Trích Everything is illuminated - Jonathan Safran Foer
(Biên dịch với tình yêu cho đứa con chưa ra đời và nay đã ra đời.
Mà này đồng chí gì ơi, có định xuất bản không để mềnh còn cho chạy dài kỳ trên đây nào!! :p )
(Biên dịch với tình yêu cho đứa con chưa ra đời và nay đã ra đời.
Mà này đồng chí gì ơi, có định xuất bản không để mềnh còn cho chạy dài kỳ trên đây nào!! :p )
TÊN CHO VAY NẶNG LÃI BỊ THẤT SỦNG Yankel D
mang đứa bé về nhà tối hôm ấy. Mình đi
nào, hắn nói, lên một bước. Mình tới
rồi. Đây là cửa nhà con. Còn đây, đây là nắm cửa ta đang mở này. Còn đây, đây
là nơi mình để giày khi mình vào nhà. Còn đây là nơi mình treo áo khoác. Hắn
nói với con bé cứ như thể nó hiểu được hắn, không hề to tiếng hay là nhát gừng,
và không bao giờ nói những lời vô nghĩa. Đây
là sữa ta cho con ăn này. Mua của tay bán sữa Mordechai, rồi một ngày con sẽ gặp
thôi. Anh ta lấy sữa từ một con bò, cái việc thật là lạ lùng và rắc rối nếu con
nghĩ về nó, thế nên đừng có nghĩ về nó… Đây là tay ta đang vuốt ve mặt con. Có
những người thuận tay trái và có những người thuận tay phải. Mình chưa biết con
thế nào, bởi vì con chỉ ngồi đó và để ta làm hết cả… Đây là một nụ hôn này.
Nghĩa là khi đôi môi chu ra và áp vào cái gì đó, đôi khi là đôi môi khác, đôi
khi là má, đôi khi là cái gì đó nữa. Còn tùy… Đây là trái tim ta. Con đang chạm
vào đó bằng tay trái, không phải bởi vì con thuận tay trái, dù là có thể lắm chứ,
mà là bởi ta đang nắm lấy nó áp vào tim ta. Cái con đang cảm nhận thấy là nhịp
đập trái tim ta. Nó giữ cho ta sống.
Hắn
làm một cái giường bằng báo nát tươm trong một cái chảo sâu lòng và nhẹ nhàng
đặt nó vào trong lò, như thế con bé sẽ không bị quấy bởi những thứ rơi đổ ở ngoài.
Hắn để cửa lò mở, và cứ ngồi hàng giờ trông con bé, như người ta ngồi trông một
ổ bánh mỳ phồng lên. Hắn trông ngực con bé nâng lên hạ xuống nhanh liên tiếp
như là mấy ngón tay nó nắm vào mở ra, và đôi mắt nó nheo lại chẳng vì lý do gì
rõ ràng. Có thể con bé đang mơ chăng?
Hắn tự hỏi. Nếu thế, một đứa trẻ có thể
mơ thấy gì nhỉ? Chắc nó mơ về kiếp trước, như là mình mơ về kiếp sau. Khi hắn
lôi con bé ra cho ăn hoặc chỉ để ôm, khắp người nó xăm đầy chữ in. THỜI KỲ NHỮNG
BÀN TAY NHUỘM CUỐI CÙNG CŨNG HẾT! CHUỘT SẼ BỊ TREO! Hoặc, SOFIOWKA BỊ BUỘC TỘI
HÃM HIẾP, CÃI RẰNG BỊ ÁM BỞI NIỀM TIN DƯƠNG VẬT, TRỞ NÊN “MẤT KIỂM SOÁT.” Hay
là, AVRUM R KHÔNG MAY BỊ TAI NẠN CHẾT TRONG CỐI XAY BỘT, BỎ LẠI MỘT CON MÈO
XIÊM BỐN MƯƠI TÁM TUỔI, NÂU VÀNG, TRÒN QUAY, NHƯNG KHÔNG BÉO, CHỦ QUAN MÀ NÓI,
CÓ THỂ HƠI BÉO, TRẢ LỜI CHO “METHUSELAH[1],”
OK, BÉO PHÁT KHIẾP. NẾU TÌM THẤY, TÙY TÂM GIỮ LẠI.
Đôi khi hắn đung đưa cho con bé ngủ trong
vòng tay mình, đọc con bé từ trái qua phải, và biết mọi chuyện cần phải biết
trên đời. Nếu điều gì không được viết lên con bé thì nghĩa là nó chẳng quan trọng
với hắn.
Yankel
đã mất hai đứa con, một đứa do bị sốt và đứa kia do cái cối say bột công nghiệp
nọ, cái thứ lấy đi mỗi năm một mạng của những người trong làng kể từ khi nó được
mở. Hắn cũng mất cả vợ, không phải vào tay thần chết mà vào tay một thằng đàn
ông khác. Hắn trở về nhà một buổi chiều từ thư viện và thấy một lời nhắn phủ
lên chữ SHALOM! trên tấm thảm ngoài cửa nhà: Em phải làm vậy cho riêng mình.
Lilla F miết đất bằng ngón tay xung quanh
một trong những bông cúc của cô. Bitzl Bitzl đứng bên cửa sổ nhà bếp, vờ kỳ cọ
cái bàn bếp thật sạch. Shloim W lấp ló qua cái bầu trên của một trong những chiếc
đồng hồ cát mà gã không thể chịu rời ra được nữa. Không ai nói gì khi Yankel đọc
lời nhắn, và cũng không ai nói gì sau đó, cứ như là sự biến mất của cô vợ hắn
chẳng lạ lùng lấy một tí tẹo nào, hay cứ như họ chẳng nhận ra hắn đã từng kết
hôn.
Tại
sao cô ấy không thể gài nó vào dưới cửa? hắn tự hỏi. Tại sao cô
ấy không thể gập nó lại? Nó trông như mọi lời nhắn khác cô ấy vẫn gửi lại,
như là, Anh có thể thử sửa cái chuông cửa
bị hỏng không? hay là Em sẽ về sớm, đừng
lo. Hắn thấy thật lạ là cũng như một lời nhắn nào khác – Em phải làm vậy cho riêng mình – có thể
trông y hệt như thế: không mấy quan trọng, nhạt nhẽo, chẳng có gì. Hắn đáng lẽ
phải ghét cô vì đã bỏ lại nó trần trụi như vậy, hắn đáng lẽ phải ghét cô bởi sự
trần trụi ấy, một thông điệp chẳng có lấy một chút cố gắng cho bắt mắt nào, chẳng
có lấy một dấu hiệu rằng vâng, nó quan trọng, vâng, nó là lời nhắn đau đớn nhất
mà tôi từng viết ra đấy, vâng, tôi thà chết còn hơn là phải viết nó ra lần nữa.
Đâu rồi những giọt nước mắt đã khô? Đâu rồi sự xao động trong nét chữ?
Nhưng vợ hắn là mối tình đầu và duy nhất,
và bản chất của những người dân sống trong ngôi làng bé nhỏ là tha thứ cho những
mối tình đầu và duy nhất của họ, nên hắn ép mình phải hiểu, hoặc vờ như hiểu. Hắn
không bao giờ trách cô lấy một lần vì đã bỏ đi Kiev với một tay nhân viên nhà
nước rậm râu đi ngang qua, cái gã được gọi vào giúp hòa giải kiện tụng rối beng
trong một vụ ra tòa đáng xấu hổ của Yankel; tay nhân viên nhà nước có lẽ đã hứa
lo toan cho tương lai cô, mang cô rời xa mọi thứ, đưa cô đến sống một nơi yên
tĩnh hơn, không phải lo nghĩ, không phải xưng tội, hay là giàn xếp miễn giảm tội.
Không, không phải thế. Mà là không có Yankel. Cô ấy muốn ở đâu không có Yankel.
Hắn mất vài tuần sau đó để khóa lại những
cảnh tay nhân viên nhà nước đè ngửa vợ hắn ra. Trên sàn cùng với những thứ gia
vị bếp núc. Đứng, chân vẫn mang tất. Trên cỏ trong sân ngôi nhà mới rộng mênh
mông của chúng nó. Hắn tưởng tượng ra cô la hét như chưa bao giờ la hét cho hắn
nghe và thấy sướng như chưa bao giờ hắn làm cho cô được sướng bởi vì tay nhân
viên nhà nước kia là một thằng đàn ông, còn hắn không phải là một thằng đàn ông.
Không biết nàng có thổi kèn cho thằng kia
không nhỉ? hắn tự hỏi. Mình biết ý
nghĩ này thật ngốc nghếch, một ý nghĩ chỉ làm mình đau, nhưng mình không thể
thoát khỏi nó. Và khi nàng thổi kèn cho gã, vì nàng buộc phải thế, khi ấy gã
làm gì? Gã có kéo tóc nàng ra để xem không? Gã có sờ ngực nàng không? Gã có
nghĩ đến ai khác khi ấy không? Mình sẽ giết nếu gã dám thế.
Cả làng vẫn nhìn – Lilla vẫn nghịch ngón
tay, Bitzl Bitzl vẫn kỳ cọ, Shloim vẫn vờ đo thời gian bằng cát – hắn gập lời
nhắn thành hình giọt nước mắt, gài vào ve áo, và đi vào trong.
Hắn không thể sống nổi nữa, nhưng cũng
không thể chết nổi. Hắn không thể chịu nổi ý nghĩ cô làm tình với ai khác,
nhưng hắn cũng không chịu nổi thiếu vắng ý nghĩ ấy. Còn về phần lời nhắn kia, hắn
không chịu nổi việc giữ nó, cũng không chịu nổi việc hủy nó đi. Thế nên hắn thử
làm mất nó. Hắn để nó trong những cái chân nến rỏ sáp, đặt nó giữa những bánh
matzo mỗi kỳ lễ Quá Hải, vứt nó mà không nhìn lẫn trong những giấy rác trên bàn
bừa bãi, hy vọng nó không còn đó khi hắn về. Nhưng nó luôn luôn ở đó. Hắn thử
vò nó bên ngoài túi áo khi ngồi trên ghế băng trước đài phun nước có nàng tiên
cá cúi đầu, nhưng khi hắn cho tay vào túi tìm khăn tay, nó lại ở đó. Hắn giấu
nó như cái đánh giấu sách trong một những quyển mà hắn ghét nhất, nhưng lời nhắn
lại xuất hiện vài hôm sau trong những trang của một trong những quyển sách Tây
mà chỉ có mình hắn trong làng là đọc, một trong những quyển sách mà lời nhắn đã
ngăn hắn đọc mãi mãi. Nhưng cũng như là đời mình, vì đời mình hắn không thể mất
lời nhắn ấy. Nó vẫn cứ trở lại. Nó ở lại với hắn, như một phần của hắn, như một
cái bớt bẩm sinh, như một bộ phận cơ thể, nó nằm ngay trên hắn, trong hắn, hắn,
thánh ca của hắn: Em phải làm vậy cho
riêng mình.
Dần dần hắn mất nhiều giấy, rồi chìa
khóa, rồi bút, rồi áo sơ mi, kính, đồng hồ, đồ bạc. Hắn mất một chiếc giày, những
chiếc gài cổ tay áo ngọc opal hắn thích nhất (người Khom lưng điệu bằng tay áo
nở bung xòe), ba năm cách xa Trachimbrod, có hàng triệu ý tưởng hắn muốn viết lại
(một số hoàn toàn độc đáo, một số có ý nghĩa sâu sắc), tóc hắn, vị trí hắn,
song thân, hai đứa bé, một vợ, một khoản dắt túi khá khẩm, cơ hội vô vàn không
đếm xuể. Hắn còn mất đến cả tên: hắn từng là Safran trước khi rời làng, Safran
từ khi ra đời tới khi chết. Có vẻ như chẳng còn gì hắn không thể mất nữa. Nhưng
cái mảnh giấy ấy không biến mất bao giờ, và cả hình ảnh về cô vợ mình nằm vật
ra cũng thế, và cả ý nghĩ rằng cuộc đời hắn sẽ được cải thiện đáng kể nếu như hắn
có thể chấm dứt nó.
Trước vụ án, Yankel-rồi-Safran được ngưỡng
mộ vô điều kiện. Hắn là chủ tịch (và quản lý tài chính và thư ký và thành viên
duy nhất) của Hội đồng Khá Mỹ Thuật và Mỹ Thuật, và là người sáng lập, thủ trưởng
đa nhiệm kỳ, và giảng viên duy nhất của Trường dậy trở nên Quý tộc hơn, đặt
trong nhà hắn và các buổi học do chính Yankel tham dự. Không lạ lùng gì khi một
gia đình phải tổ chức bữa tối nhiều món nhân danh hắn (nếu không nhân sự có mặt
của hắn), hay là khi một trong những thành viên khá giả của cộng đồng đưa một
nghệ sỹ lãng du tới vẽ một bức chân dung hắn. Và những bức chân dung ấy luôn
luôn tuyệt vời. Hắn là một kẻ mà ai cũng ngưỡng mộ mà thích thú nhưng không ai
biết rõ. Hắn như cuốn sách mà bạn hài lòng có được, mà bạn có thể nói về nó dù
chẳng đọc bao giờ, mà bạn có thể khuyên dùng.
Theo lời khuyên của thày cãi riêng, Isaac
M, người thường ra dấu ngoặc kép trích dẫn trong không khí đối với mỗi âm tiết
của mỗi từ mình nói, Yankel nhận tội cho cho tất cả những cáo buộc về hành vi
không phù hợp, với hy vọng rằng điều này sẽ làm nhẹ bớt hình phạt. Cuối cùng
thì hắn mất giấy phép cho vay nặng lãi. Còn hơn cả chuyện giấy phép nữa. Hắn mất
tên tuổi, điều mà, như người ta nói, duy nhất tệ hơn cả mất đi sức khỏe. Người
qua đường cười vào hắn hoặc lầm rầm trong hơi thở những cái tên như dối trá, lừa
đảo, chó ghẻ, khốn nạn. Hắn đáng lẽ không bị ghét đến thế nếu như trước kia hắn
không được yêu thích đến vậy. Nhưng theo Giáo sỹ Vườn-Phong phú và Sofiowka, hắn
là một trong những trụ cột của cộng đồng – rất âm thầm – và đến với hắn cùng nỗi
nhục là cảm giác mất thăng bằng, một nỗi trống hoác.
Safran chuyển qua vài làng lân cận, tìm một
chân giáo viên về lý thuyết và trình diễn đàn harpsichord, tư vấn nước hoa (vờ
điếc và mù để hợp pháp hóa việc thiếu thư giới thiệu), hay thận chí lâu lâu
không may thì là một gã thày bói dở nhất thế giới – Tôi sẽ không nói dối mà bảo quý vị rằng tương lai đầy hứa hẹn đâu…
Hắn tỉnh dậy hàng sáng với một khát vọng được làm điều phải, được làm người tốt
và có ý nghĩa cho đời và, đơn giản như có vẻ thế nhưng bất khả như thực sự là
thế, được hạnh phúc. Rồi đến quãng giữa mỗi ngày trái tim hắn trùng từ ngực xuống
đến bụng. Tới đầu giờ chiều hắn chìm đắm trong cảm giác rằng không gì đúng cả,
không gì đúng đắn đối với hắn, và khát khao được cô đơn. Đến tối hắn được cô
đơn trong nỗi buồn đầy ăm ắp, cô đơn trong nỗi dằn vặt không chủ đích, cô đơn
trong chính nỗi cô đơn riêng mình hắn. Mình
không buồn, hắn có thể lặp đi lặp lại nữa và mãi, Mình không buồn. Như thể một ngày hắn có thể làm chính mình tin vậy.
Hoặc phát điên. Hoặc làm người khác tin vậy – điều duy nhất tệ hơn cả buồn là để
cho người khác biết rằng mình buồn. Mình
không buồn, mình không buồn. Bởi đời hắn đã có tiềm năng hạnh phúc vô biên,
rộng hơn nữa thì nó như một căn phòng trắng trống rỗng. Hắn có thể ngủ thiếp đi
với trái tim rớt dưới chân giường, như một con thú thuần hóa nào đó chẳng liên
quan gì đến hắn cả. Và mỗi sáng hắn lại tỉnh dậy thấy nó nằm trong cái tủ bộ
khung xương sườn hắn, đã thành ra nặng hơn một chút, yếu hơn một chút nhưng vẫn
đập thùm thụp. Rồi đến giữa chiều hắn lại chìm đắm trong khát vọng được ở nơi
nào khác, được là ai đó khác, một ai khác ở nơi nào khác. Mình không buồn.
Sau ba năm hắn trở về làng – Mình là mảnh
bằng chứng cuối cùng cho thấy mọi công dân ra đi đều trở lại – và sống một cuộc
sống lặng lẽ như một kẻ Khom lưng bên lề, bị khâu vào tay áo của Trachimbrod, bị
ép đeo cái tràng hạt khủng khiếp quanh cổ làm dấu cho nỗi nhục của hắn. Hắn đổi
tên thành Yankel, tên của tay nhân viên nhà nước đã chuồn đi cùng với vợ hắn,
và yêu cầu không ai được gọi hắn là Safran bao giờ nữa (mặc dù hắn nghĩ là vẫn
nghe thấy cái tên đó lúc này lúc khác, thì thào sau lưng mình). Rất nhiều khách
hàng cũ quay lại với hắn, và trong khi họ từ chối trả lãi tới hạn, hắn vẫn có
thể gây dựng lại nơi ngôi làng chôn rau cắt rốn – như những người từng ly khai
cuối cùng vẫn cố gắng vậy.
Khi những người đàn ông mũ đen đưa hắn đứa
bé, hắn thấy như chính mình cũng chỉ là một đứa bé con, có một cơ may được sống
không tủi nhục, không có nhu cầu được an ủi cho một đời sống lầm lỗi, một cơ
may lại được vô tội, được hạnh phúc một cách đơn giản và bất khả. Hắn đặt tên
con bé là Brod, theo tên dòng sông nơi bé bí ẩn ra đời, cho bé một dây vòng cổ
riêng, làm bằng hạt gỗ bé xíu, để con bé không bao giờ cảm thấy lạc lõng trong
cái gọi là gia đình mình.
Khi bà cố-cố-cố-cố-cố của tôi lớn lên, tất
nhiên, bà chẳng nhớ gì và cũng chẳng được kể cho nghe điều gì. Yankel bịa ra
chuyện về cái chết trẻ của mẹ - không đau đớn, trong khi sinh – và trả lời vô
vàn câu hỏi nảy ra theo cách hắn cho là làm con ít đau buồn nhất. Chính là mẹ
đã tặng cho con đôi tai to xinh đẹp ấy. Chính là tính hài hước từ mẹ mà bọn con
trai ngưỡng mộ con đến vậy. Hắn kể cho Brod nghe những chuyến đi nghỉ mà hắn và
vợ đã ở bên nhau (khi nàng lấy cái giằm trong gót chân hắn ra ở Venice, khi hắn
phác họa bằng chì đỏ chân dung nàng trước đài phun nước cao ở Paris), cho con
bé xem những bức thư tình họ gửi cho nhau (những bức hắn viết bằng tay trái là
của mẹ Brod), rồi đặt con bé vào giường và kể đủ thứ chuyện về mối tình lãng mạn
của họ.
Có
phải là tình yêu sét đánh không, ba Yakel?
Ba
yêu mẹ con từ trước cả khi nhìn thấy nàng kìa – chính là mùi của nàng đấy!
Kể
lại cho con mẹ trông thế nào đi.
Mẹ
giống con. Mẹ đẹp, với hai mắt khác màu nhau, như con. Một xanh dương, một nâu,
như mắt con. Mẹ cũng có gò má cao và da mịn như con ấy.
Quyển
sách nào mẹ thích nhất?
Genesis,
tất nhiên.
Mẹ
có tin vào Chúa không?
Mẹ
con không bao giờ nói với ta cả.
Ngón
tay mẹ dài chừng nào?
Chừng
này này.
Thế
còn chân?
Như
thế này này.
Kể
lại cho con mẹ thổi vào mặt ba thế nào trước khi mẹ hôn ba đi.
Ờ
thì như thế thôi, mẹ thường thổi vào môi ba trước khi hôn ba, cứ như ta là món
ăn nóng hổi mà mẹ con sắp ăn ấy!
Mẹ
vui tính không? Vui tính hơn con không?
Mẹ
là người vui tính nhất trên đời. Y như là con ấy.
Mẹ
đẹp không?
Điều không tránh được là: Yankel trở nên
yêu người-chưa-bao-giờ-là-vợ của mình. Hắn có khi tỉnh dậy và nhớ nhung trọng
lượng chưa bao giờ đè nặng lên phần giường bên cạnh hắn, nhớ nhung rất nghiêm
túc sức nặng những cử chỉ nàng chưa bao giờ làm, cả phần phi trọng lượng của
phi cánh tay quàng qua bộ ngực quá thật của hắn, khiến cho những sự nhớ nhung
góa bụa này còn thuyết phục hơn, và nỗi đau của hắn còn thật hơn nữa. Hắn thấy
như hắn mất nàng. Hắn đã mất nàng.
Đêm đêm hắn còn đọc lại những bức thư nàng chưa bao giờ viết cho hắn.
Yankel yêu thương nhất,
Em sẽ về nhà với mình sớm
thôi, như vậy nghĩa là anh không còn phải nhớ em nhiều quá nữa, dù điều ấy có
ngọt ngào đến mấy. Mình thật ngốc. Mình có biết không? Mình có biết mình ngốc đến
chừng nào? Có thể vì thế mà em yêu mình đến vậy, bởi em cũng ngốc nghếch mà.
Mọi thứ ở đây đều tuyệt vời.
Trời rất đẹp, đúng như mình hứa với em ấy. Mọi người đều rất dễ thương, em ăn rất
ngon, em nhắc đến chuyện này vì mình lúc nào cũng cứ lo em không chăm sóc tốt bản
thân mình. Em có mà, nên đừng lo nữa nhé.
Em nhớ mình thật nhiều. Đến
mức không chịu nổi nữa. Mỗi giây phút mỗi ngày em nghĩ tới sự thiếu vắng mình,
điều ấy gần như giết em vậy. Nhưng tất nhiên em sẽ về với mình sớm thôi, và sẽ
không còn phải nhớ mình nữa, và sẽ không còn phải biết tới một thứ, hay mọi thứ,
ấy là nhớ thương, rằng cái ở đây chỉ là cái không ở đây. Em hôn gối trước khi
em ngủ và tưởng tượng ra đấy là mình. Nghe như một điều mình cũng sẽ làm, em biết
mà. Đấy hẳn là lý do khiến cho em làm vậy.
Gần như hiệu quả. Hắn nhắc lại các chi tiết
nhiều đến mức gần như không thể phân biệt chúng với sự thật nữa. Nhưng lời nhắn
thực vẫn cứ trở lại với hắn, và nó, hắn chắc vậy, đã ngăn không cho hắn có được
điều đơn giản và bất khả: hạnh phúc. Em
phải làm vậy cho riêng mình. Brod một hôm đã phát hiện ra khi mới có mấy tuổi.
Làm thế nào mà nó lại nằm trong túi phải của con bé, cứ như lời nhắn có đầu óc
riêng hẳn hoi, cứ như bảy từ ấy có khả năng muốn gây tổn thương thực tại vậy. Em phải làm vậy cho riêng mình. Con bé
hoặc là cảm nhận được nó quan trọng lớn lao tới nhường nào hoặc coi nó chẳng
chút quan trọng mảy may, bởi chưa khi nào nói ra với Yankel, nhưng lại đặt mảnh
giấy trên bàn đầu giường, nơi hắn có thể thấy ngay sau khi đọc bức thư khác không
phải của mẹ nó, cũng không phải của vợ hắn. Em
phải làm vậy cho riêng mình.
Mình không buồn.
[1] trong kinh thánh,
Methuselah là ông của Noah, người tương truyền sống tới năm 969 tuổi (Gen. 5:27), từ này còn được dùng để chỉ người rất rất già.