Friday, May 9, 2014

Quy tắc số 6



Trích "Trong chớp mắt" - In the blink of an eye - Walter Murch

Điều đầu tiên được bàn đến trong lớp dựng phim ở trường điện ảnh sẽ được tôi gọi là tính liên tục ba-chiều: Trong shot A, một người người đàn ông mở cửa, đi ngang qua nửa phòng, và rồi phim cắt sang shot tiếp theo, B, tiếp tục với anh ra từ điểm giữa phòng đó,  tiếp tục với anh ta đi qua nửa phòng còn lại, nơi anh ta ngồi xuống bàn, hoặc là gì đó.
            Suốt nhiều năm, đặc biệt là trong những năm đầu của phim nói, đó là quy tắc. Bạn đã gắng sức cố giữ lấy tính liên tục của không gian ba chiều, và vi phạm nó vẫn được coi như một thất bại về tính nghiêm ngặt hoặc là năng lực[1]. Người nhảy cóc trong không gian chưa từng có, có lẽ ngoại trừ trong những bối cảnh quá đặc biệt – các cuộc đọ sức hoặc động đất – nơi diễn ra rất nhiều pha hành động bạo lực.
            Thực ra là tôi đặt tính liên tục ba chiều này xuống cuối trong danh sách Sáu tiêu chuẩn để thực hiện một chỗ cắt tốt. Trên đầu danh sách là Cảm xúc, điều thường được nói tới sau cùng, nếu có được nói tới trong trường điện ảnh, chủ yếu bởi đó là cái khó nhất để định nghĩa và xử lý. Bạn muốn người xem cảm thấy thế nào? Nếu họ cảm thấy cái bạn muốn họ cảm thấy suốt cả bộ phim, bạn đã làm được nhiều nhất rồi. Cái họ rốt cuộc nhớ được sẽ không phải là phần dựng phim, không phải là công việc của cánh quay phim, không phải là diễn xuất, thậm chí cũng chẳng phải là câu chuyện – mà là họ đã cảm thấy thế nào.
            Một chỗ cắt lý tưởng (đối với tôi) là chỗ thỏa mãn đồng thời tất cả sáu tiêu chuẩn sau: 1) nó thật với cảm xúc của thời điểm đó; 2) nó khiến câu chuyện tiến triển; 3) nó xảy ra có nhịp điệu vào một thời điểm thú vị và “hợp lý” ; 4) nó công nhận cái bạn thường gọi là “đường nhìn”[2] – liên quan tới vị trí và chuyển động của mối quan tâm chú ý của khán giả trong khuôn hình; 5) nó tôn trọng “tính phẳng” – ngữ pháp của ba chiều được chuyển hóa bằng quay phim thành hai chiều (các vấn đề về đường phân tuyến[3], v.v…); 6) nó tôn trọng tính liên tục ba chiều của không gian hiện thời (nơi các nhân vật ở trong phòng và trong tương quan lẫn nhau).
            1) Cảm xúc                                                                                                51%
            2) Câu chuyện                                                                                           23%
            3) Tiết tấu                                                                                                  10%
            4) Đường nhìn                                                                                             7%
            5) Tính phẳng hai chiều của màn hình                                                        5%
            6) Không gian ba chiều của hành động                                                       4%

            Cảm xúc, ở đầu danh sách, là điều bạn phải cố gắng giữ được bằng mọi giá. Nếu bạn thấy mình phải hy sinh điều gì đó trong sáu điều để cắt một chỗ nào, hãy hy sinh từ dưới lên, từng mục một.
            Ví dụ như, nếu bạn cân nhắc một chuỗi những điểm có thể biên tập cho một khoảnh khắc cụ thể trong phim, và bạn thấy rằng có một chỗ cắt đưa ra được cảm xúc đúng, khiến câu chuyện tiến triển, thỏa đáng về tiết tấu, tôn trọng đường nhìn cũng như tính phẳng của khuôn hình, nhưng thất bại trong việc giữ tính liên tục của không gian ba chiều, thì hiển nhiên, đó là chỗ cắt bạn cần làm. Nếu không có chỗ cắt dựng nào khác có cảm xúc đúng, thì hy sinh tính liên tục trong không gian cũng đáng để đổi lấy nó.
Các giá trị tôi đặt cho mỗi mục một phần là để cho vui, nhưng cũng không hoàn toàn vậy: Chú ý rằng hai điểm đầu tiên trong danh sách (cảm xúc và câu chuyện) có giá trị hơn nhiều so với cả bốn mục bên dưới (tiết tấu, đường nhìn, tính phẳng, tính liên tục trong không gian), và khi bạn phụ thuộc vào nó, trong phần lớn trường hợp, mục đầu danh sách – cảm xúc – đáng giá hơn tất cả năm mục khác ở dưới nó cộng lại.
            Và, thực sự có một mặt thiết thực: nếu cảm xúc đúng và câu chuyện tiến triển theo cách độc đáo, thú vị, trong một tiết tấu phù hợp, người xem sẽ có xu hướng không để ý tới (hoặc không bận tâm về) những vấn đề cắt dựng trong các mục thấp hơn như là đường nhìn, đường phân tuyến, tính liên tục trong không gian, v.v… Nguyên tắc chung có vẻ như là thỏa mãn các tiêu chuẩn ở các mục cao hơn trong danh sách, có xu hướng che mờ các vấn đề với các mục thấp hơn trong danh sách, chứ không thể là ngược lại: ví dụ như, có số 4 (đường nhìn) ổn thỏa sẽ giảm thiểu vấn đề với số 5 (đường phân tuyến), trong khi nếu số 5 (đường phân tuyến) được tuân thủ nhưng số 4 (đường nhìn) không được tính toán thì chỗ cắt đó sẽ không thành công.
            Bây giờ, trong thực hành, bạn sẽ thấy rằng ba thứ đầu bảng – cảm xúc, câu chuyện, tiết tấu – được liên kết với nhau vô cùng chặt chẽ. Sức mạnh gắn kết chúng lại giống như các liên kết giữa các proton và neutron trong hạt nhân nguyên tử. Chúng là những liên kết chặt nhất, và sức mạnh kết nối những mục càng thấp hơn thì càng yếu hơn khi bạn theo danh sách từ trên xuống.
            Phần lớn trường hợp bạn sẽ có thể thỏa mãn được cả 6 tiêu chuẩn: không gian ba chiều và mặt phẳng hai chiều của màn hình và đường nhìn, và tiết tấu và câu chuyện và cảm xúc sẽ đâu vào đó. Và, tất nhiên, bạn phải luôn luôn hướng tới mục tiêu đó, nếu có thể. Không bao giờ được chấp nhận ít hơn khi mà bạn có thể có được nhiều hơn.
            Những gì tôi gợi ý là một danh sách về thứ tự ưu tiên. Nếu bạn buộc phải đầu hàng, đừng bao giờ đầu hàng cảm xúc trước câu chuyện. Đừng đầu hàng câu chuyện trước tiết tấu, đừng đầu hàng tiết tấu trước đường nhìn, đừng đầu hàng đường nhìn trước tính phẳng, và đừng đầu hàng tính phẳng trước tính liên tục trong không gian.




[1] (TG) Vấn đề với cách suy nghĩ này có thể thấy trong bất cứ phim sitcom quay nhiều máy nào trên TV. Bởi vì các máy quay đang quay đồng thời, các diễn viên luôn cần phải “chính xác” chừng nào tính liên tục về không gian và tương quan giữa họ với nhau còn liên quan, nhưng điều đó chắc chắn không ngăn cản được việc luôn luôn có những chỗ cắt tồi.
[2] eye-trace
[3] stage-line: đường vô hình nối 2 diễn viên trên trường quay chia ranh giới đặt máy quay. Máy quay vượt đường phân tuyến sẽ gây bối rối cho khán giả về phương hướng trong khuôn hình.

No comments:

Post a Comment