Thursday, June 2, 2011

Tree of Life

(Bị cắt hơi kỳ cục nên đưa bản nguyên lên vậy.)


CÂY ĐỜI VỚI CÀNH CỌ VÀNG

Trong 40 năm sự nghiệp điện ảnh cho tới trước Tree of Life (Cây đời), Terrence Malick đạo diễn có 4 phim. Phim thứ năm từng được đồn đại chuẩn bị tới năm năm trời, nếu không kể suốt 30 năm câu chuyện vẫn ám ảnh Malick. Đáng lẽ Tree of Life đã ra mắt công chúng từ năm ngoái nhưng hoãn tới năm nay do tính cầu toàn của nhà đạo diễn kiêm giảng viên triết học MIT kiêm nhà báo tự do cho The Newyorker và Life. Tất cả những huyền thoại lẫn dữ kiện thực quanh vị đạo diễn không bao giờ chịu trả lời phỏng vấn báo chí hay ít dịp xuất hiện tại các liên hoan phim này, lẫn những thông tin rò rỉ từ hậu trường Tree of Life về Brad Pitt hay Khủng Long đã đẩy niềm mong đợi của người yêu điện ảnh tới cao trào. Thế rồi tại Cannes, bộ phim được giải Cành Cọ Vàng danh giá nhất này đồng thời cũng là bộ phim bị nhiều khán giả la lối và không ít người bỏ về, nhưng lại tốn không ít giấy mực ngợi ca của báo giới, không ít người bực tức vì tiếc 1h38 phút đồng hồ, nhưng cũng không ít người vội về lên mạng chia sẻ niềm cảm hứng dâng trào hay trận khóc lóc suốt hơn hai tiếng vì bị rung động dữ dội.

Quả thật bộ phim không làm người xem thất vọng nếu họ trông chờ được thấy khủng long hay Brad Pitt và Sean Penn, Chúa hay hay thậm chí cả Big Bang trong cùng một phim. Nhưng thực ra Tree of Life là phim gì?

Tree of Life được kể bởi hồi ức của Jack (Sean Penn), một kiến trúc sư thành đạt thế kỷ 21 trong cơn khủng hoảng tinh thần tuổi trung niên. Câu chuyện phi tuyến tính trở đi trở lại thời thơ ấu của Jack những năm 50 với gia đình ở miền quê Texas yên bình. Người cha trong gia đình, ông O’Brien, một cựu binh thất bại trong cuộc sống thời hậu chiến đem cả nỗi giận dữ giấc mơ Mỹ tan vỡ trút lên những thằng con trai và người vợ (Jessica Chastain) đẹp thánh thiện và ngọt ngào. Người đàn ông nhận lại nghiệp chướng, khi cậu con đầu nuôi mối căm thù bố lớn dần trở thành một thằng con trai giống mình hơn hết thảy và rồi mất một người con trai khác trong quân ngũ. Jack truy vấn quá khứ và lang thang kiếm tìm ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa nỗi đau, nỗi mất mất hay ý nghĩa của mọi thứ tồn tại trên đời trở ngược về tới tận cội nguồn trái đất và sự ra đời của muôn loài.

Tree of Life, đúng như tên gọi hiểu theo nghĩa Thiên Chúa giáo, là sự cứu rỗi, là món quà quý báu nhất của Chúa ban cho loài người, hay là một lời hứa về cuộc sống vĩnh cửu trên thiên đường. Cái tên cũng đủ cho thấy tham vọng vô biên của Malick. Ông cố gói ghém vào trong hơn hai giờ phim cả lịch sử nhân loại cùng câu hỏi muôn đời “Vì sao người tử tế luôn phải chịu khổ đau?” bằng cách chọn dẫn lời Quyển sách của Job (Thánh Kinh Do Thái), cùng sự cứu rỗi được diễn giải hơi có phần vụng về bằng cảnh kết những người, già, trẻ, sống, chết, tụ lại mừng tủi gặp nhau bên bờ bình minh đại dương như một ẩn dụ về kiếp sau. Đưa đẩy bằng những bản giao hưởng và lời tự sự của các nhân vật, những chủ đề đối ngược đan cài rất rộng đều được đề cập: từ mối quan hệ gia đình chồng/vợ, cha/con, mẹ/con, anh/em, rồi đến những cặp vừa đối lập vừa tương hỗ thiên nhiên hoang dã/thanh lịch nho nhã, sống theo bản năng sinh tồn/gò mình theo quy ước văn minh, cái vĩ mô của vũ trụ/cái vi mô của cá thể con người, và sống/chết…

Có lẽ những câu hỏi hiện sinh và siêu hình đặt ra đã đeo đuổi Malick suốt cuộc đời làm phim của ông nên trong phim nào người xem cũng dễ dàng nhận thấy dấu ấn đạo diễn qua những vĩ cảnh thiên nhiên và các bối cảnh lịch sử choáng ngợp như trong The New World, The Thin Red Line, Days of Heaven, Badlands. Trong cả 5 phim, trừ những cảnh quay rất trừu tượng theo chân Sean Penn dọc ngang, lên xuống những tòa công trình thế kỷ 21 (những góc máy hiểm hóc biến chúng thành các giáo đường kính và sắt thép hiện đại đến ngột ngạt), Malick chưa bao giờ làm phim về hiện tại. Với Cây Đời, Terrance Malick có lẽ muốn đẩy điện ảnh tới những giới hạn tận cùng để đưa tới người xem một kỳ quan, nhưng tiếc thay, tham vọng ấy quá lớn nên tính thiền định lấn lướt cả vẻ đẹp điện ảnh – điều đầu tiên người xem trông đợi ở một bộ phim.

Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận được những nỗ lực lớn của ông mà không phải đạo diễn nào cũng mơ làm nổi. Thủ pháp điện ảnh của Malick đậm nét trong từng cách dẫn chuyện theo tuyến nhân vật khác nhau, trong từng hình ảnh, trong từng chỉ đạo diễn xuất và thậm chí cả cách chọn nhạc. Nếu để núi lửa, tế bào với khủng long sang một bên, thì Cây Đời là xứng vào hàng phim kinh điển.

Người xem được trở lại với quá khứ đầy bối rối giữa hạnh phúc và sợ hãi của Jack bằng những nhát cắt ký ức bỏ qua raccord (tính tương thích giữa các cảnh), bằng những khuôn hình lộn ngược (trong The thin red line là hình Marty Bell mặc váy vàng trên xích đu, trong Tree of Life là bóng những đứa trẻ đổ dài như hình vẽ người tiền sử trong hang động). Góc máy đặt thấp ở góc nhìn của lũ trẻ khiến khán giả thấy những gì chúng thấy, cảm những gì chúng cảm. Nguồn sáng trong từng khuôn hình thường phần lớn là ánh sáng tự nhiên, dưới những xử lý khéo léo của quay phim Emmanuel Lubezki (quay Children of Men và The New World) càng trong trẻo và tình cảm.

Dàn diễn viên từ gạo cội cho tới trẻ con đóng góp rất lớn khiến phần hồi tưởng có sức truyền cảm lớn. Diễn xuất của Brad Pitt có thể nói đã nâng anh lên một bậc mới, hay như vài tờ báo thậm chí cho rằng đây là vai diễn hay nhất của anh từ trước tới nay. Sean Penn mặc dù là người dẫn chuyện nhưng chỉ xuất hiện dưới 10 phút, thế cũng đủ để vào vai hoàn hảo Jack ở tuổi trung niên đang mất cân bằng trong cuộc sống. Và những cậu bé, đặc biệt là Hunter McCracken (Jack hồi nhỏ) góp phần kéo bộ phim gần lại với khán giả hơn. Thành công này có được phải kể đến phương pháp độc đáo của Malick. “Terry bắt đầu bằng việc thuê trọn một khối phố và biến nó thành như những năm 50, như thế là để chúng tôi có thể ra ngoài và ở bất cứ đâu chúng tôi muốn. Ý tưởng của ông ấy là dù có đưa chùng tôi kịch bản rất dày thì ông cũng chẳng để chúng tôi dùi mài học thuộc lòng, mà ông muốn chộp lấy những gì xảy ra ngày quay ấy [ …] Bọn trẻ con cũng chẳng được đưa kịch bản trước, chúng nó có một tủ quần áo riêng cho phim, và thoải mái tự chọn đồ để mặc cho mỗi buổi. Chúng tôi thường quay có 2 lần mỗi cảnh thôi… Terry sáng nào cũng dậy sớm viết một tiếng, đưa những trang mới viết ấy để chúng tôi tự phát triển thêm từ đó. Tôi cho rằng nhờ thế mà có những khoảnh khắc rất ngẫu hứng, không bị gò bó trong định kiến nào cả, ngay cả ánh sáng cũng thế, chỉ có mỗi một đèn trong nhà, mọi thứ khác đều là ánh sáng tự nhiên.” Brad Pitt kể trong một buổi trả lời phỏng vấn ở Cannes. Anh đã phải mất đến vài ngày để quen với cách đạo diễn của Malick.

Có lẽ cũng vì thế mà để ra mắt được bộ phim mà nhà sản xuất Bill Pohlad đã từng từ chối đầu tư vì không tin có thể làm nổi, Terrence Malick phải mất tới 5 năm chuẩn bị không kể quá trình thu thập tư liệu từ trước đó rất lâu.

Kỳ thực, chưa có bộ phim nào kể từ 2001: A Space Odyssey dám và đạt được tham vọng tóm tắt không gian vô tận và thời gian vĩnh cửu vào trong một bộ phim. Có lẽ chính vì thế mà Tree of Life hay được báo chí đem ra so sánh với 2001 bởi tham vọng lớn. Theo tôi, đó là một cố gắng có vẻ hơi quá sức.

Có thể với những người đam mê triết học siêu hình hay ý niệm hiện sinh, Cây Đời sẽ là một thiên trường ca, một mặc tưởng về sinh tồn. Với những người hâm mộ trung thành tính điện ảnh trong phim Malick, Cây Đời là một một bài thơ bằng hình ảnh và âm thanh, mà cũng là một cuộc chơi thử nghiệm táo bạo. Nhưng dù có so sánh đến bao nhiêu chăng nữa, một nửa đời sống của bộ phim đã mất cả vào những cảnh kỳ vĩ có phần xa lạ trong khi cố nói về cuộc sống. Còn những hình ảnh gần gũi nhất, vi mô nhưng chạm vào được trái tim khán giả nhất, thì chỉ đủ để vớt lại cảm xúc thế thôi, rồi cũng bị đẩy ra do cách kể chuyện tự sự phi thực. Những gì đọng lại về buổi xem phim chỉ còn là lơ lửng buồn thương cùng những hồi tưởng về tuổi thơ Jack, những thước phim qúa khứ đẹp tuyệt, những thiên hà nhang nhác gợi The Fountain (Darren Aronofsky) hay như phim tài liệu trên Discovery Channel và còn có cả tiếng cười khúc khích trong rạp khi khủng long xuất hiện.

Cành Cọ Vàng lần này phải chăng là tặng thưởng cho việc dám nghĩ lớn và một cố gắng phi thường để ôm một chủ đề quá rộng, hơn là vinh danh một kiệt tác thực thụ?

Trang Nghiêm