Wednesday, November 6, 2013

Gần đây

Gần đây, sự đọc trở lại.

Xong xuôi
1. Bí mật của Naoko
Cứ vừa đọc vừa nơm nớp sợ kết dở. May quá là may cái kết xứng với một câu chuyện kỳ quặc ngay từ đầu. Truyện tưởng như không phải trinh thám mà lại rất chi trinh thám, giấu chi tiết quá là tốt đi, và tương cho độc giả một quả: đừng tưởng là nhà ngươi biết hết.
2. Sững sờ và run rẩy
Lần đầu đọc chị này vì vẫn nghĩ chị ấy thị trường (cũng không có nghĩa là xấu kém gì). Hoá ra là cũng không phải gu của mình thật, nhưng cũng chẳng phải là tệ.
3. Mùa thu của cây dương
Rất là Nhật, nhưng là Nhật kiểu phim Ghibli.
4. Totto-chan bên cửa sổ
Thì đã đọc lại đến lần 3 rồi còn gì. Vài năm nữa lại đọc lại.
5. Thang máy Sài Gòn
Ơ, cũng được. Nhưng chẳng có quyển nào bằng Chinatown.
6. To kill a mocking bird
Để đấy đến 6 năm mới mó vào. Biết ngay là hay mà. Giản dị. Đến cả đoạn cao trào cũng giản dị, kể lể thủ thỉ. Rồi lại dại dột đi xem phim sau khi đọc. Haiz.
7. Dạ khúc
Một bất ngờ thú vị. Cái tên rất có liên quan mà lại vẫn tránh được cho người đọc định kiến trước khi xong tác phẩm. Đọng lại là chua chát lửng lơ.

Dang dở
1. Chủ nghĩa tự do truyền thống - lương khô gặm dần.
2. Họp mặt - đang bỏ lửng vì nó trúc trắc khô khan sao sao đó. Hẳn là nguyên tác cũng khô lạnh như thế?!

Bắt đầu
1. Labyrinths
Excited.


Gần đây, nhịp tim của nó tăng từ 114 lên 158 lần/phút.
Dù trước đó có nhìn thấy tận mắt, thì nó vẫn như chưa hề tồn tại. Chỉ khi nghe thấy cái tiếng thình thịch kia, mới nhận thức được nó là một cơ thể sống.
Lúc ấy mới nghĩ ra, vì sao trong phim, nhất là phim kinh dị, khi sự sống của nhân vật bị đe doạ, 100% các bạn kỹ sư âm thanh đều lồng vào không lộ liễu thì tinh tế cái tiếng ấy: cái tiếng thình thịch phát ra từ máy siêu âm.
Lúc ấy mới nghĩ ra, cách thu tiếng tim đập cho phim hình như chỉ đơn giản là thế.
Lúc ấy mới thấy ôi chao là quý âm thanh.

Tuesday, July 9, 2013

Chẳng cơn cớ gì

1. Cuối cùng thì cháu nó tên là Nghe mùi kết thúc. Cũng ngồi ngoài sạp đã được độ một tuần. Ngoài "Sách giảm giá hết cỡ" hôm nay cậu bán hàng xinh giai bảo bán được lắm. (Thú thật là hôm trời mưa lướt thướt chủ nhật ấy đã tự nguyện ôm về chục cháu.) Thôi thì cũng mừng. Long đong tên tuổi một hồi rồi cũng xong.
Thật thà mà nói, cái tên rất chi khó chịu. Chẳng phải vì nó sai gì. Thậm chí nó còn sát nghĩa, bỏ qua chuyện thói quen dùng từ Nam/Bắc. Nhưng mà nó xấc. Giọng văn tác giả không thế. Cố mãi cho văn phong dịch chuyển được cả tông của tác giả, thế mà cái tên thì chợ búa.

2. Chẳng cơn cớ gì mà không ăn, không uống, không ngủ được. Chẳng thiết gì. Có thứ đang cố tẩu thoát khỏi cơ thể: Sắp sụt đến 4 cân trong 2 tháng. Mới thế mà đã tròn 2 tháng ở NHÀ.

3. Chẳng thiết gì.

4. Chẳng liên quan mẹ gì.



Bức này vẽ đã lâu lắm rồi. 2005. Một trong 2 bức ưng nhất. Điều buồn cười là tôi vẽ nàng không  có tóc. Nhưng thầy hướng dẫn ở xưởng - thầy dạy trường Mỹ Thuật Yết Kiêu thì phải - không bảo gì, chỉ cầm bút của tôi chấm thêm cho nàng búi tóc. Nhìn kỹ thì màu và ánh sáng búi tóc chẳng ăn nhập gì. Tôi mặc kệ, không thanh minh. Cũng kệ nó đấy, không sửa. Mỗi lần nhìn ảnh (tranh đem gửi chưa đòi được về) tôi lại khó chịu, nhưng không giải thích được vì sao hồi ấy cứ chấp nhận nó như thế.
Bây giờ vẫn cứ để nó như thế.
Nàng của tôi đầu trọc cơ mà.

Tuesday, June 18, 2013

Vẫn đang xoay


The lovers (1928) - René Magritte


100% vừa hư vừa cấu.

Nàng cầm lấy bàn tay tôi đặt lên đôi môi hé ra ngậm lấy ngón áp úp, nhột nhột một hồi tôi cứng người, nàng rút ra, nhổ xuống sàn đánh keng cái nhẫn lăn vào góc trong gầm giường thì phải.

Trong hơi thở gấp tôi vẫn nghe thấy nó đang xoay.






Monday, June 17, 2013

Le Grand Larousse viết gì về đàn bà?

Génital (tome VIII, p.1161)

Comment distinguer l'homme de la femme?
"Si l'on compare les organes génitaux des deux sexes, on trouve d'abord une différence frappante qui fait distinguer l'homme de la femme."

Femme (tome VIII, p.203)

Combien une femme vaut-elle d'hommes?
"Les nymphomanes sont insatiables; et tout le monde connait l'histoire de la célèbre Messaline qui, après avoir subi les embrassements de vingt-cinq hommes, était épuisée de fatigue, mais non rassasiée. Une femme vaut en moyenne, dans cette excercise, deux hommes et demi."

Khi nào lên cơn sẽ dịch ra :D

Wednesday, May 29, 2013

Mốc - Tặng tôi 30.

Mở ra cánh tủ. Quá khứ ngồn ngộn chất từ sàn tới nóc. Cái mùi đầu tiên táp vào mặt là mốc. Nó gây choáng váng tê liệt độ vài giây rồi lan tỏa luồn lách vào cơ thể qua khứu giác, xúc giác, thị giác, vị giác. Thính giác thì không. Nhưng mốc không phải là mùi quá khứ. Nó làm khuất lấp đi mùi quá khứ bởi nó quá mạnh. Khi đã hồi tỉnh định thần, từng món từng món hiện ra như những mảng miếng mozaic, chẳng ghép lại thành hình thù quái gì mà chỉ gây ngại ngần. Bắt đầu từ trên cao xuống. Những thứ treo trên mắc thường là những thứ gần hiện tại hơn cả và được đánh giá cao hơn cả phải không? Thế mà chẳng món nào ra gì. Cái món một thời hừng hực thì cũng đã kịp bạc phếch. Mới vài năm thôi chứ đâu xa. Thậm chí có cả món lãng đãng chiều thu Hà Nội còn chưa kịp làm gì với nó giờ cũng nhuốm mốc rồi. Đào bới xuống sâu hơn. Quá khứ trông thế mà ngăn nắp. Cứ bóc tách từng lớp một. Phát hiện ra nhiều món có cơ vớt vát. Phát hiện ra nhiều món chỉ muốn quên phắt là đã từng có, nhưng nó lại hiển hiện ở đó như trêu ngươi. Có lạ không khi mà những món tận cùng dưới đáy thậm chí còn không nhận ra nổi mối liên quan với bản thể hiện tại đang tần ngần trước cánh cửa tủ quá lâu không mở lại kia. Thế mà có thời nó đã là mình. Tuổi trẻ trong suốt. Tuổi trẻ sến sẩm. Tuổi trẻ ham muốn. Tuổi trẻ hững hờ. Tuổi trẻ hở hang. Tuổi trẻ diêm dúa. Tuổi trẻ đua đòi. Tuổi trẻ ngạo mạn. Tuổi trẻ ngu dại. Tuổi trẻ đắm đuối.


Vẫn còn nguyên. 

Được bảo quản bằng cái thứ mốc đánh bại mọi băng phiến và lavender khô khử mùi. 

Đem từng xấp ra xếp vào các túi. Có dăm món thuộc diện tiếc của giời. Còn đâu thì để giũ bỏ cả. Dọn lòng. Chưa xếp hiện tại vào nên thấy chống chếnh. Rộng rãi quá. Bản thể lúc này hẳn chỉ bằng một phần mấy trước kia. Rồi sẽ còn tiếp tục rút mãi rút mãi, cho đến lúc không còn gì nữa nhỉ?!
Cái hiện tại thì rất mềm và rất hoa, nhưng ngổn ngang. Nhìn mà sợ. 

Rồi có một ngày, hiện tại cũng sẽ nhuốm mốc. Lúc ấy lại dọn mình. Giờ thì treo một cái túi hoa thơm khác vào, bỏ một ít quá khứ vớt vát vào máy giặt quay tốc độc vừa vừa 600 vòng/phút cho hết mốc hết sến. Giờ thì xếp dọn hiện tại. Tương lai sẽ lại quay vòng như thế là cùng. Chu kỳ bao nhiêu năm? 

Vẫn chưa ngửi rõ ra mùi quá khứ là gì. Có khi chính là cái thứ oải hương kia đấy. Thế mới thấy mốc thật khủng khiếp đáng sợ. Bèn sức nước hoa.



Now and Then

Sunday, April 7, 2013

Thế thì, ví dụ, nếu Tony...

Thế là con nuôi mặt mũi tên tuổi thành ra thế này đây.



Con ngủ trong rừng hơi lâu. Chưa ra đến hiệu sách đã có bà mụ tiên đoán "khó bán" rồi :)) Thương quá là thương. Thế thì chịu khó "hớ hênh lộ hàng" một tí cho bằng chị bằng em vậy :D

Cảm ơn đồng chí giới thiệu con cho mà nhận nuôi :p



"Mức độ quan tâm của các thầy dành cho cậu ấy lớn hơn của chúng tôi. Họ phải xem xét trí thông minh và ý thức kỷ luật của cậu ấy, liệu xem trước kia cậu ấy đã được dạy dỗ tốt đến mức nào, xem là cậu ấy có thể hiện “tố chất học thuật” hay không. Vào buổi sáng thứ ba kỳ học mùa thu năm ấy, chúng tôi có giờ lịch sử với thầy Joe Hunt Già, nhã nhặn nhưng giễu cợt trong bộ com lê đầy đủ lệ bộ, một ông thầy có hệ thống kiểm soát dựa vào việc giữ sao cho sự buồn tẻ chỉ ở mức vừa đủ chứ không đến độ quá đà.“Chắc các trò còn nhớ được rằng tôi đã yêu cầu các trò đọc trước về triều đại Henry VIII.” Colin, Alex và tôi liếc nhau, hy vọng câu hỏi sẽ không bị bất chợt quăng ra, như con mồi của ngư ông, để rồi đậu lên đầu một trong mấy thằng tôi. “Ai muốn trình bày về đặc điểm của thời kỳ này?” Ông tự rút ra kết luận từ những ánh mắt tránh né của chúng tôi. “Nào, có lẽ là Marshall chăng. Cậu sẽ mô tả triều đại Henry VIII như thế nào?”
   Nỗi nhẹ nhõm của chúng tôi còn lớn hơn cả sự tò mò, bởi Marshall là cái thằng chẳng-biết-gì mà lại thận trọng, nó còn chẳng có khả năng bịa đặt của kẻ dốt nát thực thụ. Nó tìm kiếm tính phức tạp có khả năng ẩn ngầm đâu đó trong câu hỏi trước khi định vị câu trả lời.
   “Có sự bất ổn, thưa thầy.” Bùng lên một cơn cười nhịn không nổi; đến thầy Hunt cũng suýt mỉm cười. “Có thể nào trò vui lòng phát triển chi tiết hơn chăng?” Marshall chậm rãi gật đầu đồng ý, nghĩ lâu hơn một chút, và quyết định là không phải lúc để mà thận trọng. “Trò muốn nói là có một sự bất ổn kinh khủng, thưa thầy.” “Thế còn Finn. Trò có rành thời kỳ này không?” Cu cậu mới vào ngồi ở hàng ghế phía trên, bên trái tôi. Cậu ta chẳng có phản ứng rõ rệt nào trước những lời ngốc nghếch của Marshall. “Trò sợ là không hẳn, thưa thầy. Nhưng có một dòng tư tưởng mà theo đó điều ta có thể thực sự nói về bất cứ sự kiện lịch sử nào - thậm chí cả việc Thế chiến thứ nhất bùng nổ, ví dụ thế - đó là ‘có chuyện gì đó đã xảy ra’.”
   “Thật thế sao? Chà, điều này có thể làm tôi thất nghiệp ấy chứ, phải không nhỉ?” Sau lác đác những tiếng cười nịnh nọt, Joe Hunt Già tha thứ cho cái sự lười nhác sau kỳ nghỉ hè của lũ chúng tôi và nhồi cho một bài ù tai về vị vua đồ tể đa thê1 này.
   Lúc nghỉ giữa giờ, tôi đi tìm Finn. “Tôi là Tony Webster.” Cậu ấy nhìn tôi nghi ngại. “Đối đáp với thầy Hunt khá lắm.” Cậu ấy như thể không hiểu tôi đang có ý nói tới chuyện gì. “Về chuyện gì đó xảy ra ấy mà.”
“Ờ. Đúng. Tôi khá là thất vọng vì ông ấy chẳng muốn tiếp tục.” Tôi không ngờ là cậu ấy lại nói vậy. Có một chi tiết khác tôi còn nhớ: ba thằng tụi tôi, như một biểu tượng gắn bó, thường hay đeo đồng hồ quay mặt vào cổ tay trong. Chỉ là một trò màu mè điệu bộ, tất nhiên, nhưng có thể còn có cái gì đó hơn thế nữa. Trò ấy tạo cảm giác như thời gian là thứ gì đó thật riêng tư, thậm chí còn là một thứ bí mật. Chúng tôi những tưởng Adrian sẽ lưu ý cử chỉ ấy và hùa theo; nhưng cậu ấy đã không làm vậy."

Trích "Thế thì, ví dụ, nếu Tony..." (The sense of an Ending - Julian Barnes)
Nghiêm Quỳnh Trang dịch. 

Tuesday, April 2, 2013

Dự ra mắt sách ở Paris

Chuyện cũ rồi. 2 tuần trước cũng đã là cũ lắm. Mỗi giây mỗi phút đài báo mạng facebook đều đầy những tin giật gân. Thế mà vẫn cứ nhớ láng máng cái hôm đấy.

Cái buổi ra mắt sách ấy cũng như các buổi ra mắt sách khác (dù thật thà mà nói chưa được dự nhiều lắm): cũng có phần đọc đoạn trích, phần hỏi đáp, phần ký cọt và phần tiệc nhẹ cùng những lượt tạt ra ngoài giời phì phèo hóng hớt - đây luôn là đoạn hấp dẫn hơn cả, đặc biệt là khi các nhà văn nam đều nghiện thuốc nặng :)) Bây giờ có mấy ai ăn trầu! Muốn chộp được những phát ngôn không chính thức của người nổi tiếng thì đừng có mà bỏ thuốc lá :))

Tiện thể, 3 nhà văn ra mắt sách hôm ấy là Thuận, Đỗ Kh. và Nguyễn Việt Hà, cùng với sự góp mặt của người dịch T. mất tích và Cơ hội của Chúa sang tiếng Pháp - chị Đoàn Cầm Thi.


Lại tiện thể: Anh Hà thông minh như truyện của anh, nên em đành bỏ những 10 euros mua một quyển Con giai phố cổ. Hic. Còn Đỗ Kh. thì trông giống hệt thầy Didier gốc Việt dạy mình Cinematography hồi ở trường. Thầy hình như không nói tí tiếng Việt nào. 

Về sách: 2 quyển dịch thì thôi, vì chẳng định đọc bản dịch (mặc dù cũng hơi tò mò). Còn Khmer Boléro thì (đoạn trích) hài hước có duyên và trần trụi. Hình như văn Đỗ Kh. trong tiếng Việt cũng vậy? Đọc ít không đủ kết luận.


À nhưng mà mình định kể chi tiết này cơ:

Đi dự giới thiệu sách, hay bất cứ cái gì mà có phần hỏi đáp, thì đều có 2 loại người: loại không hỏi, và loại hỏi. Trong loại hỏi lại có 2 loại nhỏ: loại có cái mà hỏi và loại chẳng có gì để hỏi. Loại cuối cùng thì thường nói 5 phút xong quên mình định hỏi gì.

Hôm ấy, chẳng có câu hỏi nào đặc biệt hay. Thế nên mình chỉ nhớ 2 câu, đặc biệt buồn cười. Mình chẳng ghi âm, cũng không ghi chép, nên là nhớ đại ý thôi.

1. (của 1 em du học sinh Việt Nam HÀ NỘI GỐC gửi chị Đoàn Cầm Thi)  Em bảo em đọc Cơ hội của Chúa lâu lắm rồi. Bằng tiếng Việt. Cũng không nhớ cụ thể lắm, nhưng mà thích mê. Em bảo em thích cái không khí rất Hà Nội không đâu có được mà anh tái tạo trong truyện. Em Hà Nội nên em biết. Xong em quên em định hỏi gì. Nghĩ một tí em bèn bảo, thế thì chị dịch giả không sống ở Hà Nội, làm thế nào chị dịch (nổi) cái không khí đặc biệt ấy?

2. (Của một quý bà tóc bạc người Pháp, đồ là Parisienne :)) Quý bà hỏi, tại sao tại sao, tao về Việt Nam, không ai nói tiếng Pháp nữa? Tại sao lại có thể như thế?

Câu chuyện đến đây là hết. Xin thân ái chào các bạn.


Look what they've done to Notre-Dame when she turns 850 years old.

Monday, March 11, 2013

Black mirror - QUỐC CA

Đây là phim truyền hình nhiều tập lạ lùng nhất tôi từng xem.
1. Gọi là TV series - phim truyền hình dài tập, nhưng 2 năm mới có 1 season (mùa), mỗi season chỉ có 3 tập, mỗi tập là một câu chuyện độc lập, hoàn chỉnh và có một tên riêng. Tất nhiên là tất cả các tập đều có một tư tưởng chung liên quan tới "black mirror" và công nghệ thông tin/sci-fi.
2. Mỗi tập là một nỗi ám ảnh, là một hình ảnh phản chiếu mặt tối của con người, cả ở góc độ cá nhân lẫn tập thể. Tất cả tổng hợp thành một tấm "gương đen" lớn cho thấy cái không ai muốn thấy ở bản thân mình. Hẳn là mỗi tập đều hay ở cùng một điểm: những ý tưởng bất cứ ai cũng có thể từng chợt nảy ra trong tiềm thức hoặc một chuyện đã từng đọc được ở đâu đó giờ được kể bằng một ngôn ngữ điện ảnh hiện đại, rất Anh, vừa siêu thực, phi lý vừa drama đến tận cùng.

Season 1 được làm năm 2011, có ba tập: The National Anthem, Fifteen million merits, The entire history of you.

The National Anthem (Quốc ca) nói về bi kịch của ngài Thủ tướng khi một công nương trong hoàng tộc bị bắt cóc. Kẻ bắt cóc ra điều kiện duy nhất là phải truyền hình trực tiếp toàn quốc cảnh Thủ tướng giao cấu với một con lợn.
Tất nhiên, câu chuyện có những nút thắt như mọi tác phẩm điện ảnh được làm tử tế, dẫn dắt người xem hồi hộp theo dõi xem Thủ tướng sẽ làm thế nào, và cuối cùng cái việc khủng khiếp kia có xảy ra không. Nếu phim chỉ có thế thì đơn giản quá. Một tứ truyện gây sốc và cách kể khéo léo không đủ để trở thành ám ảnh. Nếu khán giả chỉ trông chờ có thế, thì chính khán giả cũng như người dân trong cái phim ấy được trưng cầu ý kiến, cho rằng Thủ tướng nên đáp ứng yêu cầu kẻ bắt cóc, vì Thủ tướng thì dân có thể thay được, chứ không có công nương làm sao dân có thể sống nổi. Nếu khán giả chỉ thấy được đến thế, thì họ cũng chẳng khác những người dân cho dù được cảnh báo tắt tivi nhưng vẫn mở to mắt hào hứng hơn xem một trận bóng đá, để nhìn tận mắt một con người bị hạ nhục xuống bằng con lợn.
Như vậy, ý nghĩa của phim hoàn toàn nằm ở chỗ khác.
Nỗi ám ảnh đeo bám không phải ở cái ý tưởng khủng khiếp của kẻ bắt cóc. Phim Deliverence (1972) cũng ghê rợn kiểu ấy, có cái đoạn khiến ai đã xem phim không thể quên được câu thoại "I bet you can squeal like a pig. Weeeeee!". Trong The National Anthem, nỗi ám ảnh lại là hình ảnh người dân chăm chú xem cái cảnh mất nhân tính kia trên TV. Trực tiếp. Toàn quốc.
Khán giả hẳn phải soi vào những người xem ấy mà tự hỏi, cái gì mất nhân tính hơn? Liệu vô tình mình đã từng như đám đông ấy bao giờ trong đời?
Xem đoạn quay chậm dân tình xem truyền hình trực tiếp này, nghĩ tới cái tên phim mới thấy trông họ không khác gì đang hát quốc ca.
Tôi nghĩ, phim này còn đặt ra nhiều vấn đề rất đương đại khác nữa, ví dụ như khủng bố (terrorism) bằng internet và các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng nghĩa "terror", ý chí cá nhân vs. ý chí đám đông, giá trị thực vs. giá trị ảo, v.v...

Không có nhiều thứ để nói về hình ảnh trong The National Anthem. Phim được quay kiểu tài liệu: máy cầm tay/vác vai/steadycam. Nội dung đã quá absurd và nặng rồi nên hẳn không ai xem để thưởng thức các màn quay đẹp. Phim này cũng có "black humor"- "hài thâm" kiểu Anh. Nhưng nhìn chung thì nó đau đớn vô cùng.

Vì thế nên nói về tập sau vào một lúc khác vậy. 


PS: Các bạn "đế quốc" Anh thật hay ho. Các nhà làm nghệ thuật tha hồ lôi hoàng tộc và Thủ tướng (được đổi tên, tất nhiên) ra làm đối tượng sáng tác mà không ai bị bỏ tù. Yêu các bạn Anh quá đi mất.

Ảnh "mượn" trên internet.

Tuesday, February 12, 2013

Người cũ - hay là - Love/Hate relationship with Facebook :))

Những người cũ cứ dần dần hứa hôn, lấy vợ và có con
Dù có facebook hay không facebook
Mình hạnh phúc, người ta cũng đang khoe hạnh phúc
Phải mừng quá đi ấy chứ, sao không?

Những người cũ cũng nối nhau lấy chồng
Đổi dần relationship thành married
Có người thậm chí đã kịp divorced
Đến là rối tinh cả cái profile

Những người cũ nếu có gặp ngày mai
Liệu có kéo dài được dăm ba câu chuyện
Liệu có hàn huyên như chưa hề biền biệt
Ví dụ như là: Hôm qua có chuyện gì mà status buồn thiu?

Chẳng có nút refresh nào cho những người cũ đâu
Cửa sổ màn hình thì lúc nào chẳng mở
Cứ ngồi trong đấy mà nhìn ra đây nhớ
Like với chả comment.




PS: Thiệt tình, cái bài này lấy hứng từ Đề đô thành Nam Trang của cụ Thôi Hộ. Mặc dù tác phẩm  xuất bản trước, cảm hứng mới bỗng nhớ ra sau :))


Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.