1. Trong bản tin thời sự lúc 19h cách đây 3 ngày, nếu không nhầm thì là thứ 5 ngày 23 tháng 7, có phóng sự nói về Lào Cai (hay đâu đó không nhớ chính xác) nổi lên phong trào nuôi trâu. Những phóng sự kiểu này là những cái thiếu tin quá đành phải đưa lên.
Một bản tin thời sự 19h cần phải dài 30 phút, 5 đến 10 là tin quốc tế, nghĩa là 20 đến 25 phút là tin trong nước. Khi nào có cụ nào đi công du tư du thăm hỏi quan chức nước nào đặc biệt là các nước cộng sản anh em, hoặc có nước nào rồng đến nhà tôm hoành tráng đón chào thì coi như mừng húm, bởi vì riêng các phần tung hô những vị ấy và công lao dâng hiến cho tình hữu nghị hai bên cũng đã chiếm quá bán bản tin rồi. Những thông tin kinh tế văn hóa còn lại có tí teo, gói gọn trong khánh thành cái gì ở đâu lễ hội ra làm sao quy mô to tận ngần nảo ngần nào...
Thế nhưng mà một năm 365 ngày tin tức, không thể cứ các đoàn đại biểu thăm nhau mãi được, nên cũng phải nặn/rặn ra tin. Khi nào thừa sóng thì tin vùng sâu vùng xa tình hình đời sống nhân dân cải thiện sẽ được đẩy thật là mạnh. Một cái tin nuôi trâu sẽ gồm các phần cơ bản thế này:
- Huyện nào tỉnh nào đẩy mạnh phát triển nuôi trâu
- Đời sống bà con khấm khá
- Phát biểu của 2, 3 nông dân trong xã chứng minh sự khấm khá tranh thủ đội ơn Đảng ơn Chính Phủ
- Phát thanh viên đại diện nói lên nguyện vọng toàn dân mong rằng mô hình này được nhân rộng ở đây ở kia.
Cái tin chính nó là như vầy, nhưng cái hôm có tin nuôi trâu kia có mấy chi tiết làm dấy lên niềm thương tiếc hơn 2 phút sóng của nhà đài vô tận.
Thứ nhất, làm sao mà phải cố nhét vào một cái tin phát triển nuôi trâu cái câu "noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"?
Thứ hai, làm sao mà cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước lại đi tuyên truyền sai kiến thức cho 86 triệu dân xem ti vi giờ ăn cơm rằng là "nuôi trâu rẽ nghĩa là con trâu nó rẽ vào nhà ai thì nhà ấy thoát nghèo."? Nghe câu này xong cứ muốn ...chửi bậy. Hic. Phóng viên nhà đài mà không biết nuôi trâu rẽ nghĩa là nuôi trâu thuê, người nuôi con trâu cái đến kỳ nó đẻ sẽ được nhận nghé lứa thứ 2 về coi như trả công nuôi thuê từ bấy. Ấy thế mà cứ khơi khơi giảng giải trên ti vi như thế, như thế... Quá sợ.
Thứ ba, trước mỗi lời người được phỏng vấn trình bày, các bạn biên tập viên viết cho các bạn phát thanh viên đọc trước trọn vẹn ý (thậm chí không khác lời) của nhân chứng sắp tuôn ra là vì sao?
Ví dụ thế này:
PTV - Như vậy là nhờ có phát triển nuôi trâu, từng hộ gia đình trong thôn cùng nhau khấm khá dần lên, các cháu được đến trường, không còn sợ không có cái chữ (sic) nữa.
Anh nông dân A - Từ khi chúng tôi thực hiện nuôi trâu rẽ theo chỉ đạo hướng dẫn của xã, gia đình tôi đã khá lên, có đồng ra đồng vào, con tôi cũng được đi học, gia đình tôi không còn sợ đói, sợ mù chữ nữa.
Thứ tư, trong cơn không biết làm gì với tư liệu quay và lời bình, các bác BTV cứ đi tả lại cái gì có trên hình cho bà con nghe lại lần nữa, vì sợ bà con không hiểu mình đang nhìn gì, hay đây là phương pháp nhấn mạnh tấn công thính giác và thị giác đồng thời?
2. Từ lúc mới lớn lên một tí, lẫm chẫm bò, thích nhìn tranh và đôi lúc xé tranh, mẹ đã mua cho quyển truyện Thánh Gióng có hình minh họa và thậm chí phụ đề tiếng Anh. Rồi đến khi đi học, trong môn văn (hình như thế) không rõ lớp mấy mình lại được học truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương - ông Gióng cưỡi ngựa bay lên giời ở Sóc Sơn. Đến cuối cấp 2 thì không có lớp nào là không bị/được đi thăm đền Gióng cả một ngày hò hét leo trèo đuổi bắt khắc tên ai nớp viu nhí nhố. Thế là trong tiềm thức của mình, Thánh Gióng rõ ràng phải là Thánh Gióng chứ không thể nào là Thánh Dóng. Thì là bởi vì làng Phù Đổng nơi sinh ra cậu bé 3 tuổi biết đánh giặc có tên nôm là làng Gióng.
Thế mà không hiểu làm sao các bác rỗi hơi "trên Bộ" lại đưa ra lý thuyết mới Thánh Gióng phải là Thánh Dóng cơ. Các bác nhàn cư vi bất thiện, muốn viết lại truyền thuyết, thế các cháu phải làm thế nào?
3. Quay lại với mấy chương trình kỷ niệm 27/7 trên ti vi:
Vở (chẳng biết gọi là vở gì, kịch? ca kịch? tạp kỹ?) Hang Tám Cô tối thứ 7 ngày 25/7 dựng lại sự kiện năm 72, trên tuyến đường 20 Quảng Bình, 4 cô và 4 anh bộ đội vào trong hang tránh bom bị bom lấp cửa hang và hy sinh trong ấy. Vấn đề là ở cái vở kịch: kitsch, và bịa đặt.
Cái vở chẳng biết gọi là vở gì kia đưa thêm vào chi tiết đứa bé bị bỏ rơi trong hang không biết ở đâu ra làm cho người xem bán tín bán nghi chẳng hiểu đấy là sự thật mới được khai quật, hay là nhà biên kịch nào vui tay viết vào cho thêm phần lâm ly??! (Mà nếu có thế thì cũng phải chú thích cái gì thật cái gì phóng tác chứ lị.)
Cái kitsch thì phơi bày ra đấy, chẳng cần phải bàn.
Cuối tuần thật là ...haizzzzzz
PS: Mình yêu quý bộ sách Chuyện Đông Chuyện Tây của cụ An Chi nhưng mà lại chỉ có từ tập 2 tới tập 6. Mình băn khoăn không biết ai có tập 1 và sau tập 6 (hình như là có tập 7 nữa thì phải) có thể cho mình mượn (photocopy) hoặc mua (lại) hoặc xin (xỏ) không nhỉ?? Hic hic
Đội ơn các nhà hảo tâm... :)
1. Cám ơn bạn cập nhật tình hình thời sự cho anh em vùng sâu vùng xa. Thật là ơn Đảng ơn Chính phủ quá, có được blogger noi tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như bạn.
ReplyDelete2. Các bác nhà mình thỉnh thoảng lại làm một quả xét lại hay lật ngược tình thế ghê lắm cơ í. Mới đây có bác dịch giả nổi tiếng cũng xét lại là dùng "tâm phân học" mới đúng chứ không phải là "phân tâm học". Mình cứ gọi là ngây ngô, chẳng biết đường nào mà lần.
3. Hang Tám Cô mà sao lại chỉ có 4 cô? Chẳng lẽ 4 anh kia cũng là cô? hehehe
Hí hí uh Hang Tám cô không biết tại sao gọi cả các anh là cô. Mà buồn cười lắm trong cái kịch các nhân vật hy sinh trong ấy khi chưa hy sinh đã í ới gọi nhau là Hang Tám cô rồi (mặc dù tên hang được đặt do có sự kiện này). Thật là logic.
ReplyDeleteVụ Tâm phân học thì mình lại công nhận là cũng có lý chứ không phải do rỗi hơi :D mà nhiều (vài) người nói chứ không phải chỉ có dịch giả nổi tiếng. :) Trước nay người ta gọi thế kia là do thói quen. Thói quen nhầm lẫn kiểu kiểu thế nhiều lắm. Ví dụ vị tha người ta cứ tưởng là bao dung hay tha thứ, nhưng thực chất thì lại nghĩa là "vì người khác" - tha = người khác, như trong tha hương (quê người).
Thiển ý của mình là như vầy :)