống lâu hơn chính trị của họ. Đấy là vì sao mà mình sẽ không bao giờ để ai nói rằng hai mươi không phải là tuổi đẹp nhất trên đời.
No comments:
Post a Comment