Sans Soleil (1985) - Chris Marker - P. cuối
Và ở chỗ này, 3 đứa trẻ từ Iceland của mình sẽ tới xen vào. Mình đã lấy lại trọn vẹn cảnh quay, thêm vào đoạn kết này một chút mờ ảo, khuôn hình chập chờn dưới sức gió quật vào bọn mình trên mỏm đá, mọi thứ mà mình cắt đi “cho sạch sẽ” có khi còn nói nhiều hơn cả những gì còn lại mà mình nhìn thấy vào giây phút ấy, vì sao mình lại giữ nó xa mình hết cỡ, zoom hết cỡ, cho tới tận phần 25 cuối cùng của giây… Thành phố Heimaey tan ra phía dưới bọn mình. Và 5 năm sau khi Haroun Tazieff gửi cho mình cái anh đã quay ở cùng chỗ đó, mình chỉ thiếu mỗi cái tên để hiểu ra rằng thiên nhiên đã tự làm lấy những lễ Dondo-yaki cho chính nó. Núi lửa của đảo đã thức dậy. Mình đã xem những hình ảnh này, và cứ như thể cả năm 65 vừa được bao phủ bởi tro tàn.
Vậy là chỉ phải đợi, và hành tinh sẽ tự mình vận hành Thời gian. Mình đã thấy lại nơi từng là cửa sổ của mình, thấy những mái nhà và những ban công quen thuộc, những mốc đường đi bộ mình đi hàng ngày qua thành phố, và xuống tận nơi mỏm đá nơi mình gặp lũ trẻ. Con mèo đi tất trắng mà Haroun có nhã ý ghi hình lại cho mình tất nhiên đã tìm thấy chỗ cho nó, và mình nghĩ là trong số tất cả những người cầu nguyện Thời gian, kẻ đã rải mốc suốt chuyến đi này, đúng nhất vẫn là người phụ nữ ở Gotokuji, người chỉ đơn giản nói với cô mèo Tora: Mèo yêu quý, cho dù con ở đâu, mong con an lành.
Và rồi chuyến đi, đến lượt chính nó bước vào trong Zone. Hayao đã cho mình xem những hình ảnh mốc thếch Thời gian, tự do thoát khỏi dối trá đã kéo dài sự tồn tại của những khoảnh khắc bị Vòng xoáy trôn ốc nuốt lấy.
Khi mùa xuân tới, khi từng con quạ báo hiệu cất những tiếng kêu nửa tông, mình lên đoàn tàu xanh tuyến Yamanote và xuống ga Tokyo, ngay cạnh bưu điện trung tâm. Dù phố xá có vắng tanh, mình vẫn đợi đèn đỏ - đúng kiểu Nhật – để dành chỗ cho những linh hồn ô tô bị tai nạn. Dù không đợi bức thư nào, mình vẫn dừng trước thùng thư, vì cần phải thành kính trước những linh hồn thư bị xé, và trước ô cửa dành cho thư hàng không, để chào những linh hồn thư không bao giờ được gửi. Mình đo sự phù du không chịu nổi của phương Tây chẳng bao giờ thôi ưu ái hữu vi hơn vô vi, hữu ngôn hơn vô ngôn. Mình đi bộ dọc những gian hàng bán quần áo. Mình nghe thấy từ xa giọng ông Akao dội lại từ các loa… cao hơn nửa tông. Rồi mình đi xuống hầm nơi bạn mình, một tay gàn, bận rộn với những graffiti điện tử. Cuối cùng ngôn ngữ của cậu ấy chạm tới mình, bởi cậu ấy nói với một phần trong ta nơi khăng khăng vẽ ra những nét nghiêng trên những bức tường nhà tù. Một mẩu phấn viền theo những đường viền của cái không có, hoặc thôi không còn, hoặc chưa có. Chữ viết tay mỗi chúng ta dùng để lập ra danh sách “những thứ làm tim ta đập nhanh”, để cho đi, hay để xóa. Đó là lúc thi ca được sáng tạo bởi mỗi người, và sẽ có cả đà điểu ở trong Zone nữa.”
Anh viết cho tôi từ Nhật Bản, anh viết cho tôi từ châu Phi. Anh viết cho tôi rằng bây giờ anh có thể tập trung nhìn vào gương mặt người phụ nữ ở chợ Praia mà hình ảnh lưu lại chỉ dài bằng đúng một frame hình.
Có khi nào sẽ còn một bức thư cuối?
No comments:
Post a Comment