Sunday, December 9, 2012

Boardwalk Empire - It's too good not to write about






Đấy là khi ta nghĩ về Boardwalk Empire.

Ta vừa xem hết season 3 mấy hôm trước. Quá choáng ngợp để mà viết ngay, nhưng không viết thì đúng là không chịu được.
Ta vẫn thường ghét phim truyền hình dài tập. Từ xưa tới nay vẫy vậy. Nhưng 2 năm gần đây, quan điểm của ta thay đổi, hẳn cũng một phần nhờ quan điểm của người làm phim truyền hình thay đổi vô cùng. Có lẽ không ngoa nếu nói, những năm 2000 - 2012 là thời kỳ trở lại ngoạn mục của phim truyền hình (Tạm chỉ nói tới Anh-Mỹ thôi nhá).
Những phim khiến ta đủ thích để xem không bỏ sót tập nào:
- Sherlock (Anh)
- Misfits (Anh)
- Planet Earth (Anh - phim tài liệu dài tập BBC)
- The Big Bang Theory (Mỹ - WarnerBros TV sản xuất - Sitcom duy nhất hay ho khi Friends đã quá lỗi thời)
- Dexter (Mỹ - Showtime sản xuất)
- Game of Thrones (Mỹ - HBO, diễn viên Anh, Mỹ lẫn lộn)
- Band of Brothers (Mỹ - HBO)
- Boardwalk Empire (Mỹ - HBO)

Trong danh sách những phim truyền hình dài tập hay nhất của IMDB còn nhiều bộ điểm cao lắm lắm nhưng thời gian đâu mà xem. Chừng kia là đã quá nhân nhượng cho TV show rồi còn gì.

Quay lại Boardwalk.
Đây là minh chứng cho việc thay đổi tư duy làm phim truyền hình: Tập pilot do Martin Scorsese đạo diễn tốn kém 18 triệu đô la. Riêng cái phần trường quay Boardwalk, tức là con đường lát gỗ trải dài dọc bờ biển Atlantic City (dài 91m) cũng đã ngốn 5 triệu đô rồi.
Như vậy nghĩa là gì? Là các nhà sản xuất không làm phim truyền hình để chiếu trên vô tuyến truyền hình. Họ làm như làm phim chiếu rạp. 60 phút một tập được trau chuốt quay bằng phim 35mm (rồi thêm grain giả 16mm cho đẹp) như để ra rạp chiếu màn hình trung bình 9m x 21m, xong rồi chiếu chất lượng HD trên TV và bọn pirate (Hello everyone!) lôi lậu xuống xem bằng màn hình máy tính.
Thật là tiếc của. Nhưng mà thôi, đấy là chuyện khác.
Bỏ qua tiền nong và những khoản đầu tư kỹ thuật, hiển nhiên việc Martin Scorsese mặc định phong cách, hình ảnh, diễn viên mọi thứ mọi thứ... cho Boardwalk, lại còn đồng sản xuất, đã bảo đảm là phim hẳn phải classy - "chất". Mà chất thật. Sau đó, các đạo diễn khác cứ thế mà làm thôi.

Kịch bản Boardwalk Empire do Terence Winter viết dựa trên phần nói về thời kỳ cấm rượu những năm 1920 ở Mỹ trong cuốn sách phi-hư cấu Boardwalk Empire: The Birth, High Times and Corruption of Atlantic City của Nelson Johnson. Phim xoay quanh nhân vật Enoch "Nucky" Thompson - mô phỏng nhân vật chính trị gia kiêm gangster có thật tên "Nucky" Johnson khét tiếng thời kỳ này.

Lại nói chuyện phim truyền hình: nó còn có lợi thế về đằng kể chuyện, ấy là khai thác nhân vật triệt để. Từ nhân vật phụ cho tới chính và rất chính, khán giả cùng họ trải qua nhiều biến cố, thấy được nhiều bộ mặt ở cùng một con người, để mà thích, để mà ghét, và đặc biệt là vừa thích vừa ghét đồng thời. Cái thứ phức cảm này khó có được hơn nhiều cho đều cả một dàn nhân vật trong phim truyện dài 1 tập. Ví dụ điển hình là Lawless: Jessica Chastain thủ vai Maggie Beauford rất hay, nhưng ít đất diễn quá, câu chuyện tập trung vào 3 anh em nhà Bondurant nên khán giả thấy tiếc tiếc là không được xem cô tỏa sáng lâu hơn.

Boardwalk có một dàn diễn viên thật (có từ gì khác đỡ sáo hơn từ này?) hoàn hảo. Hoặc ít ra thì toàn là những người ta hâm mộ. Kể ra thì dông dài vì ai cũng hay, nhưng một vài điển hình gọi là:
 - Steve Buscemi - Enoch "Nucky" Thomson
- Michael Shannon - Nhân viên cảnh sát Nelson Van Alden
- Stephen Graham - Al Capone
- Michael Stuhlbarg - Arnold Rothstein
- Kelly Macdonald - Margaret Schroeder
- Michael Pitt - James "Jimmy" Darmody

Steve Buscemi không giống như nhân vật có thật kia - thủ quỹ (county treasurer) hạt Atlantic - chủ khách sạn, sòng bạc, nhà thổ, nhà băng - về mặt hình thức. Ông "Nucky" Johnson có cái vẻ tròn trịa ông chủ của Bố già Mafia. "Nucky" Thompson của Buscemi có cái vẻ hào hoa, phóng túng, tinh tế, châm biếm đi kèm với lạnh lùng, ganster đẫm máu, một kẻ gian hùng được ta mến mộ. Nhân vật này là trung tâm tất cả: ông thao túng chính trị, ông điều hành bọn gangster rượu lậu, ông cứu vớt người này, ông giết chóc kẻ khác. Khi ông im hơi lặng tiếng tìm cách lấy lại vị thế lúc bị đối thủ truy lùng triệt hạ, cánh báo chí xúm vào phỏng vấn thị trưởng thành phố về ông. Ngài thị trưởng phán "Nucky Thompson không quản lý thành phố này-- Tôi đấy chứ," thế là ngài bị cười một trận đến độ bỏ chạy mất cả micro.
Steve Buscemi trước giờ toàn đóng những vai hoặc nhỏ, hoặc nhảm. Mấy phim hay ho nhất và các vai to nhất đã đóng chắc chỉ loanh quanh Fargo, Big Lebowski, Reservoir Dogs. Xem những phim ấy, ta không hiểu vì sao nghiệp ông không phất. Thì đây: chính Boardwalk mới đưa ông lên vị trí xứng tầm. Nhưng mà cũng già phết rồi đấy. Kiểu của ông này là gừng càng già càng cay, cay xong rồi không biết có đóng được lâu lắm nữa không.

Michael Shannon - một lần nữa lại đóng một vai mà người bình thường sẽ cho là không bình thường. Anh từng được đề cử Oscar cho diễn viên phụ xuất sắc nhất trong Revolutionary Road (Sam Mendes), vai John Givings - cậu con tâm thần của hai ông bà già chủ nhà cũ của hai vợ chồng Wheeler (Kate Winslet và Leonardo DiCaprio). Trong Boardwalk, Shannon nhận một vai phụ hư cấu, nhưng đủ đất phát triển, từ season 1 đến season 3 (và chắc còn tiếp nữa vì tuyến nhân vật quá ư là hứa hẹn), một anh nhân viên cảnh sát cứng nhắc, cổ hủ, mộ đạo thái quá, có một vợ già ở quê không có khả năng sinh con. Van Alden mang niềm tin sắt đá vào luật pháp, nhiệt tình chống rượu lậu, như con chó săn thấy đời chỉ có nghĩa khi theo đuổi điều tra nhằm vạch tội "Nucky" Thompson. Từ phần một, theo dòng đời xô đẩy như sóng Đại Tây Dương dạt những chai rượu lậu vào bờ, Van Alden phải đối mặt với những tình huống không bao giờ anh ta tính cho đời mình. Và viên cảnh sát kiêm con chiên ngoan đạo một hồi bỗng hóa thành tay bán rượu lậu. Trong tiểu thuyết hay phim, con người ta dĩ nhiên là phải thay đổi, cách này hay cách khác, nếu không thì ai thiết xem nghe đọc.(Nguyên tắc số 1 của nghệ thuật kể chuyện. Các bạn Mỹ phán vậy) Nhưng cách anh ta kháng cự, việc cá tính anh-ta chọi với những tình huống dở khóc dở cười bước đường cùng mới là cái thú khi xem, khi đọc, chứ không phải là liệu người-xem-chúng-ta có đoán trúng những khúc ngoặt ngã rẽ của câu chuyện hay không. Và Michael Shannon biến Van Alden thành một vai không hề phụ, ở điểm: chúng-ta cũng hồi hộp muốn biết rồi đời anh-ta sẽ đi về đâu, y như sốt ruột xem phần 4 sắp tới ông trùm "Nucky" Thompson không-còn-cài-bông-cẩm-chướng-đỏ-trên-ve-áo sẽ hành xử với đời khác với ông "Nucky" cẩm-chướng-đỏ thế nào.

Stephen Graham, khi anh xuất hiện lần đầu trong phần đầu, vai Al Capone, ta đã thấy háo hức. Cái anh chàng lùn một mẩu, nhìn mặt đã thấy buồn cười này số cũng đen, chưa khi nào được đóng vai tử tế trong các phim lớn. Có mấy vai rất hợp kiểu: This is England (không thể không xem - một kiểu La Haine với chất Anh đặc sệt), Snatch (đóng cùng Brat Pitt. Phim Mỹ nhưng hài rất Anh, Guy Ritchie đạo diễn mà, cười sái quai hàm), ngoài ra có cả Gangs of New York là đáng kể. Pirate of Caribbean thì không chấp.
Al Capone là một trùm ma túy có thật, tiếng tăm còn lẫy lừng hơn cả "Nucky" Johnson, một gangster thứ thiệt thao túng thế giới ngầm Chicago và Cicero, lên đời cũng nhờ có luật cấm rượu những năm 1920. Stephen Graham vào vai Al Capone khi còn trẻ, mới đang lên dần từng nấc thang quyền lực. Mọi tố chất gangster đều đã bộc lộ, theo cái kiểu rất ngộ nghĩnh, nhưng có lẽ người ta thích vai Al Capone-ông-bố nhất - dù chỉ thoáng qua, và trái tim nào hẳn cũng phải chùng khi anh ta chơi đàn và hát cho cậu con trai nhỏ tuổi bị điếc "nghe". Ta cũng không ngại mà tự nhận rằng đã rỏ vài mili-lít nước mắt. Ôi mấy tay đạo diễn ấy thật là tài, nhẹ nhàng chẳng phải gắng gượng gì, chẳng bù cho MasterChef Mỹ tập nào cũng ép cho người chơi lẫn người xem khóc rào rào là khóc. Xong rồi, thích quá cái lúc Al Capone ông-bố trở lại là Al Capone xã-hội-đen đưa "quân" tới viện trợ "Nucky", mặt cười cười tỉnh bơ: "I need a bath and some chow and then you and me sit down. And we talk about who dies, eh?" (Tôi cần tắm và cái gì đấy tọng vào mồm đã rồi ông với tôi ngồi xuống. Ta sẽ bàn xem ai chết. Được chứ hả!)

Phù phù, dài quá mà vẫn chưa thấy viết được cái gì thế này. Thế nên 3 người còn lại thì thôi khỏi.

Lại tóm, về truyền hình dài tập: (spoiler trầm trọng)
- Boardwalk có cái cách pha trộ hư cấu vào chuyện thực rất ngọt: các nhân vật hư cấu đều khiến cho các tình tiết lắt léo, hấp dẫn, tác động qua lại cùng với các nhân vật theo hơi hướng tả chân giúp bộc lộ tính cách các cá nhân và thúc đẩy câu chuyện phát triển. Có mấy nhân vật hư cấu có vai quan trọng nhưng vẫn chết thảm lẫm liệt không thương tiếc. Cái mạnh tay với nhân vật kiểu ấy hình như cũng là đặc điểm mới của phim truyền hình mới: Đừng tưởng tôi có vai chính thì tôi không chết ngay giữa phim nhé. Chiêu này không chỉ làm tăng kịch tính bằng cách phá tan định kiến kiểu kể lể truyền thống (cũng giống như là good guy với bad guy bây giờ không việc gì phải rạch ròi rõ ràng), thêm twists and turns khúc ngoặt ngã rẽ mà còn, chắc vậy, để nói về cái chết - và về những người sống sau khi ai đó chết đi. Không hề dễ, nhất là khi ai đó đã "diễn" đủ lâu để người xem đầu tư nhiều tình cảm vào vai này, nhưng một khi hợp tình hợp lý, dù là đau đớn, thì cái hiệu quả cảm xúc ấy lại lớn vô cùng. Nhiều khán giả mê Jimmy Darmody (Michael Pitt - đóng Dreamers ta rất thích của Bertolucci) quá đến nỗi làm bao nhiêu là clip hay cũng có mà sến cũng có trên youtube để tưởng nhớ nhân vật đã ra đi cuối seasson 2.

Tóm nữa thế này:
- Boardwalk có vẻ tham vọng trở thành một epic. Dù sao thì cũng về cả một thời oanh liệt của nhiều người máu mặt chỉ vì cái luật cấm rượu ngu ngốc cho vài cá nhân được lợi kia (Cái gì cấm thì bao giờ cũng có một số ít người ăn trên ngồi chốc hưởng lợi). Boardwalk có tầm vóc một epic. Từ hai phần đầu, các mối quan hệ gia đình, xã hội, chính trường đan chéo làm nên bức tranh toàn cảnh những năm đầu thời kỳ ấy, dần dần sang phần ba, những cuộc lên voi xuống chó của ông trùm "Nucky"đẩy dần câu chuyện sang hơi hướng gangster máu me chém giết khốc liệt. Rồi những sự vụ giật dây chính trị cũng lộ ra, cho thấy "Nucky" cao tay thế nào, "dùng mồi to để bẫy cá to", thâm thúy giống mấy ông trong truyện Tàu, ví dụ như... Tào Tháo.

Còn quá nhiều thứ để nói về Boardwalk, Nào thì các ẩn dụ, các chủ đề, các cặp mâu thuẫn, nào thì nam tính, nào thì nữ quyền, rồi thì thời trang 1920s và khâu thiết kế mỹ thuật, nào thì quay phim nào thì ánh sáng (theo trường phái nghệ thuật Ashcan), lại còn lời thoại, lại còn âm nhạc đậm chất Jazz những năm 20 cùng với rock đương đại v.v...

Trong lúc chờ phần 4 thì ta mời ta nghe tạm cái này



Làm cái gì rất ngắn đã khó, làm cái gì rất dài càng khó hơn. (Tất nhiên, chỉ đúng về những thứ tử tế.)






2 comments:

  1. Chị cũng rất thích phim này, nhân vật Nucky cho cảm giác một cái gì quý giá bị gãy vụn. thích cả Jimmy, đẹp trai thế không biết :))

    ReplyDelete
  2. hihi Anh bồ cô vợ Nucky cũng đẹp chị nhỉ. Kiểu trai lơ :))

    ReplyDelete