Ở trường em giai, thày cô dạy văn bắt chúng nó viết thu hoạch về tác phẩm Lão Hạc. Ngày xưa từng khóc sưng mắt lên hồi đọc Một bữa no và vân vân, vân vân. Bây giờ chúng nó thiết tha gì con Vàng với cái lão có ông con giai đi đồn điền cao su, lão ấy ăn bả chó chết rồi thì thôi mắc mớ gì mà bắt viết cảm nghĩ cảm thụ cảm nhận cảm tưởng cảm cúm văn học với chẳng bút pháp này nọ. Bỗng một ngày phát hiện ra bài được giao đã một tháng mà cu cậu ỳ thì lì đình công nhất định không làm, đến nỗi cô phải báo về gia đình. Gạn hỏi mới bảo là không thích nên không viết được. Mình bèn xui thế hay là viết vì sao không thích đi. Nhưng mà cu cậu dám chê thế nào. Ở trường chỉ dậy mỗi khen. Haiz.
Vừa mới lừa cho cu cậu đọc The Great Gasby với lại Đo thế giới. Biết đâu cho viết thu hoạch về 2 (trong số vô cùng ít) tác phẩm cu cậu tự thích thú đọc đến hết lại ra được mấy cái bài bình loạn hay gần được như của các nhà phê bình văn học (từ hồi cấp 2 :)
Thế dưng mà cái ý viết thu hoạch ấy không phải là tồi. Hiểu rộng ra thì có khác gì blogging sau khi đọc những gì tung tăng đi mua từ tuần trước đâu, lại được khen chê thỏa thích. Thế thì thu hoạch.
Trước hết là Kitchen của Banana Yoshimoto: chẳng đọng lại gì ngoài chết chóc ám ảnh và cách họ cùng nhau vượt qua nỗi đau mất người thân. Một nội dung rất dễ chuyển thể kịch bản, dễ lấy nước mắt (khán giả) chứ lúc đọc không thấy rung động bao nhiêu. Kitchen được làm thành phim 2 lần, 1 phim truyền hình và một phim điện ảnh.
Quyển này mà dấy lên hiện tượng Bananamania thì cũng hơi lạ, nhưng hết lạ khi mà đọc quyển viết sau khá lâu là N.P. Chưa đọc các quyển khác của Banana Yoshimoto nhiều nên không biết có phải vậy không, nhưng cảm tưởng như tác giả phải mất đi người thân/yêu, thậm chí là nhiều người thân/yêu nên mới đau đớn đến độ viết về mất mát tinh tế như thế. N.P cũng về cái chết, cũng là những người trẻ học cách vượt lên (My heart will go on, and on, and on….) thay vì cũng commit suicide theo cho rảnh, nhưng N.P vượt bậc về văn phong và cách xử lý, dẫn dắt câu chuyện. N.P ấn tượng hơn, không phải chỉ vì tác giả muốn thử sức viết về tình yêu đồng huyết, đồng tính, hay thần giao cách cảm. N.P với những chi tiết đặc tả tâm trạng, hay cảm xúc thực sự có chiều sâu, phản chiếu qua những chiều không gian hay thời gian, khung cảnh môi trường xung quanh, gần như cái cách Murakami làm người đọc day dứt (và tâm đắc) khi soi vào thế giới nội tâm các nhân vật. Ví dụ như Kazami nghĩ “Bị vây quanh bởi những tòa nhà cao vút, tôi như biến thành một con cá và nhìn thấy thế giới đang khép kín lại xung quanh mình”. Một sự bế tắc đến mức cuộc sống như là trong một cái bể cá. Cái cảm giác bể cá ấy xuyên suốt cả truyện cùng với những ám ảnh, những ảo giác về cái chết cứ giằng co trong tâm can.
Chuyện tình yêu đồng huyết cũng không hiếm mấy. Vu khống có cách viết đậm đặc và dồn nén, trong điện ảnh thì có Dreamers rồ dại bất cần. NP lại có cái kiểu âm ỉ, tê dại. So với Kitchen thì N.P là một cuộc đại nhảy vọt. :D Với lại thế nào mà quyển này dịch trước Kitchen 2 năm lại tốt hơn rất rất nhiều về mặt dịch thuật?!
Nhật ký mang thai của Yoko Ogawa thì vẫn rất chi là …Yoko Ogawa. Chẳng phải ai cũng dám mò vào những góc khuất tăm tối ám ảnh hoài nghi đôi khi ác độc bản năng mà viết thản nhiên hấp dẫn được như thế. Nhân chi sơ tính bản thiện đúng hay không đúng?
…..
Đọc những bạn mỏng mỏng ấy thật sướng vì trọn vẹn, và rất đàn bà. Chứ lay lắt cùng lúc 3 bạn Linh Sơn, Sống để kể lại với Biển và chim bói cá thật là không biết đến bao giờ.
Tuy nhiên thì bác Tấn viết rất duyên đã làm mình cười rinh rích cả đêm, chỗ nào hiểm cũng đều dây dưa xxx mới kỳ. Nào là thuyền trưởng Lê Mây say say leo cây thấy giám đốc và cô Hoa “Như Tây. Ngồi!”, nào là Quán Mèo với vợ mà phải lẩm nhẩm trong óc “Không phải vợ ta, không phải vợ ta” đến ba mươi mốt lần, chưa kể đoạn Mơ bảo với Cương “Tự ái à? Không sinh hoạt à?”
Những cái chuyện ấy gây cười rũ ra nhưng mà thực chất là buồn rũ ra. Con người đáng thương đến thế kia sao?