Tuesday, May 26, 2009

Revolutionary Road - Hạnh phúc không ở đây

April Wheeler: Anh có biết sự thật nghĩa là thế nào không? Là ai cũng biết rõ nó cho dù có cố không sống chung với nó. Không ai quên được sự thật, Frank, họ chỉ ngày càng nói dối giỏi hơn thôi.

Sự thật mà April nói đến, sự thật mà đôi vợ chồng trẻ cùng chịu đựng, tất cả đều thật như sờ thấy được. Bối cảnh năm 1955, ở một vùng ngoại ô bang Connecticut-Mỹ. 

April (Kate Winslet) và Frank Wheeler (Leonardo DiCaprio) là hai người trẻ có ước mơ. Họ đến với nhau và lập gia đình tự nhiên như những đôi vợ chồng trẻ khác. April sinh cho Frank 2 cô con gái và ở nhà chăm lo gia đình. Frank - nhân viên marketing cho một công ty máy tính lớn, đi làm 10 tiếng/ngày, lo cho vợ con một ngôi nhà xinh xắn có vườn ở ngoại ô, trên con phố mang tên Cách mạng (Revolutionary Road).

Mọi chuyện sẽ êm ấm nếu như April và Frank giống như đôi vợ chồng bạn thân ở ngay cạnh nhà, hay như tất cả nhưng đôi vợ chồng trung lưu khác khi đã yên bề gia thất - hài lòng với những gì mình có. April và Frank lại âm thầm nuôi những hoài bão được vượt ra khỏi những tầm thường của cuộc sống chồng công chức sáng cắp ô đi tối cắp về, vợ nội chợ, chăm con. Frank về nhà sau một buổi “vui vẻ” với một cô thư ký đồng nghiệp, áy náy vì April tổ chức bữa tiệc nhỏ nhân dịp sinh nhật mình. Cô còn làm anh bất ngờ khi ngỏ ý muốn cả gia đình sang Paris, đi tìm một cuộc sống khác, nơi mà cô sẽ làm việc với mức lương cao và Frank sẽ có thời gian để nghĩ xem mình muốn gì.

Một trang mới dường như mở ra, cuộc đời bỗng màu hồng cho đến khi nhiều chuyện xảy đến cùng lúc, hướng April và Frank theo những phản ứng khác nhau. Và bi kịch là kết quả tất yếu khi hai người không còn cùng nhìn về một hướng.

Tôi xem đi xem lại RR nhiều lần. Mỗi lần thử nhìn theo cách của một người, của April, hay của Frank, hay của bạn bè đứng bên ngoài nhìn họ. Với mỗi góc độ ấy đều nhận được một mẫu số chung là sự đau đớn giằng xé, giữa lý trí và ước mơ, giữa thực tại và ảo ảnh. Cái sự không thỏa mãn với cuộc sống cơm áo gạo tiền, cái ảo tưởng mình có thể “là một ai đó” trong xã hội đẩy hai người trẻ rơi vào trạng thái “trống rỗng vô vọng” (Hopeless emptiness) mà họ phải vật lộn và làm tổn thương nhau để thoát ra. Nhưng thoát đi đâu? Paris? Paris được tô màu như một xứ sở có thật lạ kỳ, nơi mà Frank đã từng đặt chân một lần và cảm thấy đó mới là cuộc sống (cho dù là mặc quân phục diễu binh trên tuyết). Trong cuộc tìm kiếm (hay trốn chạy?) thực tế, tính cách điển hình của Frank và April dần rõ nét. Họ có những đam mê, yêu thương cuồng nhiệt, có cả những bí mật, những ích kỷ, những nhẫn tâm, tuyệt vọng - những mảng sáng-tối của tâm hồn trong mỗi con người bình thường.

Phải nói thật một trong những lý do khiến tôi lao đi xem RR là vì tò mò muốn biết 10 năm sau Titanic, Kate và Leonardo vẫn chỉ là Jack và Rose hay sẽ có gì mới.

Và tôi ngạc nhiên, chưa bao giờ thấy Kate Winslet hay đến như vậy, kể từ Little Children (2006), thâm chí còn vượt qua cả vai nữ chính được giải Oscar trong The Reader. Có lẽ những vai như cựu nhân viên SS Đức quốc xã Hanna Schmitz trong The Reader, về bản chất đã cá biệt, không quá khó để trở thành dấu ấn trong lòng khán giả. Những vai đời thường tưởng như dễ dàng mới thực sự là thách thức lớn với người nghệ sỹ. Nếu không đủ khả năng diễn đạt nội tâm sâu, diễn viên sẽ để nhân vật rơi vào nhạt nhòa - giống như một người ngồi cùng xe buýt, nói xong dăm ba câu chuyện thời tiết là bị lãng quên ngay. Kate Winslet còn được lợi thế là đóng cùng với Leonardo DiCaprio, (hai người là bạn), và làm việc cùng đạo diễn Sam Mendes (kiêm chồng). Vì vậy mà mọi góc quay, mọi chi tiết đều tôn thêm vẻ đẹp và khả năng diễn xuất của Kate. Lần đầu tiên Kate được nhận Quả cầu vàng Nữ diễn viên xuất sắc nhất trong RR.

Bên cạnh April quá điển hình và sắc nét, nhiều người cho rằng vai Frank bị lu mờ. Nhưng với Leo, không kể vai diễn hay nhất đời mà có lẽ không bao giờ lặp lại được – cậu bé Arnie Grape bị thiểu năng trong What’s eating Gilbert Grape (1993) – thì Frank có thể coi là thành công. Cá nhân tôi không thích Leo gồng mình lên như trong Blood Diamond hay Body of lies, cũng không thích Leo lãng mạn hời hợt như Jack trong Titanic. Với Frank, Leo trưởng thành, chán ngắt những chuyện ngồi lê ở cơ quan, ân hận khi phản bội, bực tức gào lên với vợ như những người đàn ông chịu gánh nặng gia đình, rồi lại lo lắng chạy theo dỗ dành, … Những thang bậc cảm xúc ấy đẩy lên thế nào cho đủ độ, diễn biến tâm lý biểu hiện ở đâu là cao trào, tất cả qua cử chỉ, cơ mặt… đều thể hiện sự tinh tế của diễn viên mà đạo diễn không thể nào giúp hết được. Leo đã phải nghiên cứu phim tài liệu những năm 50 về cuộc sống vùng ngoại ô như thế để nhập vai, và anh đã thực sự là Frank Wheeler sống trong ngôi nhà ngoại ô Connecticut ấy.

Nói đến diễn xuất trong RR, không thể bỏ qua vai John Givings, một nhà toán học cũng còn trẻ, sống trong viên tâm thần do Michael Shannon đóng, được đề cử Vai phụ xuất sắc nhất Oscar 2008. Xuất hiện không nhiều nhưng John để lại ấn tượng mạnh – hiện thân của những người không thể - hay không chịu – thỏa hiệp với những quy tắc ứng xử xã hội thông thường. Anh sống trong thế giới riêng, nghĩ cách nghĩ riêng, hành xử không giống ai, nhưng lại tình cờ là người duy nhất hiểu và chia sẻ được với ước mơ thoát ra khỏi cuộc sống tầm thường của Frank và April. Anh thất vọng vì ước mơ đó bị hai người từ bỏ, và tôi đã dựng tóc gáy khi anh nói trong một trường đoạn cao trào - Tôi mừng vì mình không phải là đứa bé đó. – đứa bé April đang mang thai.

Những điểm nhấn diễn xuất của RR còn được tôn lên nhờ hình ảnh trau chuốt và hiệu quả ánh sáng đặc biệt.

Những phân cảnh (quay tại nhà ga Trung tâm Grand Central Terminal ở New York) với những gương mặt giống nhau, những bộ đồ công sở giống nhau khoác lên những tâm hồn giống nhau, đi cùng một chiều giống nhau, gợi lại những gì bạn thấy quanh mình trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Song hành với nó là dáng vóc nhỏ bé đứng ngơ ngác bên cạnh thùng rác của April bên con đường mang tên Cách mạng dài hun hút và không người, lẻ loi, bị cô lập trong thiên đường của chính mình. Hình ảnh đôi khi nói nhiều hơn thoại.

Thứ ánh sáng trong phim được dàn dựng kỹ lưỡng: từng chi tiết nhỏ: bãi cỏ xanh mướt lấp lánh sau làn nước phun, hậu cảnh là gia đình Wheeler bên nhau; hay trong ngôi nhà mà mọi góc đều sạch bong tinh tươm dưới thứ ánh sáng trong veo, mơ hồ. Người ta bảo Mendes đã quá tay biến bối cảnh thành ra sân khấu, cái gì cũng phóng đại lên một chút… Tôi cho đó là chủ ý của ông muốn khu ngoại ô ấy, bãi cỏ ấy, ngôi nhà ấy, đôi vợ chồng trẻ đang tự lừa dối bản thân sống trong đó… phải trông đẹp đến mức không thật. Như cảnh đầu và cảnh kết trong các phim của David Lynch. Như là mơ. Giấc mơ Mỹ. Những người Mỹ trong giấc mơ ấy cũng đang  mơ.

Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Richard Yates (1961), kịch bản chuyển thể của Justin Haythe, Sam Mendes đã thành công khi điển hình hóa câu chuyện của April và Frank không phải của những người trẻ năm 50 thế kỷ trước, không phải ở một vùng ngoại ô Mỹ, mà của ngày hôm nay, trong xã hội công nghiệp hiện đại, trong từng gia đình công chức trung lưu khắp mọi nơi trên thế giới này. Bộ phim hơi dài nhưng giữ tiếu tấu tốt và tiết chế cảm xúc hợp lý nên không làm nản người xem. Đoạn kết không cần thiết phải kéo thêm, mà sau tấn bi kịch chỉ cần một cảnh kết chậm, để người xem vừa vỡ òa kịp lấy lại thăng bằng, cũng đủ để day dứt mãi.

Riêng tôi vẫn không thôi băn khoăn đâu mới là ảo vọng, là unrealistic? Cuộc sống bị cho là nhàm chán, đơn điệu ấy, hay chính niềm hy vọng thoát ra khỏi nó của Frank và April mới là không thực? Và sự thực, ở đâu tôi sẽ tìm thấy hạnh phúc khi mà người Mỹ muốn chạy sang Paris, còn người ở đâu đó khác lại mơ về Mỹ? Cảm giác như RR hỏi tôi – người xem - về ý nghĩa cuộc sống, về hoài bão ước mơ, về những đương đầu và thỏa hiệp, về hạnh phúc và bất hạnh – những câu hỏi một đời người cũng khó trả lời.

Tôi đành tìm cho mình câu trả lời ngay trong lời thoại của Frank – Chúng ta có thể hạnh phúc ở ngay đây, không cần phải đi đâu khác.

Trang Nghiêm 

Lấy lại cả những thứ từng bị cắt thê thảm khi ló mặt lên SVVN. Tuy nhiên đúng là vẫn thiếu thiếu cái gì đó (Authority chăng? :D) và không thích bằng Departures review viết mãi sau này. 

2 comments:

  1. Bạn kể hay quá, phải đi tìm xem mới được :))

    ReplyDelete
  2. :D Dạ cảm ơn chị. Nếu mà chị thích phim hiện thực (không phải xã hội chủ nghĩa :)) ) thì em sẽ viết list cho hihi :D

    ReplyDelete