A separation của đạo diễn, biên kịch kiêm nhà sản xuất Asghar Farrhadi suốt một năm qua đã đi qua bao nhiêu liên hoan phim và giải thưởng danh giá của thế giới và đã vinh dự mang về cho tác giả, và cho cả Iran, rất nhiều những “xuất sắc nhất” và những “lần đầu tiên”, trong đó có đề cử kịch bản gốc xuất sắc nhất và Tượng vàng Oscar cho phim nước ngoài xuất sắc nhất, giải của Viện hàn lâm Điện ảnh Hoa kỳ lần thứ 84. Lý do thành công của bộ phim, cũng chính là nhận xét chung rất mực đồng thuận của giới phê bình, chính là bởi A separation không chỉ là chuyện của gia đình Nader và Simin, cũng không về một Iran đặc thù như thế giới vẫn biết, mà đó là câu chuyện của cuộc sống quanh ta cho dù bạn là ai và ở đâu trên thế giới này.
Phim bắt đầu bằng cảnh vợ chồng Nader (Peyman Moadi) và Simin (Leila Hatami) thuyết phục tòa cho ly dị, bởi Simin muốn chồng chị và con gái 11 tuổi Termeh (Sarina Farhadi, con gái đạo diễn) cùng ra nước ngoài sinh sống vì tương lai cô bé, còn Nader không thể bỏ lại người cha già mắc bệnh Alzheimer. Hơn nữa anh nhất định không cho Termeh theo mẹ. Tòa bác đơn với lý do mâu thuẫn quá nhỏ. Hai bên đành ra về và Simin chuyển về nhà cha mẹ đẻ của cô. Cuộc ly thân bắt đầu, Nader buộc phải thuê Razieh (Sareh Bayat) giúp việc nhà và trông người ốm khi anh đi làm, và không may là từ đó nó kéo theo không biết bao nhiêu là rắc rối cho gia đình anh, cho gia đình Razieh. Bằng cách kể chuyện theo tuyến tính thời gian, những lời không được nói dần hé lộ khi các mâu thuẫn được đẩy dần tới cao trào.
Một không khí căng thẳng từ cảnh sang cảnh. không rõ mọi chuyện bắt đầu từ đâu, các nhân vật cứ quẩn quanh trong mối tơ vò của cuộc sống thường ngày, áp lực công việc, cuộc sống gia đình, ràng buộc tôn giáo, những trăn trở đi hay ở, tái hợp hay chia ly. Dưới vỏ bọc của cái mới đầu ta cảm tưởng như số phận an bài, chuỗi những sự việc xảy ra từ cuộc ly thân, tới cô giúp việc bụng mang dạ chửa đi làm trả nợ giúp chồng, tới lòng yêu con và thương người cha già lẫn cẫn của Nader, tới ước mơ đổi đời cho con của Simin dẫn tới mất mát đau đớn của cả hai bên… đều do số phận, hai đứa trẻ ngây thơ và một ông già không có trí nhớ, những kẻ buộc phải đặt đời mình vào tay người khác cũng là số phận. Nhưng số phận không phải là điều đạo diễn muốn nói. Liệu có ai đó đáng phải đứng ra chịu trách nhiệm cho mọi chuyện đau buồn xảy ra ở đây? Họ dường như đều có lý do chính đáng cho mọi hành động, mọi phản ứng của mình trước rắc rối họ bị đẩy vào. Vậy thì tất cả là vì đâu?
Những lời không được nói do lòng tự tôn thái quá của cả Nader lẫn Simin, thứ dường như đã góp phần đẩy họ xa dần nhau ra trước cả cuộc ly thân. Khi Simin trở về thuyết phục Nader chấp nhận trả tiền bồi thường tránh cho cuộc kiện tụng có thể khiến anh ngồi tù nhiều năm, cô không nói rằng mình đến cùng đồ đạc trong xe và sẵn sàng trở về với bố con anh. Vì lòng tự trọng. Anh không bao giờ mở miệng xin cô quay lại dù một lần, mặc cho cô con gái năn nỉ và gắng hết sức mình hàn gắn hai người, anh từ chối sự giúp đỡ của vợ, không muốn mang tiếng là hạ mình nhận lỗi với cô giúp việc Razieh. Vì lòng tự trọng. Cuối cùng con gái họ là kẻ chịu thiệt thòi.
Những lời không được nói còn tệ hơn nữa, dần dẫn tới những dối trá, của Razieh về ông cụ, của Nader về Razieh, của Simin và cô con gái Termeh về Nader … Tất cả tạo thành một xã hội thu nhỏ toàn những kẻ nói dối. Nhưng những con người đáng thương ấy không có lựa chọn. Nói dối hay là chết.
Asghar Farhadi đặt ra một vấn đề chính ông cũng không có lời giải. Ông đặt các nhân vật đối diện với chính họ trước câu hỏi lớn về lương tâm con người, khi quyền lợi và sự sống còn của mình mâu thuẫn với quyền lợi và sự sống còn của người khác. Một câu hỏi vừa vô cùng cá nhân, vừa mang tính phổ quát đủ khiến cho bộ phim chạm tới trái tim khán giả toàn cầu. Thế nhưng, mang số phận là một tác phẩm điện ảnh đến từ Iran, Asghar Farhadi khó tránh được bị hỏi, liệu đây có phải là một phim chính trị? Ông đã trả lời trong một phỏng vấn rằng, nếu bạn coi các mâu thuẫn trong gia đình, giữa hai gia đình khác biệt giai cấp, giữa những băn khoăn trăn trở của họ trong cuộc sống đời thường là có phản ánh các vấn đề chính trị thì đây sẽ là một phim chính trị. Thử tiếp cận theo hướng này, biết đâu ta có thể diễn giải thêm một tầng nghĩa nữa từ những ẩn dụ trong phim. Ngay từ đầu, credits (phần giới thiệu tên) được trình bày bằng những cuốn hộ chiếu được photocopy – để dẫn vào quyết định ly hương của Simin chăng? Hay chính là biểu tượng cho những làn sóng ly hương người Iran 30 năm trở lại đây? Cuộc ly thân đầy trăn trở, bởi cả hai bên không ai muốn, phải chăng cũng hàm nghĩa tâm lý chung của thế hệ trẻ Iran, đi vì tương lai của con cái mình, của chính mình, hay ở vì cái đất nước, cái thể chế già cỗi như cụ già bị Alzheimer thậm chí còn không biết đến con trai mình. Đất nước Iran có biết đến anh không? Dù Nader có trả lời câu nói đau đớn ấy một cách chắc nịch “Nhưng anh biết ông là bố anh”, thì bản thân đạo diễn cũng thú nhận không có câu trả lời, ông nói “Tôi để câu hỏi này lại cho khán giả.” Hóa ra, vấn đề của một tế bào xã hội, có tên Gia đình kia, không hề nhỏ như quan tòa phán không cho hai vợ chồng ly dị. Đằng sau các “vấn đề nhỏ” ấy, nhỏ nên người ta không nhìn thấy, cho đến khi nó cộng dồn lại thành một nỗi nhức nhối không có phương thuốc nào chữa khỏi.
Bức tranh này, mà Asghar Farhadi chỉ khiêm tốn nhận là một mảnh ghép, về cuộc sống Iran hiện đại, với những sắc sáng, tối, những màu, những mảng miếng chân thực và xúc động được tác giả chăm chút điêu luyện ở tầm một họa sỹ lớn. Đạo diễn chọn cách nhấn nhá chi tiết rất khéo léo, đẩy cảm xúc lên cao rất tự nhiên, như khi cô bé con chị giúp việc Razieh nghịch bình oxygene của ông cụ bố Nader, hay khi chị ta gọi điện hỏi xem mình có phạm tội nào của đạo Islam không nếu thay đồ giúp ông cụ. Câu chuyện được kể với tốc độ nhanh, căng, thẳng vào câu chuyện chứ không chậm đến não ruột và lảng tránh như các phim Iran khác. Cả phim hầu hết máy quay đều được cầm tay (handheld), kết hợp với cách đan xen chuyển góc nhìn của các nhân vật và góc nhìn trung tính của người ngoài cuộc, khán giả vừa thở theo nhịp thở nhân vật, đi theo nhịp đi nhân vật, lại vừa ở khoảng cách đủ xa để vừa khách quan mà trách cứ, đồng thời lại cũng thấu hiểu, thông cảm và xót thương họ hơn, trong khi cảm tưởng như các nhà làm phim chẳng phải cố gắng gì ngoài việc đi theo ghi hình họ. Khán giả sống trong phim tới mức tự hỏi “Liệu phim này có đạo diễn hay không?” là điều Asghar Farhadi mong mỏi, do đó ông đã chọn thể loại có cái tên lạ cho A separation là “Detective-Documentary” – trinh thám -tài liệu: tính toán những cú máy để khéo léo giấu đi những chi tiết cần giấu, để phơi ra những gợi ý để khán giả lần mở từ nút thắt này sang nút thắt khác, khám pháp từ bí mật này sang bí mật khác, của một vụ việc không thể thật hơn, của những con người không thể thật hơn, như cuộc sống quanh mình vậy. Khán giả là người tự diễn giải ngôn ngữ điện ảnh. Ra khỏi rạp, không có nghĩa là ra khỏi bộ phim, họ tiếp tục là người nghĩ, là người đặt ra câu hỏi, là người tự tìm ra câu trả lời cho chính mình.
“Điều quan trọng là nghĩ và cho người xem cơ hội được nghĩ. Ở Iran, lúc này hơn bất cứ thứ gì chúng tôi cần khán giả nghĩ.” Bởi chọn con đường đó, thay vì đưa quan điểm rõ ràng kiểu phán xét hay buộc tội nhân vật, mà Asghar Farhadi bị chính quyền Iran coi là thụ động và gây khó khăn trong việc phát hành và tham gia liên hoan phim. Dù thế A separation vẫn được nhân dân Iran và khán giả thế giới chào đón nồng nhiệt. Bằng chứng là số đề cử và giải thưởng lớn nhất từ trước đến giờ phim đạt được trong đó có cả liên hoan phim trong nước – điều đối với Asghar Farhadi quan trọng ngang với các liên hoan phim quốc tế: 7 giải các hạng mục trong đó có Đạo diễn xuất sắc nhất ở liên hoan phim Fajr 2011 (Iran), 3 giải trong đó có giải Gấu vàng tại liên hoan phim quốc tế tại Berlin 2011 (Đức), Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại Giải phim độc lập Vương quốc Anh 2011, Phim nước ngoài hay nhất tại Quả cầu vàng 2012 (Mỹ), Phim hay nhất tại liên hoan phim Sydney 2011 (Úc), và còn vô cùng nhiều nữa.
Khi nhận tượng vàng Oscar, Asghar Farhadi nói: “[…] Vào lúc này, rất nhiều người Iran trên thế giới đang xem chúng ta và tôi tưởng tượng họ đang rất hạnh phúc. Họ hạnh phúc không vì một giải thưởng quan trọng hay một bộ phim hay một nhà làm phim nào, mà bởi khi những câu chuyện về chiến tranh, sự khép kín, và công kích được trao đổi giữa các chính trị gia, thì tên của đất nước họ, đất nước Iran, được nói đến ở đây qua một nền văn hóa huy hoàng, một nền văn hóa giàu có và cổ kính đã bị vùi dưới lớp bụi dầy chính trị. Tôi tự hào tặng giải thưởng này cho nhân dân đất nước tôi, những con người tôn trọng mọi nền văn hóa và văn minh và khinh thường mọi thù nghịch và oán hận. Cảm ơn các bạn.” Người viết cho rằng A separation là tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, và xứng đáng với vinh quang đã đạt được do vẻ đẹp tự thân chứ không do một mối đồng cảm nhuốm màu chính trị hay tính chất “hương lạ” (exotic) nào như nhiều phim sản xuất ngoài Âu-Mỹ được phương tây tung hô.
PS: Cảnh kết cũng đáng tầm kinh điển như cảnh đầu, nhưng thôi ai lại spoil hết ra thế :p
Hay quá em, cho yxine.com đăng bài này nhé :)
ReplyDeleteVâng ạ, nhưng mà để mấy hôm nữa hãy đưa lên nhé. Hình như báo giấy vẫn chưa ra chính thức hay sao í ạ :)) Nhớ ký cho em giống trên báo giấy là Đỗ Duy nhé. :D
ReplyDeleteok và cảm ơn! :D
ReplyDelete