Monday, May 4, 2009

Giản yếu về Phân tích phim - P.4

Note: click vào các tên phim để xem phim, xem đoạn trích hoặc thông tin thêm 


Làn sóng avant-garde thứ nhất của Pháp: chủ nghĩa ấn tượng


Khi phản ứng lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ, một số các nhà làm phim Pháp, trong những năm 20, muốn quảng bá một nền điện ảnh quốc gia sẽ dỡ bỏ những gò bó của nền điện ảnh đang thao túng kia, mà theo họ, vẫn được coi là lệ thuộc vào sân khấu và tiểu thuyết. Nói cách khác, cần phải giải phóng nền điện ảnh vẫn bắt kể lể những câu chuyện, để làm một môn nghệ thuật chỉ với sự phong phú về hình thức của riêng nó. Đó là thứ “điện ảnh thuần khiết”, hay hơn nữa là “âm nhạc của đôi mắt”, nhưng Germaine Dulac[1] đã viết.

Thực ra, luật thương mại và nền công nghiệp không cho phép qua mặt quá lâu nền điện ảnh kể chuyện. Những nhà làm phim (Louis Delluc, Germaine Dulac, Jean Epstein, Marcel L’Herbier, Abel Gance) hiểu ra ngay điều này. Nhưng họ không vì thế mà từ bỏ những tìm tòi về hình thức và thêm vào, vụng trộm, những chủ đề và những biến tấu về hình ảnh trong phim mà vẫn tôn trọng các nguyên tắc về hình thức : xem L’Argent (Tiền - L’Herbier, 1929), La roue (Bánh xe - Gance, 1921-24), La chute de la Maison Usher[2] (Epstein, 1927), và nhiều phim khác nữa. Tất cả các nguồn phim được lôi ra và khai thác nhằm sáng tạo nên những “bản giao hưởng của hình ảnh và nhịp điệu”, dựng nhanh, chậm, in chồng đơn hoặc đa hình, chuyển sang âm bản, nhòe hình, thử nghiệm với những mô-típ hình ảnh, với màu đen và trắng. Cốt truyện nhiều khi phải hy sinh cho những đoạn show off : vụ trật bánh của đoàn tàu trong phim La roue, tạo điều kiện cho những biến tấu đỉnh cao trên mô-típ vòng quay chuyển động, đêm chờ đợi kinh hoàng trong La chute de la Maison Usher, trong đó phần dựng phim đã tạo ra một không gian hư ảo quái dị, nơi giao thoa những chuyển động bên trong của các nhân vật cùng sức mạnh tự nhiên và siêu nhiên dẫn tới sự “tái sinh” của người vợ đã chết.

Những tìm tòi này thực ra không hẳn là nghệ thuật vị nghệ thuật. Chúng nhắm tới một tham vọng lớn hơn nhiều: biểu đạt, bằng điện ảnh, môn nghệ thuật của thời gian và chuyển động, của tính “khó lường”, vén lên những gì không thấy được bằng mắt trần, sáng tạo một “thế giới thần tiên có thật” (Epstein).

 

Làn sóng avant-garde thứ hai : chủ nghĩa đa đa và chủ nghĩa siêu thực


Làn sóng này bắt nguồn từ những nghiên cứu tạo hình của các họa sỹ ngay từ đầu những năm 20, đặc biệt là ở Đức : những tác phẩm thị giác tập trung vào các hình thái trừu tượng trong chuyển động (Symphonie diagonale[3], Eggeling[4], 1923) và những nhịp điệu thuần khiết (series Rhythm, Ritchter[5], 1921 - 26). Nhưng những người Pháp hãy còn, về phía họ, rất tượng hình, và nếu họ cũng quan tâm tới chuyển động (nguồn gốc của cắt dựng phim, chồng hình và những kỹ xảo đánh lừa thị giác) thì chỉ là với những chủ đề cụ thể: các vật dụng, máy móc, cơ thể người : Le Ballet mécanique[6] (Léger, 1924). Những vị theo đa đa thì thêm vào tất cả những cái đó một nét cười nhạo, vô chính phủ, và khiêu khích :  Entr’acte[7] (Clair và Picabia, 1924) có những hình ảnh gây sốc (một cô diễn viên múa có râu, một chiếc xe tang lạc đà kéo) và cách cắt dựng nhanh gần như trừu tượng hóa thị giác. Những vị theo chủ nghĩa siêu thực tiến xa hơn nữa với những liên kết hình ảnh, những ảo ảnh dục tính và những xung năng cách mạng, nhưng họ vẫn không thực sự điển hình bằng Buñuel và Dalí, (Un chien andalou, 1928 ; L’âge d’or, 1930). Hai phim này ít nhiều đã vứt đi cái cốt truyện chẳng theo một logic kể chuyện cổ điển nào, đẩy đến những rạn vỡ, mộng thức, những hình ảnh nội tâm, sự lẫn lộn giữa chủ thể và khách thể, và những cái nhìn thách thức (con mắt người phụ nữ bị cắt bằng dao cạo râu trong Un chien andalou).

To be continued... (P.5: Chủ nghĩa biểu hiện Đức)



[1] Germaine Dulac (1882-1942): nữ đạo diễn người Pháp này còn là một trong những film theorist đầu tiên. Phim nổi tiếng nhất của bà là Seashell and the clergyman (1928) – được coi là phim siêu thực đầu tiên ngay trước Un chien Andalou (1928) của Luis Buñuel và Salvador Dalí

[2] La chute de la Maison Usher (tạm dịch Ngôi nhà Usher điêu tàn): phim kinh dị do Epstein và Luis Buñuel viết kịch bản, dựa trên truyện ngắn cùng tên của Edgar A. Poe. Cùng năm 2 nhà làm phim Mỹ cũng chuyển thể truyện này thành phim The fall of the house of Usher.

[3] Symphonie diagonale (Bản giao hưởng chéo): phim tĩnh (film still), thực ra đến năm 1924 mới hoàn thành và được công chiếu ngay trước khi tác giả mất. Video trong link là phiên bản được Gösta Werner khôi phục lại năm 1994; phần âm nhạc đỉnh cao này do Olga Neuwirth sáng tác cho phim năm 2006. 

[4] Viking Eggeling (1880 – 1925): nghệ sỹ, nhà làm phim người Thụy Điển. Phim thử nghiệm của ông được gọi là absolute film và visual music.

[5] Hans Richter (1888-1976): họa sỹ, nhà làm phim người Mỹ gốc Đức, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lập thể và đa đa, là thành viên của nhóm Dutch de Stijl. Tác phẩm tiêu biểu có Rhythm 21 (1921 - có nhiều phiên bản khác nhau do nhiều người thêm nhạc theo cách của mình vào). Ngoài ra còn có Dreams that money can buy (1944-46) làm cùng nhiều nghệ sỹ khác, nói về thế giới kỳ dị của những bệnh nhân tâm thần.

[6] Le Ballet mécanique (Điệu ba lê cơ khí): phim (16 phút) do Ferdinand Léger làm cùng Dudley Murphy, âm nhạc (khoảng 30 phút) do George Antheil - nhạc sỹ Mỹ - sáng tác. Phần âm nhạc là một dự án đứng độc lập của Antheil, tác phẩm từng được trình diễn ở Paris năm 1926. Tác phẩm này (cả âm nhạc lẫn phim) về sau còn tiếp tục được khai thác và làm mới nhiều lần trong âm nhạc và điện ảnh đương đại.

[7] Entr’acte nghĩa là lúc nghỉ giữa hai hồi ballet. Nhờ dự án này mà chủ nghĩa tức thời instantanéisme ra đời. Phiên bản đầy đủ dài khoảng 20 phút, được tách ra chiếu làm 2 phần, 90 giây trước khi vén màn và phần còn lại vào lúc nghỉ giữa hai hồi của vở Ballet Relâche (Nghỉ - được trình diễn tại nhà hát Champs-Élysées ở Paris năm 1924). Năm 1974 phim được chiếu tại Liên hoan phim Cannes.

No comments:

Post a Comment