Sans Soleil (1985) - Chris Marker - P.2
Anh từng viết cho tôi từ châu Phi. Anh phân biệt thời gian châu Phi với thời gian châu Âu, và cả thời gian châu Á nữa. Anh nói vào thế kỷ 19 loài người đã có khái niệm về không gian, và câu hỏi lớn của thế kỷ 20 là sự tồn tại song hành của các khái niệm thời gian khác nhau. Nhân tiện, bạn có biết là đã từng có đà điểu ở Ile de France?
Anh viết cho tôi rằng trên đảo Bijago, những cô gái trẻ được chọn chồng chưa cưới cho mình. Anh từng viết cho tôi rằng ở ngoại ô Tokyo có một ngôi đền thờ mèo. Tôi ước mình có thể cho bạn thấy vẻ đơn giản – không chút giả tạo - của hai người đã đến đặt một tấm gỗ chạm trong nghĩa trang mèo để cô mèo Tora của họ được bảo vệ. Không nó chưa chết, chỉ chạy đi mất thôi. Nhưng vào ngày nó chết sẽ không ai biết phải cầu khấn cho nó thế nào, can thiệp với cái chết thế nào để ông có thể gọi nó bằng tên thật được. Vậy là họ phải đến đó, cả hai người, dưới trời mưa, để làm lễ chữa lại nơi mạng thời gian đứt gãy.
Anh viết cho tôi: Mình sẽ mất cả đời cố gắng hiểu cách vận hành của sự nhớ, cái này không đối lập với sự quên, mà với sự nối dài. Chúng ta không nhớ, chúng ta viết lại ký ức như là lịch sử được viết lại. Làm sao ai đó có thể nhớ cơn khát thế nào?
Anh không thích nói về cái nghèo, nhưng trong mọi điều anh chỉ ra đều có 4 chữ F của hình mẫu Nhật Bản. Một thế giới đầy những kẻ rỗi hơi, những kẻ ngu muội, những kẻ bên lề xã hội và những người Hàn Quốc. Quá nghèo để mà mua thuốc phiện, họ say sưa bằng bia, bằng sữa lên men, Ở Namidabashi sáng nay, cách trung tâm thành phố hoa lệ 20 phút, một nhân vật trả thù xã hội bằng cách điều khiển giao thông ở ngã tư đường. Điều xa xỉ người ta có thể làm là một chai sake thật to trong số những chai kia được tưới trên những ngôi mộ vào ngày của người chết.
Mình đã trả một tuần rượu trong một quán ở Namidabashi. Một chỗ như thế cho phép mọi người nhìn chằm chằm lẫn nhau bình đẳng; một ngưỡng nơi mỗi người đều tốt như bất cứ người nào khác – và biết điều đó.
Anh kể cho tôi về Jetty ở Fogo, trên đảo Cape Verde. Họ đã ở đó bao lâu đợi tàu, kiên nhẫn như những hòn cuội nhưng cũng đã sẵn sàng nhảy? Họ là những kẻ lang thang, thuyền trưởng, những dân du lịch vòng quanh thế giới. Họ tự tạo qua lai giống ở đây trên những tảng đá mà người Bồ Đào Nha từng dùng cho các tuyến xe lửa thời đô hộ. Một dân tộc của hư vô, một dân tộc của trống rỗng, một dân tộc chiều thẳng đứng. Thật ra, bạn đã bao giờ nghe thấy cái gì ngu hơn việc nói với mọi người như người ta vẫn dạy trong trường điện ảnh là đừng nhìn vào máy quay chưa?
Anh từng viết cho tôi: Sahel không chỉ là cái còn lại được phơi bày khi đã quá muộn; đó là một miền đất khô hạn chảy như là nước vào một con tàu rò rỉ. Những con thú phục sinh vào lúc diễn ra lễ hội hóa trang ở Bissau sẽ lại hóa đá, ngay khi một đợt tấn công mới biến đồng cỏ thành sa mạc. Đây là một trạng thái sống còn mà những nước giàu đã lãng quên, với một ngoại lệ - bạn thắng rồi nhé – đó là Nhật Bản. Những chuyến đến và đi liên tục của mình không phải là một cuộc kiếm tìm những sự đối lập; đó là một hành trình đi tới hai thái cực của sống còn.
Anh nói với tôi về Sei Shonagon, nàng hầu của Công chúa Sadako vào thế kỷ thứ 11, dưới thời đại Heian. Chúng ta đã bao giờ biết khi nào lịch sử thực sự được tạo nên? Những nhà cầm quyền thao túng và sử dụng những chiến lược phức tạp để đánh lẫn nhau. Quyền lực thật nằm trong tay một gia đình của những người thừa kế; triều đình của hoàng đế trở thành một nơi chẳng qua chỉ là một thâm cung bí sử với những trò chơi trí tuệ mà thôi. Nhưng trong khi học cách vẽ ra một thứ an ủi hoài niệm từ việc nghiền ngẫm cả những cái nhỏ nhặt nhất, nhóm nhỏ những kẻ ngồi rỗi này đã để lại dấu vết trên tính nhạy cảm Nhật Bản sâu sắc hơn cả tiếng sấm tầm tầm của những nhà chính trị. Shonagon đam mê lập các danh sách: danh sách những thứ trang nhã, “những thứ cáu giận”, hay thậm chí là “những thứ không đáng làm”. Một hôm nàng nảy ra ý phác một dang sách “các thứ làm tim đập nhanh”. Mình nhận ra khi quay phim rằng đó không phải là một tiêu chuẩn tệ; mình cúi rạp trước sự thần kỳ của nền kinh tế, nhưng điều mình muốn cho bạn xem lại là những lễ kỷ niệm ở quanh vùng.
Anh viết cho tôi: Trở về qua eo biển Chiba mình nghĩ về danh sách của Shonagon, về tất cả những ký hiệu mà một người chỉ gọi tên ra để làm tim đập nhanh, chỉ có tên. Với chúng ta, một mặt trời không hẳn là một mặt trời nếu không tỏa sáng, và một mùa xuân không hẳn là mùa xuân nếu không tinh khôi. Ở đây nếu đặt các tính từ vào có thể sẽ khiếm nhã như là để quên mác giá trên quà vậy. Thi ca Nhật Bản không bao giờ biến đổi. Có một cách để gọi thuyền, đá, hơi sương, ếch, quạ, mưa đá, con diệc, hoa cúc, bao gồm tất cả những cái đó. Báo chí gần đây tràn ngập câu chuyện về một người đàn ông quê Nagoya. Người phụ nữ anh yêu chết năm ngoái thế là anh vùi mình vào công việc – phong cách Nhật Bản – như một người điên. Có vẻ như anh thậm chí còn khám phá ra cái gì đó quan trọng trong ngành điện tử. Rồi đến tháng Năm anh tự tử. Họ bảo anh không thể chịu nổi khi nghe ai nói tới từ “Mùa Xuân”.
Hơi thắc mắc về vụ cô mèo Tora: "ông" có phải là cái "ai" đó chôn cất Tora không bạn Trang ?
ReplyDeleteHi hi, vâng chị ạ, đúng là "ông" ấy đấy :D Mình lệch giờ em chẳng lúc nào gặp được chị nhỉ? Thật là không gian và thời gian kiểu Chris Marker :D
ReplyDelete