Thursday, August 6, 2009

Nam tước đã thăng về trời

1.
Sau một đời trên cây, Nam tước Cosimo MưaGiông xứ Rondo thế là đã tìm một cách chết nhẹ bẫng, cũng như cách sống đã chọn cho mình.

Một tiểu thuyết được viết ra để vui chơi nhưng hẳn là sẽ đeo đẳng nhiều độc giả lâu dài.

Những ai sống đời thông thường (hay tầm thường) sẽ tự hỏi và không thể tự giải thích vì điều gì mà một người có thể bỏ lại những tiện nghi để lao vào cuộc phiêu lưu bất tận ấy.

Những ai muốn thoát khỏi sự tầm thường sẽ đi tìm cho mình những giải đáp trong lý tưởng tự do hay cốt cách sống phóng khoáng hào hiệp tỏa ra từ bản chất bừng sáng của Cosimo, cho dù từng bị coi là điên khùng, vị Nam tước vẫn cố sống thật nhất với bản thân mình, và những độc giả này sẽ tiếp tục cố thoát khỏi sự tầm thường.

Có nhiều điều để nói về tiểu thuyết Nam tước trên cây của Italo Calvino, những thứ làm tôi tâm đắc gật lấy gật để. Tôi chỉ tiếc mình không đủ bút lực để mà phóng ra những liên tưởng, những tư tưởng những mặc tưởng những vọng tưởng những gì đấy nữa để biến những chia sẻ của tôi về tác phẩm này thành một cái gì hoàn chỉnh hơn có đủ tính thẩm quyền hay là cái gì từa tựa như phê bình văn học. (Tôi vẫn thường xuyên căm ghét bản thân ở cái khả năng diễn đạt hạn hẹp so với những cơn sung sướng ào ạt muốn thoát ra khỏi lồng ngực - thành những con chữ tử tế - để thông báo rằng một tác phẩm không làm tôi thất vọng)

Thế nên tôi không lần mò đối chiếu so sánh gạn lọc những tư tưởng lớn lao vĩ đại mà theo kiểu nhà trường học sinh/người đọc cần lĩnh hội từ các tác phẩm. Lần này tôi đọc cho bản thân nhiều hơn: sẽ soi chiếu vào những điểm tôi đồng tình, hay phản đối, và nhận ra vài chiều kích của bản thân mình, ít ra là ở thời điểm này.

Thế nên tôi sẽ chỉ rút tỉa vài chi tiết, chủ yếu là để sau này sẽ nhìn lại chính mình và tiếc nuối rằng mình cũng có một thời mơ mộng và ham hố dấn thân (cho dù vô cùng lưỡng lự ở đoạn dấn thân đi đâu :D), và có khi sẽ cả cười cợt cái thời cứ tưởng là mình hay hớm lắm :))


- Tại một thời điểm khoảng nửa sau quyển truyện, Cosimo đăm đắm nhìn theo con chó yêu lao vào mất hút trong đồng cỏ, nơi anh không thể vươn tới bởi ở đó không có cây. "Cosimo nhìn cánh đồng cỏ như thể ở đó anh có thể đọc ra điều gì đó day dứt trong lòng từ lâu nay: cái ý niệm về sự cách xa, về sự không thể vượt qua, về một sự trông đợi có thể kéo dài cả đời."
Ở ý này, tôi ôn lại bài học về sự hữu hạn mà có thời tôi không tin là tồn tại. Hữu hạn về khả năng con người, hữu hạn về cả những gì trừu tượng như là niềm tin, như vui mừng hay khổ đau, hay thời gian - tất nhiên là trong một hoàn cảnh cụ thể hơn: như là đời người chẳng hạn. Vậy thì, một nỗi day dứt không được thỏa nguyện có thể nào dai dẳng suốt khoảng hữu hạn đời người ấy, hay rồi cũng sẽ có lúc rời bỏ tôi, không phải do trí nhớ phản bội, mà, cũng như mọi thứ khác, vì tính hữu hạn của chính nó?

- Trong tình yêu của Cosimo và Viola tôi thấy có cái khắc khoải mà chắc tất cả những tình yêu lớn, vượt mức tầm thường đều vướng vào, và bởi thế nó không bao giờ dài lâu, cho dù không có cái gì gọi là thế lực đen tối vùi dập cả. Thế ra khi tình yêu giữa hai người quá mãnh liệt thì tất yếu là họ sẽ hủy hoại lẫn nhau?
Tôi cùng lúc mê đắm và sợ hãi cái ý tưởng "tất cả những nỗi bất thỏa và thất thường chỉ là một nỗi ám ảnh vô bờ trong việc làm lớn thêm tình yêu của hai kẻ không chấp nhận việc tình yêu này đã chạm tới đỉnh điểm".

- Đoạn kết là một trong những đoạn kết mà tôi ngẩn ra bần thần khi mắt lướt tới dấu chấm hết, rồi lại đọc lại cho tới dấu chấm hết lần nữa. Cũng giống như đoạn kết trong Moon Palace, cái dấu chấm ấy kết lại một tác phẩm nhưng mở ra một miền vô cùng cho đầu óc lại lật đật bay khỏi trang sách, cao hơn, rồi vút lên, miên man tới tận khi chợt nhận ra mắt mình sao lại nhìn chăm chăm bóng đèn tuýp trên trần làm gì thế này.
"Thị trấn BóngRâm không còn nữa. Nhìn trời trong, tôi tự hỏi, liệu nó đã từng thực sự tồn tại hay không. Cái lõm cành, chạng, thùy, khóm, li ti vô tận ấy; cái bầu trời chỉ thoáng đốm và vạt ấy, có lẽ đã đơn thuần có ở đó để anh tôi qua lại bằng bước chân chim sẻ ngô thanh thoát của mình: một sự dệt thêu trên chân không, giống những nét mực tôi nảy từ trang này sang trang khác, chằng chịt gạch xóa, hoãn chuyển, nguệch ngoạc bực dọc, vết đen, khoảng trống, khi thì tẽ bật ra các hột tròn to sáng sủa, lúc thì dồn tụ những hạt chấm li ti, hồi thì tự xoắn vào chính nó, chẽ nhánh, kết mạng với những câu viết nằm trong viền lá hoặc riềm mây và vấp víu và tiếp tục đan xen và một mạch một mạch và xổ ra và trùm lấy một túm rồ dại cuối cùng về ngôn từ, ý niệm, mộng mơ... và chấm hết."

Voilà. Không phải là tất cả những gì tôi thích về Nam tước trên cây. Tôi không muốn viết một quyển dày gần như thế để nói về cái quyển này. haha. Ba hoa chích chòe!!! Hương hoa thế thôi là đủ để ai thích thú những đoạn trích kia tìm đọc và cũng thích thú như tôi từng thích thú.

Tuy nhiên đây là một vài vết xước nhè nhẹ trong viên ngọc chuyển ngữ, không phải saphire kim cương thì cũng tầm mã não (có những chỗ thực sự rất rất ...ok):

- Thủy lực (trang 139) - tôi nghĩ "thủy lợi" mới đúng, vì trước sau đều nói tới việc tưới tiêu đất đai, chứ không hề dính dáng tới lực nào ở đây cả.

- Massimo GiỏiGiắn - cái này thì tùy tâm dịch giả và biên tập thôi, nhưng tôi quen với từ giỏi giang hơn :D Hay là vì đằng nào nàng Viola cũng chê cái tên này Cosimo đặt cho con chó là xấu xí nên cho xấu luôn thể? :))

- Cõi nát bàn (trang 166) - không biết là typo nhầm hay cố ý? Nếu cố ý thì hơi lạ vì chỗ này không buồn cười đến thế :D

- Kỵ binh nhẹ (trang 331) - Tôi đồ là nên dùng "khinh kỵ" chứ thế kia nghe nó sao sao ấy, không... chuyên nghiệp.


2.
Ngày mai là thứ 06 ngày 07 tháng 08 năm 09

Đặc biệt thế thôi rồi cũng chẳng để làm gì :)



6 comments:

  1. thủy lực chỗ đó hợp lý đấy chứ, nhưng cứ để chờ xem lại bản gốc nhá

    còn mấy từ kia thì các bạn hơi be bé và ít quan tâm đến vùng miền có thể thấy gợn, chứ hoàn toàn bình thường đấy. Anh Vũ Ngọc Thăng dùng giọng miền Nam từ đầu đến cuối mà

    chẳng hạn như "kỵ binh nhẹ" nhé: nếu cứ nhất nhất "khinh kỵ" thì khi nói "kỵ binh nặng" sẽ thế nào? thành "trọng kỵ à" :))

    ReplyDelete
  2. mình thấy thủy lực với thủy lợi phải khác hẳn nhau về ý nghĩa chứ nhỉ.

    bắt đầu đọc Chuyện người tùy nữ đê.

    ReplyDelete
  3. Thế đồng chí Quý béo này đọc CNTN chưa?

    ReplyDelete
  4. Hí hí ừ mình cũng hơi be bé và chưa (có cơ hội) quan tâm đến vùng miền thật cho dù có ra sức đọc sách giấy vàng. :D
    Nhưng mà chỉ có quân cưỡi ngựa và quân cưỡi ngựa nhẹ chứ có quân cưỡi ngựa nặng chứ nhỉ :)) em thấy trong thuật ngữ có khinh kỵ binh và kỵ binh thôi, mà đã thuật ngữ thì thường 100% Hán Việt hơn, có phải không? Hơi lạm bàn vì thực ra chẳng biết khỉ gì về quân sự.

    Anyway vẫn nhất nhất bảo lưu ý kiến về chuyện thủy lợi :D mặc dù không biết bản gốc nói gì hehe.

    Xong phần 2 Huynh Đệ của Dư Hoa (để còn trả cho bạn QB aka Quý béo) sẽ đọc CNTN vì ở quanh đây có nhiều bạn tung hô quá (such as bạn NL và bạn QB) :D Không thể để thua kém :))

    ReplyDelete
  5. kỵ binh nặng :))

    http://www.google.com.vn/search?hl=fr&q=%22k%E1%BB%B5+binh+n%E1%BA%B7ng%22&meta=&aq=f&oq=

    hoặc

    http://vi.wikipedia.org/wiki/Cataphract

    ReplyDelete
  6. hí hí... (cười ngượng nghịu) :D Merci beaucoup. :x

    ReplyDelete