1. Gọi là TV series - phim truyền hình dài tập, nhưng 2 năm mới có 1 season (mùa), mỗi season chỉ có 3 tập, mỗi tập là một câu chuyện độc lập, hoàn chỉnh và có một tên riêng. Tất nhiên là tất cả các tập đều có một tư tưởng chung liên quan tới "black mirror" và công nghệ thông tin/sci-fi.
2. Mỗi tập là một nỗi ám ảnh, là một hình ảnh phản chiếu mặt tối của con người, cả ở góc độ cá nhân lẫn tập thể. Tất cả tổng hợp thành một tấm "gương đen" lớn cho thấy cái không ai muốn thấy ở bản thân mình. Hẳn là mỗi tập đều hay ở cùng một điểm: những ý tưởng bất cứ ai cũng có thể từng chợt nảy ra trong tiềm thức hoặc một chuyện đã từng đọc được ở đâu đó giờ được kể bằng một ngôn ngữ điện ảnh hiện đại, rất Anh, vừa siêu thực, phi lý vừa drama đến tận cùng.
Season 1 được làm năm 2011, có ba tập: The National Anthem, Fifteen million merits, The entire history of you.
The National Anthem (Quốc ca) nói về bi kịch của ngài Thủ tướng khi một công nương trong hoàng tộc bị bắt cóc. Kẻ bắt cóc ra điều kiện duy nhất là phải truyền hình trực tiếp toàn quốc cảnh Thủ tướng giao cấu với một con lợn.
Tất nhiên, câu chuyện có những nút thắt như mọi tác phẩm điện ảnh được làm tử tế, dẫn dắt người xem hồi hộp theo dõi xem Thủ tướng sẽ làm thế nào, và cuối cùng cái việc khủng khiếp kia có xảy ra không. Nếu phim chỉ có thế thì đơn giản quá. Một tứ truyện gây sốc và cách kể khéo léo không đủ để trở thành ám ảnh. Nếu khán giả chỉ trông chờ có thế, thì chính khán giả cũng như người dân trong cái phim ấy được trưng cầu ý kiến, cho rằng Thủ tướng nên đáp ứng yêu cầu kẻ bắt cóc, vì Thủ tướng thì dân có thể thay được, chứ không có công nương làm sao dân có thể sống nổi. Nếu khán giả chỉ thấy được đến thế, thì họ cũng chẳng khác những người dân cho dù được cảnh báo tắt tivi nhưng vẫn mở to mắt hào hứng hơn xem một trận bóng đá, để nhìn tận mắt một con người bị hạ nhục xuống bằng con lợn.
Như vậy, ý nghĩa của phim hoàn toàn nằm ở chỗ khác.
Nỗi ám ảnh đeo bám không phải ở cái ý tưởng khủng khiếp của kẻ bắt cóc. Phim Deliverence (1972) cũng ghê rợn kiểu ấy, có cái đoạn khiến ai đã xem phim không thể quên được câu thoại "I bet you can squeal like a pig. Weeeeee!". Trong The National Anthem, nỗi ám ảnh lại là hình ảnh người dân chăm chú xem cái cảnh mất nhân tính kia trên TV. Trực tiếp. Toàn quốc.
Khán giả hẳn phải soi vào những người xem ấy mà tự hỏi, cái gì mất nhân tính hơn? Liệu vô tình mình đã từng như đám đông ấy bao giờ trong đời?
Xem đoạn quay chậm dân tình xem truyền hình trực tiếp này, nghĩ tới cái tên phim mới thấy trông họ không khác gì đang hát quốc ca.
Tôi nghĩ, phim này còn đặt ra nhiều vấn đề rất đương đại khác nữa, ví dụ như khủng bố (terrorism) bằng internet và các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng nghĩa "terror", ý chí cá nhân vs. ý chí đám đông, giá trị thực vs. giá trị ảo, v.v...
Không có nhiều thứ để nói về hình ảnh trong The National Anthem. Phim được quay kiểu tài liệu: máy cầm tay/vác vai/steadycam. Nội dung đã quá absurd và nặng rồi nên hẳn không ai xem để thưởng thức các màn quay đẹp. Phim này cũng có "black humor"- "hài thâm" kiểu Anh. Nhưng nhìn chung thì nó đau đớn vô cùng.
Vì thế nên nói về tập sau vào một lúc khác vậy.
PS: Các bạn "đế quốc" Anh thật hay ho. Các nhà làm nghệ thuật tha hồ lôi hoàng tộc và Thủ tướng (được đổi tên, tất nhiên) ra làm đối tượng sáng tác mà không ai bị bỏ tù. Yêu các bạn Anh quá đi mất.
Ảnh "mượn" trên internet.