Thế là mình nhớ lại mấy hôm chia tay ông anh ruột thừa.
1. Bệnh viện ở đây cũng chia sẻ như ở nhà, nhưng mà rộng, 4 giường 1 phòng. Phòng hậu phẫu có mình với 3 bà. Hai bà hay ngáy, bất kể ngày đêm. Một bà hay chuyện, cứ líu lô suốt. Bà này ở chân giường trên biển ghi tên bệnh nhân còn đề rõ chức vụ giảng viên gì gì đấy rất oách. Bệnh nhân-giảng viên ABC. Giảng viên hay giáo sư hay thợ may, hay sinh viên chờ lấy bằng thì cũng có lúc phải lụy vì sức khỏe. Haiz.
Các bà giường bên thì héo hon quá thể. Các cô y tá các cô hộ lý đêm ngày phải chầu chực ra vào như thoi để lau rửa, để thay tã, để bón, để đổ bô. Đời gần hết một vòng quanh quẩn lại quay về như em bé mới đẻ nằm nôi.
Ở đây người ta thăm nhau ít, không đùm bọc cơm cháo bát nháo như bệnh viện ở nhà. Được thể không phải cho bệnh nhân ăn, các vị người nhà tha hồ mất tăm, dăm bữa mới vào một lượt. Mình thì mỗi ngày được thăm nom đến vài bận đâm thương các bà láng giềng.
Còn cái nghề y tá và hộ lý mới thật là cao quý. Chẳng ruột rà chẳng thân thích, mà các cô chăm chút như thể người nhà. Không hiểu bên ngoài bộ đồng phục trắng như thiên thần này các cô thường mặc gì, thường đi đâu chơi, bạn trai các cô có tử tế không, các cô mơ ước gì cho đời mình, ...
2. Kinh nghiệm khi được tiêm thuốc mê ngất lịm thực ra cũng không quá tệ. Chỉ như là mình bị kéo tuột vào đâu đó không xác định, không mộng mị, không thể cưỡng lại. Sợ nhất là lúc cần phải tỉnh ra, khi thuốc hết tác dụng, nó mới khó khăn, vật vã, nó mới run rẩy, nóng lạnh, nó mới hoảng loạn. Khi phải trải qua cái thứ đó, hình như từ ngoài phòng mổ cho tới tận lúc được đẩy vào đến phòng mình, không biết bao lâu, mấy giây, mấy phút, hay cả nửa giờ... cái phần thức tỉnh chỉ còn ghi nhận vào đâu đó trong bộ nhớ cảm giác âm ấm của một bàn tay vỗ về lên vai, xoa dịu lên trán, của ai đó ngay cạnh. Ai đó bận đồ y tá trắng.