Friday, March 12, 2010

Không mặt trời - Cho tôi xin lỗi


Sans Soleil (1985) - Chris Marker - P.9
Ngày 15 tháng 5 năm 1945, 7 giờ sáng, trung đoàn bộ binh 382 Mỹ tấn công một quả đồi ở Okinawa mà họ tự đặt lại tên là “Dick Hill”. Mình cho rằng người Mỹ tưởng chiếm được đất Nhật, rằng họ chẳng biết gì về nền văn minh Ryukyu. Mình cũng thế, ngoài một điều là những gương mặt phụ nữ ngoài chợ ở Itoma nói với mình về Gauguin nhiều hơn cả về Utamaro. Suốt hàng thế kỷ làm phận chư hầu mơ mộng, Thời gian không trôi trên quần đảo này, sau rồi đổ vỡ. Sở hữu những hòn đảo để biến phụ nữ thành nơi ký thác các ký ức chăng? Mình hiểu ra rằng cũng như ở Bijago tri thức kỳ diệu được truyền qua những người đàn bà. Mỗi cộng đồng có một nữ tu, gọi là Noro, chủ trì mọi lễ nghi trừ đám ma. Người Nhật bảo vệ vị trí của họ từng inch một, đến cuối ngày, hai nửa trung đội gom góp lại của Đại đội L chỉ lên được tới nửa đồi. Một quả đồi như nơi mình đi theo một nhóm người làng tới lễ tẩy uế.
Noro giao tiếp với các vị thần biển, thần mưa, thần đất, thần lửa. Mọi người đều quí rạp trước Đức thánh-Chị - tuyệt đối là ánh phản chiếu của mối quan hệ ưu ái giữa người em trai và người chị gái. Ngay cả khi đã chết, người chị vẫn có ưu thế linh thiêng.
Bình minh lên người Mỹ rút quân. Cuộc chiến tiếp diễn thêm hơn một tháng nữa trước khi hòn đảo đầu hàng, và đổ nhào vào thế giới hiện đại. Hai mươi bảy năm dưới sự thâu tóm của người Mỹ, sự tái thiết vương quyền Nhật gây tranh cãi: 2 dặm cách những đường trượt bowling và những trạm xăng, Noro vẫn tiếp tục chuyện trò với các thánh thần. Sau bà, cuộc nói chuyện sẽ ngừng hẳn. Những người em trai sẽ không còn được biết rằng người chị gái đã khuất sẽ trôm nom họ.
Khi quay phim nghi lễ này mình biết là mình đang dự vào đoạn kết một điều gì đó. Những nền văn hóa kỳ diệu mất dần để lại các dấu vết cho những kẻ kế thừa. Nền văn hóa này thì không để lại cho ai nữa cả. Đổ vỡ trong lịch sử đã quá nặng nề. Mình đã chạm vào đổ vỡ ấy trên đỉnh đồi, cũng như mình đã chạm vào miệng hố nơi 200 cô gái đã dùng lựu đạn để tự sát còn hơn là sống qua tay người Mỹ. Người ta chụp ảnh trước hố. Đối diện nơi ấy có bán bật lửa lưu niệm mang hình lựu đạn.
Trên máy của Hayao chiến tranh giống như những bức thư bị đốt, rách ra trong lưỡi lửa. Mã tên của Trân Châu Cảng là Tora, Tora, Tora: tên của cô mèo đôi vợ chồng ở Gotokuji cầu nguyện. Vậy là mọi chuyện này bắt đầu bởi cái tên của một con mèo được đọc lên 3 lần.
Ngoài khơi Okinawa, những kamikaze tấn công hải quân Mỹ. Họ sau này đã trở thành huyền thoại. Họ rõ ràng sẵn sàng cho điều này tốt hơn những đơn vị đặc nhiệm đẩy những tù binh vào băng giá Manchuria rồi vào nước nóng để xem thịt rời khỏi xương nhanh đến mức nào. Cần phải đọc những bức thư cuối cùng mới biết được không phải mọi kamikaze đều tự nguyện, cũng không phải họ đều là những samurai cuồng tín. Trước khi uống chén sake cuối cùng, Ryoji Uebara đã viết: “Tôi luôn nghĩ rằng nước Nhật phải sống tự do để được sống vĩnh cửu. Hôm nay dưới một chế độ cực quyền mà nói như vậy nghe có vẻ ngu ngốc… Những kamikaze phi công chúng tôi là những cỗ máy, chúng tôi không có gì để nói, trừ việc van xin những nhà yêu nước của chúng tôi biến nước Nhật thành một nước lớn như chúng tôi hằng mơ. Trên máy bay tôi là một cỗ máy, một miếng kim loại có từ tính tự dán mình vào một hàng không mẫu hạm, nhưng một khi dưới đất tôi là một con người, với những tình cảm, với những đam mê… Hãy tha thứ cho tôi vì những suy nghĩ lộn xộn này. Tôi để lại cho mọi người một hình ảnh ưu tư về mình, nhưng sâu thẳm bên trong tôi hạnh phúc. Tôi đã nói chân thành. Cho tôi xin lỗi.”

To be continued

No comments:

Post a Comment