Saturday, May 8, 2010

Hận

Thấy nhà cửa hoe hoắt buồn tênh, đành đem đồ cổ ra bày.

HẬN

La Haine – Mathieu Kassovitz – 1995

Hubert: Này Vinz, mày có biết chuyện một thằng rơi từ trên tòa nhà 50 tầng xuống không? Cứ xuống thêm một tầng, để chấn an nó lại lẩm bẩm: cho đến giờ vẫn ổn, cho đến giờ vẫn ổn, cho đến giờ vẫn ổn…

Vinz: Hah, tao biết chuyện ấy nhưng là phiên bản về một ông pháp sư Do Thái.

Hubert: Thấy không, giống như bọn mình từ đây này… Nhưng vấn đề không phải là việc rơi xuống. Mà là việc tiếp đất cơ.

Những mẩu vụn vặt như thế ở các nước phương tây được gọi là urban legend - những “huyền thoại” nửa hư nửa thực, mà ai cũng bán tín bán nghi và tiếp tục truyền tai nhau với một lời khẳng định: bạn của bạn của bạn tớ chứng kiến hẳn hoi nhé.

La Haine không phải là một urban legend, mà là một fiction-documentary (nửa hư cấu nửa tài liệu). Mathieu Kassovitz kể câu chuyện về hành trình rơi xuống, không phải là của ai cả, mà của một xã hội hiện đại với những bế tắc mà ở đây cụ thể là nạn phân biệt chủng tộc và cuộc sống của những người nhập cư bên lề xã hội.

La Haine dạo đầu bằng những cảnh bạo động – cơn giận, và hận thù của những người nhập cư ở ngoại ô (banlieue) thành phố Paris nhằm vào cảnh sát – lũ cớm – đã làm trọng thương Abdel - một thiếu niên A-rập. Phim thực sự bắt đầu khi đồng hồ điểm 10:38. Vinz – Do Thái, Saïd – A-rập, Hubert – boxer da màu lần lượt xuất hiện. Bộ ba vẫn còn ở độ tuổi đến trường ấy bắt đầu một ngày như bao ngày: lang thang trong khu ngoại ô nhếch nhác xập xệ, gặp những kẻ cũng tụ bạ như mình, hút sách, ăn uống, nhảy breakdance, nói chuyện nhăng cuội, hay không làm gì cả. Cái ngày ấy nếu có khác cũng vì nó tiếp ngay sau đêm bạo động. Vinz có được một khẩu súng của cảnh sát và thề sẽ trả thù nếu Abdel không qua khỏi… Và đồng hồ điểm lần cuối là 06:01 sáng sớm ngày hôm sau.

Và hết ba mươi giây cuối là khoảng lặng.

Lặng điếng người.

Trống rỗng và căm hận.

Có thể nói, cả bộ phim là một sự trống rỗng và căm hận. Mối hận xoay vòng giữa cớm và dân nhập cư đã nổ bung ngay từ phần intro. La Haine dành hơn 5 phút bắt đầu bằng tư liệu về những gì diễn ra năm 1993 – một cuộc bạo động có thật với cùng nguyên nhân trực tiếp: cậu bé người Zair (Cộng hòa dân chủ Congo) 16 tuổi Makobé M’Bowole bị cảnh sát bắn chết. Những hình ảnh tư liệu và bản tin thời sự đưa ra bối cảnh câu chuyện – nguyên nhân chính dẫn đến bi kịch cuối cùng.

Trong suốt 96 phút, không kể khoảng 7 phút giới thiệu nhân vật, diễn biến chính kéo dài tới hơn 80 phút. Trong bối cảnh thời gian gần 24 tiếng, cuộc sống của những người trẻ trong chốn ngoại ô tù túng được tái hiện, và ta hiểu vì sao có một sự trống rỗng “đậm đặc” và thù địch bao trùm. Đó là nơi những tòa nhà cho người thu nhập thấp xây ẩu và đời thực từng xảy ra cả một gia đình chết vì thang máy rơi. Đó là nơi những thanh niên da màu buôn bán ma túy để trả tiền điện nước giúp mẹ, vì chỗ lao động kiếm tiền chân chính đã tan hoang cả rồi. Đó là nơi bọn trẻ ngồi cả ngày không làm gì vì không có gì để làm và không biết làm gì với đời mình, chỉ thấy mình như con kiến trong vũ trụ, cái vũ trụ đầy những poster quảng cáo nói dối rằng Thế giới này là của bạn (Le Monde est à Vous). Đó là nơi người ta không biết trút giận đi đâu nên đốt phá xe hàng xóm, và lúc nào cũng trong tâm thế muốn bắn một ai đấy, cớm thì tốt, mà không thì bất cứ ai.

Bên cạnh cấu trúc dàn trải tịnh tiến theo thời gian với các trường đoạn phân định bằng giờ, tiết tấu cũng chính là một trong những yếu tố làm nên thành công của La Haine. Trước những đoạn xung đột bao giờ nhịp độ cũng chậm, và thường là tĩnh, ví dụ như cảnh bộ ba ngồi với một cậu bé, không ai mở miệng, chỉ có cậu bé thao thao một mình. Sự đối lập đó với tình cảnh của bộ ba và dòng chữ phía sau lưng: Tương lai là của chúng mình (L’avenir est à nous) dẫn đến đối lập thảm hại giữa cảnh này và cảnh xuất hiện khẩu súng của Vinz ngay sau đó như một điềm báo. Từ đây, cao trào được đẩy dần, những diễn biến gay cấn cùng với tiết tấu nhanh hơn về phía cuối càng tạo ấn tượng hụt hẫng cho đoạn kết.

Về mặt diễn xuất, bộ ba Vincent Cassel, Hubert Koundé, và Saïd Taghmaoui là những lựa chọn không thể thay thế. Cả ba đều giữ tên thật vì trong quá trình tiền khởi quay, họ đã sống gần như trong phim để nhập tâm vào nhân vật. Giữ nguyên tên giúp bộ ba đóng được thật nhất có thể. Một da Trắng “blanc” Do Thái Vinz – không bị phân biệt chủng tộc bởi màu da nhưng cũng nóng nảy căm tức những thằng cớm đánh đập phân biệt đối xử với bạn bè mình. Đây là vai mà chính đạo diễn Kassovitz (anh nổi tiếng là diễn viên trước khi thành đạo diễn, đặc biệt với vai Nino trong Le Fabuleux Destin d’Amélie Poulain) cũng rất thích nhưng đã dành cho Vincent – người duy nhất anh tin giao cho vai này. Một Mọi đen “black” Hubert – người duy nhất trầm hơn, biết kiềm chế và hiểu bạn. Ngoài đời Hubert có bằng đại học môn Triết, nói tiếng Pháp như một giảng viên văn học và không biết hút thuốc, nhưng trong phim anh là một người khác, là Hubert boxer, bán ma túy, hút joint và trái tính với Vinz. Một A-rập “beur” (từ người Pháp gọi dân nhập cư Bắc Phi) Saïd – cậu bé liến thoắng, thân thiện và dễ bảo, hoàn toàn hợp với vai trung hòa giữa Vinz và Hubert. Ba người làm việc ăn ý đã cùng với đạo diễn xây dựng lời thoại trong nhiều tháng để dựng nên đúng hình ảnh Beur - Blanc - Black, một ẩn dụ đối lập với ba màu cờ Xanh – Trắng – Đỏ của Pháp tượng trưng cho Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Trong quá trình quay, có những cảnh liền mấy phút không biên tập rất khó để không vấp thoại. Chính những lúc ấy các diễn viên lại ứng tác ngay tại chỗ những câu bông đùa thực sự tái hiện được thứ ngôn ngữ sống động đặc trưng của thanh niên ngoại ô Paris.

Về mặt hình ảnh, La Haine đặc biệt nhờ hậu kỳ chuyển toàn bộ phim quay màu sang đen trắng. Với nhiều người, nhất là người xem truyền hình, đây là một nhược điểm, vì không ai đủ kiên nhẫn để xem một tiếng rưỡi một phim chỉ cho cảm giác đang ở nửa đầu thế kỷ 20. Nhưng với những người mê điện ảnh, cái mẹo của dân làm phim ít tiền này lại càng nâng giá trị của bộ phim lên nhiều lần: không còn những phiền muộn bỏ rơi nội dung vì bị hút mắt vào một cô áo đỏ nào đi nhầm vào hình (trường đoạn ở trong Paris), không phát hiện ra những lỗi ánh sáng do thiếu thiết bị kỹ thuật (cảnh bộ ba ngồi không cùng cậu bé nói nhiều), và đặc biệt là giá trị vượt thời gian của sự kiện được nhấn mạnh: hơn mười năm sau, những câu chuyện được kể trong La Haine vẫn tiếp diễn trong cuộc sống thường nhật những vùng banlieue của Paris như thế và cũng thế ở nhiều nơi khác trên thế giới. Có rất nhiều cảnh quay ấn tượng mặc dù chi phí làm phim không nhiều. Đạo diễn Kassovitz rất muốn có một hình ảnh toàn cảnh khu ngoại ô từ trên cao, nhưng chỉ có thể dùng máy bay điều khiển từ xa cho flying-cam và chỉ có thể vượt nóc các khu nhà 10 tầng một chút. Cũng với lý do tài chính, những cú traveling đều bị giảm thiểu, hay gần như không có. Thay vào đó, các loại lens: long lens, short lens được dùng triệt để, khai thác đết hết mức những tính năng máy quay: bộ ba phía trước và hậu cảnh là Paris náo nhiệt đối lập với banlieue vừa bước ra, hoặc cảnh Vinz lần đầu chứng kiến bắn nhau ngay trước quán bar chỉ vì một cơn giận. Góc máy thường cố định, khuôn hình luôn tạo cảm giác bị động. Gương đặc biệt được sử dụng nhiều lần cho phép nhà làm phim chơi với khuôn hình, ép chặt không gian lại gây cảm giác gò bó. Camera là chính chúng ta, đứng một chỗ nhìn mọi chuyện diễn ra mà không làm được gì: cảm giác vô vọng, dồn nén tăng lên từ đó.

Bối cảnh gần như để mộc: nhóm làm phim may mắn tìm được những địa điểm quay gần như không phải động chạm gì. Cửa kính vỡ không cần đập cho vỡ, những khu nhà bỏ hoang tan tành cũng sẵn tan tành… Dường như bộ phim đã sát với thực tế nhất có thể, và đậm chất tài liệu thời sự cho dù Kassovitz vẫn luôn thiết tha làm một La Haine nuột nà và coi nó hoàn toàn là hư cấu (fiction).

Cũng với mục đích làm phim truyện nhưng phản ảnh đúng nhất thực tại, âm nhạc trong phim lại một lần nữa không giống với bất cứ phim nào: Không có một bài hát hay đoạn nhạc nào được đặt viết riêng cho phim cả, và phim hầu như không dùng nhạc. Kassovitz luôn cho rằng một phim hay và nội dung đủ mạnh thì không bao giờ cần đến âm nhạc để hỗ trợ cảm xúc người xem. Với La Haine, anh đã chứng minh được điều đó. Nhạc chỉ được nghe thấy (không bao giờ đến nửa bài) thực sự qua radio (cảnh ở nhà Hubert) hoặc qua cassette lúc bộ ba tới chỗ tập break dance của các bạn, đúng như cách chúng ta nghe nhạc đây một chút, kia một chút trong cuộc sống thường ngày. Một bài duy nhất được “đầu tư” là do đạo diễn chơi thân với bạn nhạc Assasin, mời DJ Cut Killer nổi tiếng (cũng là bạn Kassovitz và đóng vai chính mình) mix một bài của Assasin với bài hát Non, je ne regrette rien của Edith Piaf để giữ được chất thật là Pháp. Về biên tập âm thanh, cùng với việc chuyển từ màu sang đen trắng, phim cũng chuyển toàn bộ âm thanh stereo sang mono cho… đồng bộ.

Ngoài những yếu tố kỹ thuật phong cách “hiện thực” đó, La Haine còn có nhiều chi tiết mang tính biểu tượng thú vị, bên cạnh những gợi nhắc các phim kinh điển đỉnh cao của Martin Scorsese mà Kassovitz vẫn ngưỡng mộ. Câu chuyện rất black comedy bộ ba được nghe kể khi vào Paris là một ví dụ. Ông cụ nhỏ thó ở toilet công cộng bắt đầu bằng một câu: Không gì sướng bằng đại tiện tử tế! và kết chuyện bằng một người chết cóng chỉ vì muốn được hưởng cái quyền cơ bản nhất của con người, một cách tử tế, là đại tiện.

Một ví dụ khác là hình ảnh con bò đi trong phố – rất siêu thực – mục đích tác giả là ám chỉ thành ngữ “Mort aux vaches” nghĩa là “Cớm chết đi”, nhưng cũng khiến ta nghĩ tới ảo giác của Vinz khi bị ám ảnh bởi ý tưởng trả thù, hoặc một cách thoát ra khỏi thực tại. Sau này Still live (2006) của Jia Zhangke, cũng là một phim fiction-documentary, cũng có một hình ảnh siêu thực người đi trên trời trong bối cảnh rất thực với bức tường đổ đè chết người.

Quay lại với La Haine, chi tiết mà ai đã xem Taxi Driver (1976) đều nhận ra ngay là cảnh Vinz giơ ngón tay trước gương và nhắc đi nhắc lại y như Travis đã làm “Huh! Huh! You talkin’ to me? You talkin’ to me?” đồng thời cũng hiểu ra ý so sánh sự trống rỗng và không mục đích của Vinz và Travis. Kassovitz còn nhắc đến Mean streets (1973) qua cách giới thiệu ba nhân vật chính rất đồ họa – tên của bộ ba lần lượt xuất hiện tự nhiên không gượng ép: Saïd ký tên kiểu graffitti trên thùng xe cảnh sát, Vinz đeo chữ tên mình ở ngón tay và tên Hubert được phóng trên poster quảng cáo phòng tập boxing của cậu. Scorsese từng đặt tiêu đề các chương sách theo tên các nhân vật của mình trong Mean streets - phim Kassovitz thích nhất.

Vẫn còn có quá nhiều điều để nói về La Haine. Sau gần mười lăm năm, có hơn 400 cuốn sách trích dẫn bộ phim trong những nghiên cứu về điện ảnh, nghệ thuật và đặc biệt là các vấn đề chính trị xã hội. Hiphop America (Nelson George) nhắc đến La Haine như một đại diện cho văn hóa Hiphop Pháp những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ 20; Affaires de Famille: The family in contemporary French culture and Theory (Gia đình trong văn hóa Pháp đương đại và lý thuyết - Marie-Claire Barnet, Edward Welch); Badlands of the republic (Miền đất xấu của nền cộng hòa - Mustafa Dikeç) nói về mối quan hệ giữa không gian và chính trị và chính sách đô thị hóa của Pháp lấy La Haine làm minh họa cho sự chống đối và nổi dậy của tuổi trẻ. Cuốn sách đầy đủ nhất viết riêng về bộ phim là La Haine (Mathieu Kassovitz, 1995) của Ginette Vincendeau. Cuốn sách giới thiệu rất chi tiết về dự án của đạo diễn, về đoàn làm phim, những khó khăn họ gặp phải khi làm một phim độc lập kinh phí thấp, và bị từ chối tài trợ thế nào khi không chịu sửa kịch bản cho thêm tính thị trường. Quyển sách viết về cơn gió chủ nghĩa hiện thực mới mà La Haine là đại diện, và phân tích câu chuyện, phong cách cũng như tư tưởng của bộ phim. Như vậy có thể hình dung mức độ lan tỏa của La Haine tác động tới mức nào, giúp cho Kassovitz nhận được giải Cành cọ vàng cho Đạo diễn xuất sắc nhất và giải César cho Phim hay nhất cùng với rất nhiều giải khác, điều mà chính anh cũng không ngờ đến.

Khi ấy, Kassovitz mới 28 tuổi.

Sau này khi đã đạt nhiều thành công ở Hollywood, Kassovitz vẫn tự hào khi gặp những người trẻ trong ngành cảnh sát và được chia sẻ rằng họ thi vào ngành vì La Haine. Những anh cớm trẻ ấy muốn chứng minh trên đời có nhiều cớm tốt hơn cớm xấu, cũng như muốn cố gắng thay đổi sự thực đau lòng mà La Haine hơn một thập kỷ trước đã lên tiếng, và tiếc là đến nay vẫn còn tính thời sự.

Nghiêm Quỳnh Trang

References:

- La Haine (Mathieu Kassovitz, 1995), Ginette Vincendeau, University of Illinois Press, 2005

- Hiphop America, Nelson George, Penguin Books, 1999

- www.mathieukassovitz.com - interview du Fazine Steadicam, 1998

- La Haine (DVD) - Edition Collector 10 ans - Commentaire audio de Mathieu Kassovitz en 1999

- La Haine (Criterion Collection) - New English audio Commentary by Mathieu Kassovitz, 2005

1 comment:

  1. Rất thích film này cũng như bài viết này.
    Xin cảm ơn.

    ReplyDelete