Monday, April 27, 2009

Giản yếu về Phân tích phim - P.2


1.3. Kể chuyện bằng phim “cổ điển”
Chắc chắn là nó mang dấu ấn của những hình thái tiểu thuyết lớn của thế kỷ 19. Griffith còn viện dẫn rõ ràng Dickens để chứng minh vài vụ liều lĩnh trong tự sự của mình. Đây chính là nền điện ảnh, mà đầu tiên chịu ảnh hưởng mạnh của sân khấu (những buổi biểu diễn văn nghệ dân gian, rồi sân khấu cổ điển: xem Vụ ám sát công tước Guise[1] năm 1908), của cách phân cảnh bằng bảng chữ và của góc nhìn người kể đối với câu chuyện kể (những cảnh quay đồng thời chi phối khâu sản xuất cho đến tận những năm 20), đã từng có những hình thái tự sự phụ thuộc vào tiểu thuyết. Ta có thể thấy ở đó một dấu hiệu hiển nhiên trong tính linh hoạt, tính mềm dẻo ngày càng lớn trong góc nhìn : camera không cam chịu với việc đứng ngoài ghi hình, từ vị trí quan sát của khán giả xem sân khấu nữa, máy quay có thể đứng vào chỗ của diễn viên này hay diễn viên kia và có thể xen kẽ những góc nhìn của các nhân vật với góc nhìn của “Người kể chuyện vĩ đại”[2]. Tuy nhiên, khán giả điện ảnh không phải là người đọc tiểu thuyết : những vạch mốc thị giác vì vậy cần phải được không gian hay thời gian trong phim truyện thể hiện cho rõ ràng, thuần nhất, và được xâu chuỗi logic. 
Những kỹ thuật điện ảnh dùng trong kể chuyện cổ điển như vậy, trong tổng thể, sẽ phụ thuộc vào sự sáng sủa, tính thuần nhất, tuyến tính, tính chặt chẽ của câu chuyện, cũng như dĩ nhiên là vào cả kịch tính nữa. Những yếu tố chi phối lớn nhất chính là “phân đoạn - scène” (độ dài phân đoạn phim = độ dài sự kiện diễn ra[3]) và “đoạn – Séquence” (gồm những cảnh thể hiện một đơn vị tự sự tương đối) được phân cách – hay đúng hơn là được nối kết – với nhau bằng những ranh giới rõ ràng (xuống đen[4], chồng mờ[5], thường được đưa vào câu chuyện, giống như Christian Metz đã làm, để “thông báo” diễn tiến thời gian, sự thay đổi địa điểm, sự thay đổi trạng thái thể xác hoặc nội tâm). Xâu chuỗi của các phân đoạn và đoạn triển khai theo một động thái nhân-quả rõ ràng và tuần tự. Câu chuyện thường tập trung vào một nhân vật chính, hoặc một cặp nhân vật (star system[6] đã góp sức củng cố quy tắc xây dựng kịch bản kiểu này), vào “tính cách” được đẩy bật lên, đối đầu với những tình huống nan giải. Quá trình này mang lại cho khán giả câu trả lời cho những câu hỏi (đôi khi tối nghĩa) mà bộ phim đặt ra.
Sự hình thành nhanh chóng từng bước một của những thể loại phim lớn đã góp công trong việc thuần nhất hóa phim truyện. Mỗi thể loại bao gồm những đặc trưng riêng về nội dung (kiểu nhân vật, kiểu tình tiết, dựng cảnh, bối cảnh) và những hình thái biểu hiện (ánh sáng, các cảnh nhấn, màu sắc, âm nhạc, vai diễn, v.v…) Marc Vernet[7] đã nhấn mạnh là đến một giai đoạn phát triển thích hợp, một thể loại sẽ được xác định vừa bằng những cái nó loại trừ, vừa bằng những cái cấu thành nên nó - khán giả được sung sướng khám phá bộ phim mà không sợ bị bối rối chẳng hiểu gì vì những yếu tố xáo trộn mỹ học.
Ngữ “trong trẻo” được đưa ra để chỉ tính chất đặc trưng của thể loại phim mà trong đó tất cả dường như diễn ra rất nuột nà, các cảnh và các đoạn xâu chuỗi với nhau khá logic, và câu chuyện cứ như là tự nó kể lấy một mình.
Tuy nhiên, điện ảnh cổ điển cũng đã sản sinh những bộ phim phức tạp hơn, tinh tế hơn về mặt phương pháp tự sự, và có thể khó chịu hơn cho người xem (những phim như thế cũng có thể được xếp vào loại “hiện đại”). Hãy nghĩ tới ví dụ về những phim phục hiện (quay về quá khứ), như Citizen Kane (1940) hay Ngày lên[8] (1939), hai phim kiểu mẫu cho rất nhiều những phim sau đó, hoặc là những phim có những quan điểm trái chiều (lại Citizen Kane, Les Girls[9], Bà Bá tước chân trần[10], Rashômon[11]) hay người kể (lời tự sự) khó hiểu hoặc khác thường (Laura[12], Sunset Boulevard[13], Bức thư gửi ba người vợ[14], v.v…). Trong những trường hợp này, cấu trúc các phân đoạn và đoạn, việc tuân thủ các quy tắc dựng phim (rất chặt chẽ, đúng, trong trường hợp Citizen Kane), sự sáng sủa trau chuốt đối với những thông tin về không gian-thời gian bù trừ cho mặt phức tạp của câu chuyện được kể bằng phim.

To be continued... (1.4. Từ những trào lưu chống đối tới chủ nghĩa cổ điển)

[1] L’Assassinat du duc Guise, đạo diễn Adré Calmette và Charles Le Bargy, 1908
[2] Grand Imagier tương đương với virtual narrator (vd: Jean - François Barrielle, Le Grand Imagier Victor Hugo, Flammarion, 1985), ở đây muốn nói đến người làm phim, người kể chuyện bằng hình ảnh
[3] durée diégétique
[4] fondu au noir
[5] fondu enchaî
[6] star system: công nghệ lăng xê sao Hollywood, săn tìm hạt giống, tạo dựng tiểu sử, đặt nghệ danh, đào tạo và đẩy lên thành sao (vd: diễn viên Cary Grant)
[7] Marc Vernet, “Genre”, Lecture du film, Albatros, 1975
[8] Le jour se lève, đạo diễn Marcel Carné, 1939
[9] đạo diễn George Cukor, 1958.
[10] The barefoot Contessa, đạo diễn Joseph L. Mankiewicz, 1954
[11] đạo diễn Akira Kurosawa, 1950 (dân gian đồ là vì phim này mà Oscar đẻ thêm giải Best Foreign Film)
[12] đạo diễn Otto Preminger, 1944 (Oscar cho Best Cinematography)
[13] đạo diễn Billy Wilder, 1950 (3 Oscar trong đó có giải Best Screenplay)
[14] A letter to three wives, Joseph L. Mankiewicz, 1949 (J. L. Mankiewicz nhận 2 giải Oscar cho Best Director và Best Screenplay)

No comments:

Post a Comment