Friday, February 26, 2010

Không mặt trời - Vertigo


Sans Soleil (1985) - Chris Marker - P.8
Anh viết cho tôi về một bộ phim duy nhất có khả năng vẽ chân dung thứ ký ức bất khả - ký ức điên. Một bộ phim của Hitchcock: Vertigo – Chóng mặt. Trong vòng xoáy phần giới thiệu phim, anh thấy Thời gian bao phủ một vùng ngày càng rộng hơn khi nó lùi ra xa, một cái xoáy có phút chốc hiện tại nén lại, bất động, con mắt… Ở San Francisco anh đã hành hương về tất cả những hiện trường quay của phim: cửa hàng hoa Podesta Baldocchi, nơi James Stewart theo dõi Kim Novak. Anh ta là tay thợ săn, nàng là con mồi – hay là ngược lại nhỉ? Gạch lát sàn không đổi. Anh ta đã chạy xe suốt những con đồi San Francisco nơi James Stewart theo đuổi Kim Novak – Madeline. Có vẻ như đấy là trinh thám, bí hiểm, án mạng – nhưng thực ra đấy là về quyền lực và tự do, về phiền muộn và lóa mắt, được mã hóa rất cẩn thận trong những vòng xoáy mà ta có thể lầm lẫn, và không phát hiện ra ngay lập tức thực tế cái chóng mặt bởi không gian chính là cái chóng mặt của thời gian. Anh ta đã lần theo mọi dấu vết, cho tới tận khu nghĩa địa ở Mission Dolores nơi Madeline tới cầu nguyện trên nấm mồ một người phụ nữ chết đã lâu mà có lẽ nàng chưa từng quen biết. Anh ta đã theo đuổi Madeline – như là Scottie đã từng làm, tới bảo tàng Bắc đẩu Bội tinh (Legion of honor), phía trước chân dung một người phụ nữ đã chết mà hẳn nàng cũng chưa từng quen biết. Và trên bức chân dung, cũng như trên tóc Madeline, là vòng xoáy thời gian.
Khách sạn nhỏ thời Victoria nơi Madeline biến mất bản thân nó cũng đã biến mất. Bê-tông đã thay vào đấy, trong góc giữa Eddy và Gough. Ngược lại, khúc cây tùng vẫn còn ở Muir Woods. Trên đó Madeline đã vạch dấu khoảng cách ngắn ngủi giữa 2 đường đồng tâm đo tuổi của cây và nói, “Tôi ra đời ở đây… và đã chết ở đây.” Anh nhớ về một bộ phim khác mà đoạn này cũng được nhắc lại: cây tùng đó là cái cây ở trong Vườn Thực vật ở Paris, và bàn tay chỉ một điểm phía ngoài thân cây – ở phía ngoài thời gian.
Con ngựa vẽ ở San Juan Bautista, mắt nó trông giống như mắt Madeline: Hitchcock không phát minh ra cái gì cả, mọi thứ đã sẵn đấy rồi. Anh ta chạy dưới những mái vòm lối đi như là Madeline chạy về phía cái chết – Mà có đúng là cái chết của nàng không? Từ cái tháp giả này – thứ duy nhất Hitchcock thêm vào – ông tưởng tượng Scottie chìm đắm trong điên cuồng của tình yêu, thấy không thể sống nổi với ký ức mà không xuyên tạc nó, phát minh ra một bản thể khác của Madeline trong một chiều thời gian khác, một Zone có lẽ chỉ thuộc về ông, nơi mà ông có thể giải mã câu chuyện không thể giải mã bắt đầu từ cầu Cổng Vàng khi anh ta kéo nàng lên từ vịnh San Francisco, khi anh ra cứu nàng thoát chết trước khi ném nàng trở lại với cái chết – hay là ngược lại nhỉ?
Ở San Francisco mình đã “hành hương” về với bộ phim đã từng xem 19 lần. Ở Iceland mình đặt viên gạch đầu tiên cho bộ phim tưởng tượng. Mùa hè ấy mình gặp ba đứa trẻ trên đường và một ngọn núi lửa vừa phun trào từ biển. Lại một vụ sắp đặt… Những phi hành gia Mỹ vừa mới tập luyện trước khi lên Mặt Trăng trong góc này Trái đất nơi có vẻ tương đồng, mình thấy ngay một décor khoa học viễn tưởng, phong cảnh một hành tinh khác – à mà không, đó là hành tinh của chính chúng ta đối với ai đó đến từ đâu đó rất xa. Mình tưởng tượng anh ta bước tới trên mặt đất núi lửa dính nơi gót giày, với một vẻ nặng nề của anh thợ lặn. Bỗng nhiên anh ta sẩy chân, và bước tiếp theo đã là một năm sau, anh ta bước trên một lối mòn gần biên giới Hà Lan, dọc theo một khu bảo tồn chim biển.
Điểm khởi đầu là như thế. Nhưng vì sao lại có khoảng hụt thời gian ấy, mối liên hệ ký ức ấy? Là thế đấy, không thể hiểu nổi. Anh ta không đến từ một hành tinh khác, mà đến từ tương lai. 4001, thời điểm não người đã được sử dụng trọn vẹn. Tất cả hoạt động hoàn hảo, mọi thứ chúng ta đều có thể cho ngủ đi được, thậm chí cả trí nhớ. Kết quả logic: một trí nhớ trọn vẹn là một trí nhớ được gây mê. Sau nhiều câu chuyện về những người mất trí nhớ, đây là chuyện về một người mất khả năng quên… - và nhờ một bản năng lạ lùng, thay vì tự hào về điều đó và khinh khi nhân loại trong quá khứ đen tối, kẻ này lại trở nên tò mò, và rồi đầy lòng trắc ẩn. Trong thế giới nơi anh ta tới, gợi một ký ức, xúc động trước một chân dung, rung cảm với âm nhạc chỉ còn là những dấu hiệu của một thời tiền sử dài và nhức nhối. Anh ta muốn hiểu. Những tật nguyền của thời gian, anh thấy chúng là một sự bất công, và với sự bất công ấy anh phản ứng như Che, như người trẻ những năm 60, với lòng phẫn nộ. Anh là người thuộc Thế giới thứ ba của thời gian. Ý tưởng về nỗi bất hạnh đã từng tồn tại trong quá khứ trên hành tinh mình khiến anh ta không chịu nổi, cũng như đói nghèo tồn tại trong thời của họ đối với họ (những người trẻ).
Anh ta hiển nhiên sẽ thất bại. Nỗi bất hạnh anh ta tìm ra không tác động tới anh cũng như đói khổ ở một nước nghèo là điều không hình dung nổi đối với trẻ em ở một nước giàu. Anh ta đã chọn rời bỏ những đặc quyền của mình, nhưng không từ bỏ đặc quyền là được chọn. Điểm tựa duy nhất cho anh ta chính xác là cái đã ném anh vào cuộc tìm kiếm phi lý này: một chùm nhạc của Mussorgsky. Những bài hát vẫn được hát trong thế kỷ 40. Ý nghĩa của chúng đã không còn, nhưng đó là lần đầu tiên anh ta nhận ra được sự có mặt của điều anh ta không hiểu, điều liên quan tới nỗi bất hạnh và ký ức mà anh ta phải hiểu cho bằng được, và về phía ấy anh bắt đầu bước chậm chạp và nặng nề.
Tất nhiên là mình sẽ chẳng bao giờ làm bộ phim ấy. Nhưng mình nhặt nhạnh những décor cho nó, nghĩ ra cho nó những bước ngoặt, đặt vào trong đó những tạo vật yêu thích, mà mình còn nghĩ cho nó cả một cái tên nữa, đó là những giai điệu của Mussorgsky: Không mặt trời.

To be continued...

No comments:

Post a Comment