Friday, February 25, 2011

Nhân trường hợp chị Diệu Hà

hay: Yếu tim thì đừng xem phim kinh dị

(Cấm trẻ em dưới 16 tuổi)

Giới thạo tin cho hay chị Diệu Hà mới có buổi trình diễn tại Nhà Sàn Đức. Giới thạo tin còn chụp trộm được cả ảnh tung lên các trang báo chính thống lá cải lẫn lá cải chính thống mặc dù giấy mời có “LƯU Ý ĐẾN ĐÚNG GIỜ VÀ KHÔNG QUAY PHIM CHỤP ẢNH”

Trước buổi trình diễn, không ít trang mạng của các cá nhân và tập thể đã đoán già đoán non đoán lon ton về việc chị sẽ làm gì và cũng không hiểu vì lý do gì kịp vội vàng quy kết chị lại đòi "thoát xác". Chắc các quý vị quan tâm nền nghệ thuật nước nhà chưa kịp hoàn hồn với màn trình diễn của chị cách đây ít lâu. Tôi không định bàn đến các trình diễn của chị vì không có cơ hội được dự buổi nào dù có được xem ảnh và đọc nhiều bình luận. Tuy nhiên tôi không thể không để tâm tới những phản ứng của một số (bao nhiêu thì tôi không biết) khán giả đi xem trực tiếp hoặc chỉ thăm qua các “vườn cải” tươi tốt của chúng ta, không thể không chú ý tới số lượng không nhỏ những tiếng thốt lên đầy cảm thán “choáng”, “sốc”, “rùng mình”, “pó tay”.

Cũng cách đây không lâu, tôi xem Somewhere – phim mới nhất của Sofia Coppola. Sau buổi chiếu, giảng viên chiếu phim cho chúng tôi xem hỏi ai thích, ai không thích. Một nửa nói không thích và vài người trong số đó thú nhận đã ngủ gật. Bản thân cô giáo sau khi nghe ý kiến mọi người cũng bảo không thích, nhưng công nhận đạo diễn giỏi. Vì sao? Theo cá nhân tôi, Sofia Coppola giỏi vì đã dám làm và làm thành công một phim về cô đơn và chán chường. Làm phim về cô đơn và chán chường sẽ như làm xiếc trên sợi dây “vô cùng thích thú” (vì hiểu, đồng cảm, và cười với cái chán của nhân vật trong phim) treo cao 3m còn ở dưới là “chán hẳn” (vì phim …chán quá). Ai không thích xem xiếc thì thôi đừng xem xiếc. Ai không thích xem Somewhere thì sẽ biết là mình không thích từ phút thứ 4, và xin mời đứng lên đi về, hoặc thôi đừng mua DVD sau khi xem thử ở hàng đĩa. Còn những ai chịu được đến 3 phút góc máy tĩnh một cảnh anh Johnny Marco (Stephen Dorff) lái lòng vòng con xe Ferrari đen quanh bãi đất hoang, vòng đi vòng lại thi gan, thì sẽ sướng cái sự chán và cách kể về sự chán ấy suốt 95 phút tiếp theo rồi. Tất cả nhịp điệu phim, phong cách, ẩn dụ, thông điệp đều có thể thấy trong 3 phút ấy (tất nhiên là phải xem xong rồi mới ngồi ngẫm lại). Đấy, hoặc yêu điên cuồng, hoặc ghét cay đắng, hoặc đen, hoặc trắng, chứ không có lờ nhờ. Thế nên là dũng cảm.

Quay lại với chị Diệu Hà. Tôi chẳng tin có ai đi xem chị lần trình diễn thứ hai này mà lại không biết gì về tính “sốc” (nếu thích định tính thế) trong phong cách của chị. Thế người ta vẫn cứ nô nức đi. Người ta nô nức đi xong người ta nô nức về chê bôi này nọ. Yếu tim sao còn cứ đòi xem phim kinh dị? Sao lại còn cho các cháu đến rồi trách móc vì sao diễn thế cho trẻ con xem hay hờn tủi rằng thế này thì lại được cấp phép biểu diễn. Ơ kìa?! Giới thạo tin còn bàn nhiều lắm về sự vụ này, nào là nên hay không nên, hay hay không hay. Lại “Ơ kìa?!”

Với việc “hành xác” của chị Diệu Hà, tôi thì tôi có quan điểm của mình, tôi có quyền thích hoặc không thích, nhưng mà không định trình bày gì đâu. Không ở trong tư thế có thẩm quyền để bình luận điều gì, tôi chỉ có thể nói là phục chị dũng cảm. Chị đã truyền được cơn bỏng rát chị phải chịu sang tôi, cho dù tôi đọc báo xong vẫn lành lặn, chỉ sởn da gà, còn chị diễn xong thì không.

Hôm nay trên đường về tôi qua cái bến tàu gọi là Abbesses: để đi từ hầm lên mặt đất, có thể dùng thang máy (điều các bác sỹ khuyên dùng) và thang cuốn bộ được ghi rõ là có 90 bậc, chống chỉ định cho các cụ quá già và các mẹ đẩy các bé trong xe nôi. Trong thang máy thì có vách bọc thép an toàn chắc chắn. Và có nhiều người khác đi cùng. Thang cuốn bộ thì khắp tường từ dưới lòng đất lên đến trên đồi là tranh vẽ từ Graffiti tới hoa hoét tới toàn cảnh thành phố đủ mọi cung bậc khác nhau. Tôi không thấy có mấy ai đi thang bộ cả, cả người trẻ. Có thang máy mà, tội gì. Đa số người xem nghệ thuật đã thế, nhiều nghệ sỹ lại cũng thế luôn.

Thôi, thực ra là tôi chỉ muốn giới thiệu với những người ngại leo bộ một chút gọi là nghệ thuật đương đại thế giới. Không phải thế giới làm gì ta cũng phải làm cái đó. Không phải người ta vượt trước mình xa tắp rồi thì mình cũng phải chạy theo. Chẳng ai bắt ai phải đương đại. Thế nhưng mà để yên cho hội leo bộ còn thở với chứ. (Ý tôi là đừng chửi người ta là con mụ này nọ và đừng kết tội người ta phản nghệ thuật, còn thì cứ ghét tùy tâm.)


Sigalit Landau, Barbed Hula, 2001
Tác phẩm trình diễn được ghi hình lại thành tư liệu phim trưng bày tại trung tâm văn hóa đương đại Pompidou – Paris, nằm trong bộ sưu tập cố định elles@centrepompidou (feminist feminin artists), phòng “Face à l’Histoire” (Đối mặt với Lịch sử)



Ana Mendieta, Untitled (Chicken Piece Shot #2), 1972
Tác phẩm cũng được trình chiếu tại elles@centrepompidou, trong nhóm tác phẩm “Corps slogan” (Cơ thể tuyên ngôn).



Yoko Ono, Cut Piece, 2003
Tin trên France2 giới thiệu buổi trình diễn của vợ góa John Lennon ở nhà hát Ranelagh, Paris. Bà ngồi trên ghế và mời 300 khán giả, mỗi người hòa nhã tới cắt bằng kéo một mảnh chiếc váy dài bà đang mặc trên người cho tới khi chỉ còn lại đồ lót.
Ý tưởng này đã được Yoko Ono thể hiện lần đầu từ năm 1965.



Thật lòng tôi không phải người hâm mộ những thứ feminist như thế này lắm lắm, nhưng có những cố gắng của các nghệ sỹ tôi vô cùng trân trọng thì vẫn cứ phải công nhận là trân trọng đi.

6 comments:

  1. Abesses chính là bến tàu trong Amélie đấy nhỉ

    cái Ono để người ta cắt quần áo này anh xem tận mắt rồi nhá :p

    ReplyDelete
  2. Hả??? Hả?? Thế mà không cắt lấy một miếng về à? :)) Em mà ko lười đi bộ thì ngày nào cũng lên xuống tàu ở Abbesses í. :D Đang tính chuyển đi đường qua đấy để đón xuân sang. :))

    ReplyDelete
  3. Em mới 16 tuổi mà cũng lỡ (lén) đọc rồi. ;(

    ReplyDelete
  4. Thế thì có mà người viết cũng phải viết lén vì chưa đủ tuổi ấy à??! :))

    ReplyDelete
  5. Amanlie, 16 tuổi, ưa thích nhạc thiếu nữ của Camille và lén xem cắt quần áo Yoko Ono ;d

    ReplyDelete
  6. Sợ ko, tự nhận là a manly cơ đấy!!! :))

    ReplyDelete