Thursday, April 29, 2010

Không cho độc thân

Tội lỗi gì mà không cho tôi độc thân. Không độc thân thì tôi lên xe bông thế nào được??!

Xe bông thì đỗ ở một phương, tôi thì ở một phương, còn phường thì tất nhiên là ở quê nhà. Phường ở quê nhà vui vẻ bảo bố tôi rằng để được chứng nhận độc thân, tôi cần viết một cái giấy gọi là giấy cam đoan chưa từng kết hôn, và ký vào, và xin dấu xác nhận chữ ký ấy là chữ ký của tôi mà không cần xác nhận nội dung gì sất của cơ quan lãnh sự bên này. Thế là tôi hì hục cam đoan hì hục ký, hì hục 2 lần ra xếp hàng tại cái ĐSQ to to có mấy cái guichet nhỏ nhỏ, trong mấy cái guichet nhỏ nhỏ có mấy bác mấy chị nói to to. Đến lần xếp thứ 2 sau khi lặn lội qua cả thành phố mới tới lượt, thì một bác trong số ấy tuyên bố không chứng nhận cái thể loại này, và dúi cho tôi một mẫu đơn khác, đề nghị lần sau tới thì mang theo giấy của phường ở quê nhà xác nhận tôi độc thân. Thế là tôi không có cả trứng lẫn vịt. Thế là vịt bảo trứng mày nở đi thì tao mới ra được, trứng bảo vịt mày không đẻ thì làm gì có tao. Thế là không ai cho tôi độc thân. Không độc thân thì tôi lên xe bông thế nào được? Xe bông thì đỗ ở tận đâu đâu... xa miết mải mù khơi.

Monday, April 19, 2010

Không mặt trời - Có khi nào sẽ còn một bức thư cuối?


Sans Soleil (1985) - Chris Marker - P. cuối
Và ở chỗ này, 3 đứa trẻ từ Iceland của mình sẽ tới xen vào. Mình đã lấy lại trọn vẹn cảnh quay, thêm vào đoạn kết này một chút mờ ảo, khuôn hình chập chờn dưới sức gió quật vào bọn mình trên mỏm đá, mọi thứ mà mình cắt đi “cho sạch sẽ” có khi còn nói nhiều hơn cả những gì còn lại mà mình nhìn thấy vào giây phút ấy, vì sao mình lại giữ nó xa mình hết cỡ, zoom hết cỡ, cho tới tận phần 25 cuối cùng của giây… Thành phố Heimaey tan ra phía dưới bọn mình. Và 5 năm sau khi Haroun Tazieff gửi cho mình cái anh đã quay ở cùng chỗ đó, mình chỉ thiếu mỗi cái tên để hiểu ra rằng thiên nhiên đã tự làm lấy những lễ Dondo-yaki cho chính nó. Núi lửa của đảo đã thức dậy. Mình đã xem những hình ảnh này, và cứ như thể cả năm 65 vừa được bao phủ bởi tro tàn.
Vậy là chỉ phải đợi, và hành tinh sẽ tự mình vận hành Thời gian. Mình đã thấy lại nơi từng là cửa sổ của mình, thấy những mái nhà và những ban công quen thuộc, những mốc đường đi bộ mình đi hàng ngày qua thành phố, và xuống tận nơi mỏm đá nơi mình gặp lũ trẻ. Con mèo đi tất trắng mà Haroun có nhã ý ghi hình lại cho mình tất nhiên đã tìm thấy chỗ cho nó, và mình nghĩ là trong số tất cả những người cầu nguyện Thời gian, kẻ đã rải mốc suốt chuyến đi này, đúng nhất vẫn là người phụ nữ ở Gotokuji, người chỉ đơn giản nói với cô mèo Tora: Mèo yêu quý, cho dù con ở đâu, mong con an lành.
Và rồi chuyến đi, đến lượt chính nó bước vào trong Zone. Hayao đã cho mình xem những hình ảnh mốc thếch Thời gian, tự do thoát khỏi dối trá đã kéo dài sự tồn tại của những khoảnh khắc bị Vòng xoáy trôn ốc nuốt lấy.
Khi mùa xuân tới, khi từng con quạ báo hiệu cất những tiếng kêu nửa tông, mình lên đoàn tàu xanh tuyến Yamanote và xuống ga Tokyo, ngay cạnh bưu điện trung tâm. Dù phố xá có vắng tanh, mình vẫn đợi đèn đỏ - đúng kiểu Nhật – để dành chỗ cho những linh hồn ô tô bị tai nạn. Dù không đợi bức thư nào, mình vẫn dừng trước thùng thư, vì cần phải thành kính trước những linh hồn thư bị xé, và trước ô cửa dành cho thư hàng không, để chào những linh hồn thư không bao giờ được gửi. Mình đo sự phù du không chịu nổi của phương Tây chẳng bao giờ thôi ưu ái hữu vi hơn vô vi, hữu ngôn hơn vô ngôn. Mình đi bộ dọc những gian hàng bán quần áo. Mình nghe thấy từ xa giọng ông Akao dội lại từ các loa… cao hơn nửa tông. Rồi mình đi xuống hầm nơi bạn mình, một tay gàn, bận rộn với những graffiti điện tử. Cuối cùng ngôn ngữ của cậu ấy chạm tới mình, bởi cậu ấy nói với một phần trong ta nơi khăng khăng vẽ ra những nét nghiêng trên những bức tường nhà tù. Một mẩu phấn viền theo những đường viền của cái không có, hoặc thôi không còn, hoặc chưa có. Chữ viết tay mỗi chúng ta dùng để lập ra danh sách “những thứ làm tim ta đập nhanh”, để cho đi, hay để xóa. Đó là lúc thi ca được sáng tạo bởi mỗi người, và sẽ có cả đà điểu ở trong Zone nữa.”
Anh viết cho tôi từ Nhật Bản, anh viết cho tôi từ châu Phi. Anh viết cho tôi rằng bây giờ anh có thể tập trung nhìn vào gương mặt người phụ nữ ở chợ Praia mà hình ảnh lưu lại chỉ dài bằng đúng một frame hình.
Có khi nào sẽ còn một bức thư cuối?

Thursday, April 15, 2010

Không mặt trời - Ký ức


Sans Soleil (1985) - Chris Marker - P.10
Mỗi lần trở về từ châu Phi, anh đều dừng chân ở đảo Sal, nơi thực ra là một đảo đá muối giữa Đại Tây Dương. Ở cuối hòn đảo, vượt qua làng Santa Maria và khu nghĩa trang có những bia mộ sơn vẽ. Chỉ cần bước thẳng về phía trước là gặp sa mạc.
Anh viết cho tôi “Mình đã hiểu những ảo ảnh. Bỗng chốc, người ta ở trong sa mạc như đang ở trong đêm. Những gì không phải sa mạc bỗng không còn tồn tại. Những hình ảnh hiện ra ta không còn tin vào đó nữa.
Mình đã viết cho bạn rằng có những con đà điểu ở Ile-de-France chưa nhỉ? Cái tên Ile-de-France nghe có vẻ lạ lùng, trong Ile-de-Sal – Đảo Sal. Ký ức của mình chống chất lên 2 ngọn tháp: tháp của lâu đài đổ nát Montepilloy giam cầm Jeanne d’Arc, và tháp ngọn hải đăng ở cực nam đảo Sal, một trong những hải đăng cuối cùng còn chạy bằng dầu.
Ngọn hải đăng có mặt trong Sahel trông như một miếng cắt dán nếu không nhìn thấy biển, bên bờ cát và muối. Nhóm bay của những chuyến xuyên lục địa thay phiên ở Sal. Bọn họ mang lại cho nơi biên giới của vô vi này một nét chấm phá là khu resort bên bờ biển càng làm cho phần còn lại thêm không thực. Họ cho những con chó lang thang trên bãi biển ăn.
Mình thấy mấy con chó của mình đêm nay có vẻ bồn chồn, mình chưa bao giờ thấy chúng chơi với biển như thế. Sau đó mình hiểu ra khi nghe đài Hongkong: hôm ấy là ngày đầu năm mới âm lịch, và lần đầu sau 60 năm, cung Tuất và cung Thủy giao nhau.
Ở xa kia, cách 18.000 cây số, một bóng duy nhất dừng bất động giữ những bóng dài chuyển động khi ánh sáng tháng Giêng dạo bước trên đất Tokyo: bóng của nhà sư Asakusa.
Bởi năm Tuất cũng bắt đầu ở Nhật Bản. Những ngôi đền đầy chật khách đến ném tiền xu và cầu nguyện kiểu Nhật: một lời nguyện cầu trườn vào cuộc sống mà không làm nó gián đoạn.
Lạc nơi tận cùng thế giới, trên hòn đảo Sal của mình, đồng hành là mấy con chó nhảy cỡn lên, mình nhớ về tháng giêng ở Tokyo, hay đúng hơn là mình nhớ về những hình ảnh đã quay vào tháng giêng ở Tokyo. Chúng bây giờ đã thay thế cho ký ức mình. Chúng là ký ức của mình. Mình không rõ người ta làm thế nào nhớ được mọi việc, những người không quay phim, không chụp ảnh, không ghi âm… Loài người làm thế nào để nhớ nhỉ? Mình biết rồi: người ta viết Kinh Thánh. Kinh Tân ước, ấy là băng từ vô tận của thời gian sẽ không ngừng tự đọc lại để biết rằng mình đã tồn tại. Trong khi chúng ta đợi tới năm 4001 và ký ức trọn vẹn, đây là cái những lời tiên tri trong năm mới ta rút ra từ những chiếc hộp lục giác dài có thể hứa hẹn: Thêm một chút quyền lực với ký ức đi từ trạm này sang trạm khác, như Jeanne d’Arc, mà một tin sóng ngắn từ đài Hongkong bắt được trong một chương trình radio ở CapeVerde phát tới tới Tokyo, mà ký ức về một màu cụ thể trên một phố nảy lại trên một nước khác, một khoảng cách khác, một âm nhạc khác, bất tận.
Ở cuối con đường ký ức, chữ Ile-de-France viết thể biểu ý không kém phần bí ẩn hơn chữ Tokyo viết thể Kanji trong ánh sáng huyền diệu của năm mới. Hẳn là mùa đông Ấn Độ. Cứ như thể không khí là yếu tố đầu tiên thoát ra thanh khiết từ những nghi lễ không đếm xuể mà người Nhật dùng để tẩy uế năm cũ bước sang năm mới. Một tháng tròn chắc đủ cho họ hoàn thành các nhiệm vụ bởi lễ độ đối với Thời gian. Điều thú vị nhất là những gì thu được tại đền Tenjin thờ chim Uso, vị thần theo truyền thống sẽ ăn hết mọi lời dối trá trong năm tới, và theo một vị khác biến chúng thành lời nói thật.
Nhưng cái đã khoác cho phố phường màu sắc tháng Giêng ấy, cái đã khiến nó bỗng dưng thật khác chính là những tấm kimono. Trên phố, trong tiệm, trong văn phòng, ngay cả tại nơi giao dịch chứng khoán ngày mở cửa, những cô gái lấy ra những bộ kimono mùa đông có cổ lông. Thời điểm này trong năm, những người Nhật khác có thể phát minh ra tivi màn hình siêu phẳng, tự tử bằng cưa máy, hay chinh phục 2/3 thị trường sản phẩm bán dẫn thế giới. Tốt thôi: bạn chỉ nhìn thấy những cô gái này…
15 tháng 1 là ngày của tuổi 20, một lễ nghi bắt buộc trong cuộc đời một thiếu nữ Nhật Bản. Những nhân viên thành phố chia những gói nhỏ đầy quà, sách lịch, sách hướng dẫn: làm sao để trở thành một công dân tốt, một người mẹ tốt, một người vợ tốt. Trong ngày này, mọi thiếu nữ 20 tuổi đều có thể gọi về gia đình miễn phí dù ở bất cứ đâu trên đất Nhật. Công việc, gia đình, và tổ quốc: đây là phòng đợi của tuổi trưởng thành. Thế giới của những Takenodo và những ca sỹ rock rời xa như tên lửa. Các diễn giả giải thích xã hội đợi họ những gì. Phải mất bao nhiêu lâu mới quên đi được bí mật?
Và khi tất những hội hè kết thúc, chỉ còn lại việc thu nhặt những đồ trang trí, những phụ kiện của lễ hội, và đốt chúng lên thành một lễ hội.
Đây là Dondo-yaki. Một lễ shinto ban phép lành cho những gì còn sót lại, những gì có quyền được bất tử, như những con búp bê ở Ueno. Trạng thái cuối cùng trước khi biến mất trong tính cảm động của sự vật. Daruma linh hồn chột mắt ngự trên đỉnh ngọn lửa đốt rác. Việc từ bỏ cũng cần phải là một lễ hội, việc xé toang cũng cần phải là một lễ hội, việc vĩnh biệt tất cả những gì đã mất, đã hỏng, đã dùng, cần được tôn vinh bởi lễ nghi. Nhật mới là nơi toại nguyện ước mong của nhà văn Pháp de Montherlant muốn tổ chức ly dị như một lễ thánh. Thời khắc duy nhất gây hoang mang của tập tục này là vòng tròn các em nhỏ đập gậy xuống đất. Mình chỉ có duy nhất một cách giải thích – cho dù với mình cách này mang vẻ một nghi thức ấm cúng nho nhỏ: ấy là để đuổi chuột đi.